Giá dịch vụ y tế tăng, người không có thẻ bảo hiểm gặp khó

Thứ Bảy, 27/05/2017, 17:03 [GMT+7]

Từ ngày 1/6 tới, giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người bệnh tự chi trả sẽ tăng.
 
Cách đây 1 tháng, ông Phan Văn Lân, 70 tuổi, ngụ tại An Giang bất ngờ bị đột quỵ hôn mê, tím tái, thở ngáp, mạch và huyết áp không đo được. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra thấy ông bị tắc động mạch vành, muốn điều trị dứt điểm phải can thiệp nong và đặt stent động mạch vành phải để tái thông lại mạch máu bị tắc. Chi phí cho trường hợp này là 60 triệu đồng, nếu có bảo hiểm y tế thì giảm được khoảng 50%. Tuy nhiên, bệnh nhân này lại không có bảo hiểm y tế, gia đình lại khó khăn không có đủ khả năng đáp ứng số tiền trên.
 

1
Từ ngày 1/6 tới, giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người bệnh tự chi trả sẽ tăng, nên nhiều người không mua bảo hiểm y tế sẽ gặp khó khăn nếu chẳng may mắc bệnh.


Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhi Nguyễn Văn Ly, 15 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng vừa nhập viện được vài ngày do bị chứng thận hư. Đây là một chứng bệnh đòi hỏi việc chăm sóc điều trị kéo dài hàng chục năm và tốn kém. Thuốc dùng cho điều trị bệnh này giá cao, khoảng 28.000 đồng đến 54.000 đồng mỗi viên, tùy từng loại thuốc. Mỗi tháng chi phí điều trị thấp nhất là 3 triệu đồng. Nếu không có khả năng mua thuốc điều trị, bệnh nhi sẽ diễn tiến sang suy thận và nhiều cơ quan khác gây tử vong sớm. Anh Nguyễn Văn Kha, bố của bệnh nhi Ly cho biết: vợ chồng làm công nhân, cháu lại không có thẻ bảo hiểm y tế nên gia đình phải xuống xin hỗ trợ từ Phòng Công tác xã hội của bệnh viện.

Anh Kha cho biết: “Ở trường, người ta cũng kêu mua những tôi chưa mua, loanh quanh tí đã lại hết năm. Bây giờ tôi tính giờ mua, đợi cho con khỏe rồi về làm giấy chứng minh để mua. Từ tết đến giờ làm công nhân được bao nhiêu tiền đều lo cho con hết chẳng dư đồng nào”.

Hai bệnh nhân nói trên chỉ là số ít trong 20% người dân chưa có bảo hiểm y tế trên cả nước tốn nhiều chi phí do không có bảo hiểm y tế. Gặp những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, phòng công tác xã hội của các bệnh viện phải kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ.

Bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: mỗi tháng có hơn 100 trường hợp bao gồm các bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế và cả khám chữa bệnh vượt tuyến đến đăng ký được hỗ trợ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có những bệnh nhân chi phí đến hàng trăm triệu đồng. Phòng cũng phải làm công tác tư tưởng để người dân hiểu lợi ích của việc mua bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Thạc nói: “Sau khi các cháu xuất viện, chúng tôi vận động người nhà đến địa phương, những nơi mà có thể tiếp cận dịch vụ bảo hiểm y tế để đăng ký mua. Cũng phân tích cho họ hiểu là có thể dịp này mình may mắn nhận được sự hỗ trợ của mạnh thường quân, nhưng có những lúc kêu gọi rất khó khăn. Nếu có bảo hiểm sẽ giảm được các chi phí”.

rong số 1.900 dịch vụ y tế tăng giá, một số chỉ định mà bệnh nhân thường gặp là siêu âm, chụp X-quang. Đặc biệt là giá giường bệnh sẽ được nâng lên khá cao từ 54.000 đến hơn 362.000 đồng tùy từng loại giường, trong khi giá hiện hành theo quy định chỉ từ 12.000 đến 80.000 đồng. Hoặc đối với các bệnh nhân điều trị ung thư, chi phí xạ phẫu bằng Cyber Knife là hơn 20 triệu đồng; xạ phẫu bằng Gamma Knife: hơn 28 triệu đồng; xạ trị bằng X Knife: hơn 28 triệu đồng… Đây là con số không hề nhỏ đối với thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay. Chi phí điều trị cao, nếu người dân không được Bảo hiểm Y tế thanh toán, có thể không kéo dài được quá trình điều trị.

Tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, 80% viện phí thu khoảng 52% bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế còn 20% viện phí còn lại là từ số người không có thẻ. Điều này cho thấy bệnh nhân có không có bảo hiểm y tế tỷ lệ bỏ điều trị cao hơn.

Theo tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bảo hiểm y tế đã giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội điều trị bệnh nhiều hơn. Việc tăng giá dịch vụ đối với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế không phải là làm khó người bệnh, mà tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm toàn dân, đề phòng những trắc trở về sức khỏe. Đây cũng là một cách chia sẻ cộng đồng với nhau.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: "Người dân không tham gia là có 2 lý do. Thứ nhất là khó khăn thì nhà nước cho rồi, hộ nghèo, cận nghèo, diện chính sách đã được hỗ trợ rồi. Còn thứ 2 là người dân có điều kiện không cần tham gia. Những trường hợp đó phải trả chi phí tính đúng tính đủ, nhà nước không bao cấp được”.
Ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, cải tiến thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ hài lòng người bệnh. Vì vậy, dù không ai biết trước được mình sẽ bị bệnh lúc nào, nhưng mỗi người dân nên tham gia bảo hiểm y tế để giảm chi phí điều trị, để được chăm sóc toàn diện./.

 

Theo VOV
 

.