Điện Biên cần chủ động phòng bệnh viêm não mô cầu khi khan hiếm vắc xin

Thứ Hai, 04/04/2016, 08:54 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua, cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh viêm não mô cầu tại các tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh… Bệnh cũng đang có dấu hiệu lây lan nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, như: Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La… Theo Trung tâm Y tế dự phòng, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, song hiện nay, tại tỉnh Điện Biên, loại vắc xin này đã hết, đó cũng là thực trạng chung của cả nước. Chính vì thế, người dân cần chủ động trong việc phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, cộng đồng.

 

s
Cán bộ Trạm Y tế xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa nâng cao nhận thức cho người dân thông qua công tác truyền thông để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, cộng đồng.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Diệu, tổ dân phố 8, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ có 4 thành viên: Vợ, chồng và 2 con nhỏ. Do sức đề kháng cơ thể yếu, những lúc thời tiết thay đổi, cả nhà đều cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là 2 người con dưới 6 tuổi. Vừa qua, nghe thông tin trên phương tiện truyền thông, chị Diệu biết đến sự nguy hiểm của bệnh viêm não mô cầu, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Chị quyết định đưa 2 con đi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu. Nhưng khi đến phòng tiêm chủng vắc xin Safpo Điện Biên tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì được thông báo đã hết. Chị Diệu, chia sẻ: Hiện giờ gia đình tôi rất hoang mang, lo lắng. Bệnh thì đã về tới các tỉnh phía Bắc, vắc xin lại chưa có, không biết bao giờ mới có vắc xin để phòng loại bệnh này. Chung tâm trạng với gia đình chị Diệu, gia đình anh Hoàng Văn Thông, tổ dân phố 20, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ cũng đang hoang mang nếu bệnh trở thành dịch tại Điện Biên trong khi vắc xin phòng bệnh lại khan hiếm.

Trao đổi với ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, được biết: Viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em và có khả năng gây thành dịch với tỷ lệ tỷ vong từ 8 – 15%. Mặc dù hiện tại, Điện Biên đã hết vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu nhưng thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dự kiến trong tháng 4 tới sẽ có vắc xin đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong thời gian này, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động trong việc phòng, ngừa để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng đã gửi công văn tăng cường giám sát, phòng chống bệnh do não mô cầu đến các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố.

Theo bác sỹ Hùng, để phòng bệnh viêm não mô cầu, đối với người không mắc bệnh,  cần tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm, nếu đã tiếp xúc thì phải dùng thuốc dự phòng, xúc miệng hằng ngày bằng nước muối hoặc các dung dịch sát trùng mũi họng; giữ vệ sinh thân thể, thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc. Trong trường hợp những người có nguy cơ cao bị lây bệnh, như: Đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân khi ho văng vi khuẩn vào mặt, những người cùng gia đình sinh hoạt với người mắc bệnh… thì cần phải uống kháng sinh dự phòng (theo chỉ định của bác sĩ). Đối với những người tiếp xúc khác, như: Ở cộng đồng cần phải theo dõi sức khỏe, khi bị sốt cần phải điều trị và làm các chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.  Đặc biệt, với những người khi bị viêm màng não, viêm não do não mô cầu, cần phải được nhập viện điều trị càng sớm càng tốt và phải được cách ly để không lây bệnh cho những người xung quanh. Chế độ ăn uống, sinh hoạt phải theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị.

Hiện nay, vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên khi có vắc xin, người có nhu cầu tiêm cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm phòng đúng lịch.


Văn Quyết

.