Giảm thiểu lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Thứ Hai, 01/02/2016, 15:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị phơi nhiễm HIV từ mẹ. Chính vì vậy, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều hoạt động tích cực, góp phần giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống còn khoảng 5%.

Bác sỹ Lò Thị Tố Khuyên, Trưởng khoa Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: Ước tính hàng năm toàn tỉnh có khoảng 13.000 - 14.000 phụ nữ mang thai. Qua xét nghiệm, phát hiện mới  từ 18 - 20 trường hợp mới mang thai nhiễm HIV/năm. Người mẹ mang thai nhiễm HIV không điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV sang thai nhi từ 25% - 30%. Nếu tiếp cận và điều trị sớm trong thời kỳ mang thai bằng thuốc kháng vi rút ARV thì tỷ lệ này giảm còn khoảng 5%. Và nếu điều trị không tuân thủ quy trình, liều lượng thì hiệu quả cũng không được như mong muốn. Trong năm 2014 Trung tâm ghi nhận 1 trường hợp là chị H. (xã Thanh An, huyện Điện Biên) nhiễm HIV khi mang song thai nhưng do không tuân thủ quá trình điều trị dự phòng lây truyền mẹ con nên 2 trẻ sinh ra đều dương tính với HIV. Cũng qua nghiên cứu cho thấy, số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ (chiếm khoảng 20%). Do đó, những trường hợp phát hiện muộn (lúc chuyển dạ), cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV hoặc trường hợp có thể áp dụng điều trị dự phòng lây nhiễm thì hiệu quả cũng không cao. Vì vậy, phụ nữ nhiễm HIV và phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần phải biết tình trạng bệnh của mình bằng cách tiếp cận sớm với tư vấn xét nghiệm tự nguyện để được điều trị kịp thời và để con họ sinh ra được tư vấn chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp phòng tránh lây truyền từ mẹ sang con.

 

s
Hoạt động truyền thông hướng dẫn cách sử dụng bao cao su cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ.

 

Với mục đích giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt và tuân thủ đầy đủ phác đồ, quy trình điều trị; thời gian qua Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp truyền thông về lợi ích của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tới phụ nữ đã lập gia đình, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Cùng với đó, công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai được tăng cường, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ, các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; cung cấp điều trị ARV bằng phác đồ 3 thuốc; theo dõi, hướng dẫn tư vấn các biện pháp an toàn cho trẻ trước, trong và sau sinh… Qua đó góp phần thay đổi tích cực nhận thức của chị em phụ nữ trong việc khám, làm xét nghiệm phát hiện sớm HIV khi mang thai, góp phần giảm thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do phơi nhiễm từ mẹ. Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm 2015 các cơ sở y tế trong tỉnh đã xét nghiệm HIV cho 9.429 phụ nữ mang thai; phát hiện mới 19 phụ nữ mang thai dương tính với HIV; điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho 36 phụ nữ mang thai (có 13/19 phụ nữ mang thai mới phát hiện HIV, 23 phụ nữ mang thai nhiễm HIV từ trước). Lũy tích đến tháng 11/2015, có 284 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV.

Bác sỹ Lò Thị Tố Khuyên khẳng định: Bằng những biện pháp can thiệp tích cực, điều trị dự phòng sớm nên công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực, giảm số trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ xuống khoảng 5%. Song trên thực tế, việc thực hiện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gặp khá nhiều khó khăn vì hầu hết phụ nữ mang thai nhiễm HIV là người nghèo sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới nên việc tiếp cận điều trị dự phòng lây truyền mẹ con còn hạn chế. Một số phụ nữ đi làm ăn xa đến khi chuẩn bị sinh mới về nơi cư trú, không theo dõi, làm xét nghiệm phát hiện sớm nên không tiếp cận được dịch vụ. Ngoài ra, không ít trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV sợ bị cộng đồng xa lánh, phân biệt đối xử nên giấu bệnh chỉ đến khi chuyển dạ phải can thiệp bằng phẫu thuật, cán bộ y tế mới phát hiện tình trạng nhiễm HIV, dẫn đến đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị nhiễm HIV từ mẹ. Bác sỹ Khuyên nhớ lại: Trong chuyến công tác tại xã Huổi Mí (huyện Mường Chà) phát hiện chị L.T.X (SN 1983, trú tại bản Pa Ít) mang thai dương tính với HIV. Sau đó, cán bộ y tế nhiều lần đến thuyết phục, vận động và đem thuốc điều trị ARV đến để chị uống điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng chị X. đều từ chối việc sử dụng dịch vụ điều trị... Đó là những nguyên nhân dẫn đến tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, ảnh hưởng đến hiệu quả của các chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.




Minh Thùy

.