Mường Nhé khó khăn trong xây dựng chuẩn Quốc gia về Y tế xã

Thứ Ba, 02/06/2015, 17:08 [GMT+7]

Điện Biên TV  - Từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân trên địa bàn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé. Để thực hiện mục tiêu trên bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện thì công tác xây dựng chuẩn Quốc gia về Y tế xã nhằm tăng cường năng lực, chất lượng phục vụ của Y tế tuyến dưới được coi là một giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của một huyện miền núi biên giới công tác xây dựng chuẩn Quốc gia Y tế xã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

d
Qua kết quả đánh giá mới nhất, trong số 11 xã mới có 2 xã Sín Thầu và Sen Thượng huyện Mường Nhé đạt chuẩn Quốc gia về Y tế xã theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế. Còn lại 9 xã mới đạt một số tiêu chí hoặc chưa đạt tiêu chí nào.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của đảng nhà nước, cơ sở vật chất, trang thiết bị của tuyến Y tế cơ sở tại Mường Nhé đã từng bước được đầu tư, xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn. Về phía Trung tâm Y tế huyện cũng có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, đặc biệt là công tác xây dựng chuẩn Quốc gia về Y tế xã nhằm phục vụ tốt hơn việc khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân. Theo đó, thực hiện Quyết định 3447 ngày 22/9/2011 của Bộ Y tế về bộ tiêu chí Quốc gia mới đối với Y tế xã giai đoạn 2011-2020, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành rà soát, đánh giá chấm điểm đối với 11/11 xã. Trên cơ sở đó, đề ra lộ trình, kế hoạch cũng như những mục tiêu cụ thể để phấn đấu xây dựng chuẩn Quốc gia về Y tế tại từng địa bàn xã. Qua kết quả đánh giá mới nhất, trong số 11 xã mới có 2 xã Sín Thầu và Sen Thượng đạt chuẩn Quốc gia về Y tế xã theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế. Còn lại 9 xã mới đạt một số tiêu chí hoặc chưa đạt tiêu chí nào.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé: Về cơ bản công tác xây dựng xã chuẩn Quốc gia về Y tế của huyện Mường Nhé còn gặp rất nhiều khó khăn. Những yêu cầu cơ bản như cơ sở vật chất của các Trạm Y tế còn chưa được đảm bảo. Nhiều trạm chưa được đầu tư xây dựng, cán bộ Y tế vẫn phải hoạt động trong những căn nhà gỗ tạm như Trạm Y tế Nậm Vì, trạm y tế Chung Chải, Pá Mỳ, thậm chí chưa có nhà trạm như xã Huổi Lếch…Trong số 10 tiêu chí với 50 nội dung đánh giá của Bộ tiêu chí Quốc gia, có rất nhiều nội dung các Trạm Y tế xã không thể đạt được trong thời gian ngắn, nhiều nội dung khác lại đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cũng như sự ủng hộ của người dân. Theo số liệu những tháng đầu năm 2015, những nội dung như tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế thấp đạt khoảng 30%, số phụ nữ đẻ được khám thai 3 lần/3 kỳ đạt 16%, tỷ suất tử vong trẻ em còn cao, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng không đạt kế hoạch, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao hơn nhiều so với mức bình quân chung…là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với công tác phấn đấu xây dựng chuẩn Quốc gia về Y tế xã.

d
Theo số liệu những tháng đầu năm 2015,  tỷ suất tử vong trẻ em còn cao, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng không đạt kế hoạch, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao hơn nhiều so với mức bình quân chung…là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với công tác phấn đấu xây dựng chuẩn Quốc gia về Y tế xã.

Trạm Y tế xã Nậm Kè  được huyện Mường nhé chọn để phấn đấu trở thành Trạm Y tế thứ 3 đạt chuẩn trong năm 2015. Về cơ sở vật chất, sau nhiều năm phải thực hiện công tác khám chữa bệnh trong nhà gỗ tạm, đến năm 2010, trạm được đầu tư xây dựng kiên cố với đầy đủ các phòng chức năng theo tiêu chuẩn. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để xã phấn đấu đạt các tiêu chuẩn khác. Theo quy định, xã được công nhận đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau: Đạt từ 90 điểm trở lên cho 50 nội dung và số điểm trong mỗi tiêu chí phải đạt từ 50% số điểm của tiêu chí đó trở lên. Theo điểm đánh giá vừa qua, Trạm Y tế xã Nậm Kè đã đạt 60/100 điểm theo bộ tiêu chí. Tuy nhiên vẫn còn một số tiêu chí và rất nhiều nội dung cần phải phấn đấu để Nậm Kè có thể đạt chuẩn Quốc gia về Y tế. Trong đó khó khăn nhất vẫn là tiêu chí về y tế dự phòng, vệ sinh môi trường, các chương trình mục tiêu Quốc gia về Y tế và tiêu chí chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình. Chẳng hạn, tỷ lệ sinh con của xã còn rất cao chiếm gần 35% tổng số trẻ sinh ra trong khi theo bộ tiêu chí tỷ lệ này phải dưới 15%. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng là 27%, thể thấp còi là 45% cao hơn nhiều so với quy định; tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần/3 kỳ chỉ đạt 37%. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh mới đạt 18,5%, có nhà tiêu hợp vệ sinh 27% trong khi theo tiêu chuẩn tỷ lệ này phải là trên 70%...

