Đấu thầu thuốc vào bệnh viện: Giải pháp nào để kiểm soát giá thuốc?

Thứ Bảy, 03/06/2017, 09:20 [GMT+7]

Trong thời gian tới, tiền thuốc sẽ không còn chiếm tỷ lệ 60% tổng chi phí khám, chữa bệnh, mà sẽ giảm dần xuống còn 50%, 40%, thậm chí là 30%.
 
Cả nước có 56 tỉnh, thành phố thực hiện đấu thầu thuốc tập trung, 7 địa phương đấu thầu đại diện hoặc đơn lẻ. Làm sao để chấm dứt tình trạng giá thuốc trúng thầu mỗi nơi một giá? Bao giờ có thuốc chất lượng, giá hợp lý để bớt gánh nặng cho bệnh nhân nghèo. Phóng viên VOV phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.

PV: Thưa ông, hiện chi phí cho thuốc đang chiếm 60% tổng chi phí khám, chữa bệnh của người dân. So sánh với nhiều nước thì tỷ lệ 60% là con số rất lớn. Vậy ông nhìn nhận ra sao về giá thuốc trong tổng chi phí khám, chữa bệnh?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Mấy năm qua, có rất nhiều ý kiến nói rằng, chi phí khám, chữa bệnh tại Việt Nam với tỷ lệ thuốc quá cao. Tôi nghĩ nó cao vì từ trước tới nay chi phí khám, chữa bệnh mới cơ cấu các chi phí như: Thuốc, dịch vụ, giường bệnh… chứ chưa cơ cấu tiền lương, tiền khấu hao và tiền các thiết bị cơ bản. Vì vậy mà tỷ lệ thuốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng số chi phí khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, ngành Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn sửa đổi, theo hướng tính đầy đủ phí đầu vào để hình thành giá dịch vụ y tế. Vì vậy, tôi cho rằng, trong thời gian tới, tiền thuốc sẽ không còn chiếm tỷ lệ 60% tổng chi phí khám, chữa bệnh, mà nó sẽ giảm dần xuống còn 50%, 40%, thậm chí là 30%.
 

1
Cần minh bạch giá thuốc để bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân (ảnh minh họa)


PV: Từ ngày 1/6, khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh thì cơ cấu này có thể thay đổi, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Với những người đã tham gia bảo hiểm thì giá dịch vụ y tế đã phản ánh khá đầy đủ các chi phí đầu vào. Còn từ 1/6, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh thì chỉ áp dụng đối với những người chưa có bảo hiểm.

PV: Như vậy là cơ cấu giá này sẽ thay đổi dần dần, chứ hiện nay nó vẫn giữ con số khoảng 60%?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Hiện nay bắt đầu đưa lương vào giá dịch vụ y tế. Tôi nghĩ rằng trong năm tới, tỷ lệ này sẽ không còn cao tới 60% nữa.

Để các cơ sở y tế có thuốc tốt, giá hợp lý thì thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện đấu thầu thuốc tập trung, thay vì đấu thầu riêng lẻ như trước đây. Theo ông, hình thức đầu thầu thuốc tập trung có giúp kiểm soát được giá thuốc?

Tôi nhớ trong một  phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Nguyễn Văn Thuận, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn về đấu thầu, làm sao lựa chọn được giá tốt nhất? Lúc đó, ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng rất trăn trở nhưng theo cơ chế thị trường thì đấu thầu là một giải pháp tốt nhất để lựa chọn giá hợp lý.

Trước kia tỉnh giao cho các bệnh viện đấu thầu, nhưng khoảng 3 - 4 năm trở lại đây hơn 50 tỉnh đã đấu thầu thuốc tập trung. Kết quả cho thấy, sau khi đấu thầu thuốc tập trung thì giá thuốc giảm 20 - 30%.

PV: Với hình thức đấu thầu tập trung, công ty trúng thầu sẽ đảm nhận cung ứng số lượng thuốc rất lớn. Liệu có dẫn tới sự quá tải và theo ông có cách nào để minh bạch được giá thuốc trúng thầu?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Tôi nghĩ rằng, trong đấu thầu có sự cam kết giữa các bên bằng văn bản. Nếu anh trúng thầu nhưng không bảo đảm cam kết thì rõ ràng anh vi phạm. Tùy mức vi phạm hợp đồng, người mời thầu có thể phạt hoặc cấm doanh nghiệp vi phạm tham gia lần đấu thầu sau.

Một lo ngại nữa là doanh nghiệp có thể sẽ phải thu gom thuốc từ những nguồn khác để đáp ứng cho đủ gói thầu tập trung. Như vậy, giá thuốc lại bị đẩy lên vì phải qua một khâu nữa?

Một vấn đề tôi băn khoăn, đó là thuốc đi qua quá nhiều các công ty bán lẻ. Một số nước quy định, thuốc chỉ được qua 2 hoặc 3 công ty thôi, chứ ở ta thì thuốc qua rất nhiều vòng. Và do không khống chế về tỷ lệ chi phí, thuốc đi qua nhiều vòng thì giá bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng đã qua đấu thầu thì phải chọn giá hợp lý, giá thấp, chứ không phải cho thuốc qua nhiều công ty rồi đẩy giá lên. Làm như thế, tôi cho là không đúng.

PV: Có những loại thuốc do nước thứ 3 sản xuất, giá quá rẻ trúng thầu, dẫn tới lo ngại về chất lượng thuốc. Ông suy nghĩ gì về điều này?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Một loại thuốc được nhập khẩu vào Việt Nam thì phải chứng minh được về nguồn gốc, chất lượng. Thêm nữa, với chức trách của mình, ngành y tế có quyền kiểm tra chất lượng lô thuốc đó. Về nguyên tắc, thuốc nhập khẩu vào Việt Nam đều phải bảo đảm chất lượng thì mới được nhập, chứ anh không thể nói rằng giá rẻ là không bảo đảm chất lượng.

PV: Trong tổng chi phí thuốc trúng thầu vào bệnh viện, biệt dược có số lượng ít nhưng chiếm tới 25% giá trị. Theo ông, chúng ta có cách nào kiểm soát được giá của các loại biệt dược cũng như các loại thuốc đắt tiền?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Đã là biệt dược, đặc biệt là thuốc độc quyền thì người cung cấp có quyền lợi rất lớn nên nhà nước tác động chỉ một phần. Cái chính là chúng ta phải bảo đảm việc bán thuốc đúng giá kê khai, đó là sự minh bạch. Còn trường hợp thuốc đắt tiền, tác động tới nhiều bệnh nhân thì vai trò của Nhà nước là phải đứng ra để đàm phán, có được giá tốt nhất đối với nhà cung cấp.

Tôi được biết, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia và đang triển khai nhiệm vụ của mình. Tôi hy vọng, sự tích cực của Bộ Y tế, sự năng động của Trung tâm này và với việc mở rộng danh mục đấu thầu thì giá thuốc sẽ không có sự chênh lệch giữa các bệnh viện./.

 

Theo VOV

.