Trước những khó khăn trong công tác phấn đấu xây dựng xã chuẩn Quốc gia về Y tế, Trạm Y tế xã Nậm Kè một mặt tranh thủ sự lãnh đạo, hỗ trợ của Trung tâm Y tế huyện duy trì các tiêu chí đã đạt được. Mặt khác, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đạt được các nội dung, chỉ tiêu còn lại trong bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Trong đó, tập trung tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương phát huy vai trò của các đoàn thể cùng phối hợp với đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông y tế để từng bước nâng cao nhận thức của người dân về dân số kế hoạch, hóa gia đình, vệ sinh môi trường và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Từ đó, từng bước đạt các tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia và đưa xã trở thành xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế.

d
Để từng bước đạt chuẩn Quốc gia về Y tế xã việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân không sinh con thứ 3, làm tốt công tác KHHGĐ là điều được cấp ủy chính quyền huyện Mường Nhé thường xuyên quan tâm, chú trọng.

Rõ ràng, Nậm Kè đã có đủ các điều kiện thiết yếu để phấn đấu được công nhận chuẩn Quốc gia về Y tế xã. Nhưng từ việc có điều kiện thuận lợi đến đạt được các tiêu chí, nội dung cụ thể là một chặng đường dài. Và chặng đường này còn khó khăn, trắc trở hơn nhiều đối với hầu hết các xã còn lại của huyện Mường Nhé. Về cơ sở vật chất, nhu cầu đầu tư xây dựng các Trạm Y tế mới đạt chuẩn là rất lớn, nhiều Trạm Y tế còn nhà tạm như Chung Chải, Nậm Vì, Pá Mỳ, Trạm Y tế xã Mường Toong, Huổi Lếch hoạt động lồng ghép cùng Phòng khám Đa khoa khu vực Mường Toong. Nhu cầu đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế của các trạm cũng là vấn đề cần quan tâm của Trung tâm Y tế huyện trong lộ trình phấn đấu xây dưng chuẩn Quốc gia về y tế. Về đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, hiện nay toàn huyện mới có 19 bác sĩ trong đó chỉ có 2 bác sĩ ở tuyến Y tế xã , 1 dược sĩ đại học , 3 kỹ thuật viên….Vì vậy, yêu cầu tăng cường đội ngũ y, bác sĩ cả về số lượng và chất lượng là cấp thiết, trước mắt để phấn đấu tăng tỷ lệ bác sĩ từ 5,5 bác sĩ/vạn dân lên 6,4 bác sĩ/vạn dân. Trong thực tế, việc đạt chuẩn Quốc gia về Y tế đã khó, song việc giữ gìn tiêu chí ấy còn khó khăn hơn vì chỉ cần một nội dung, hoặc một tiêu chí nào đó không đạt thì xã sẽ không duy trì được chuẩn Quốc gia về Y tế. Vì vậy, đòi hỏi các xã, đặc biệt là các xã đã đạt chuẩn như Sen Thượng, Sín Thầu cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác khám chữa bệnh, duy trì chuẩn Y tế. Đối với các xã khác là việc huy động sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, vận động các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp can thiệp kế hoạch hóa gia đình để giảm mức sinh tự nhiên, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3.v.v.

Đối với một huyện miền núi biên giới khó khăn như Mường Nhé, Trạm Y tế xã là tuyến y tế cơ sở quan trọng trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Và công tác xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế là một trong những mục tiêu quan trọng, hàng đầu góp phần nâng cao hiệu quả, kết quả hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Tuy nhiên, để xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế tại các địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế, giao thông khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu là những khó khăn lớn đối với Trung tâm Y tế nói riêng và huyện Mường Nhé nói chung. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế còn cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương và sự ủng hộ của chính người dân để các xã trên địa bàn huyện phấn đấu từng bước xây dựng chuẩn Quốc gia về Y tế xã.



Chu Linh – Duy Hưng

.