Xã hội hóa công tác y tế ở Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo

Thứ Tư, 05/11/2014, 10:45 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, là đơn vị đầu tiên trong ngành Y tế tỉnh thực hiện công tác xã hội hóa trong việc đầu tư, mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại. Trong khi nguồn lực đầu tư từ tuyến trên còn hạn chế, việc thực hiện xã hội hóa công tác y tế ở Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Chưa đầy 1 tháng trước đây, tuần nào ông Tòng Văn Chươi ở xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo cũng phải chạy thận từ 2 đến 3 lần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mặc dù chi phí điều trị đã được bảo hiểm chi trả toàn bộ nhưng để tiện cho việc điều trị, bản thân ông Chươi phải thuê nhà ở, đồng thời phải bố trí thêm một người nhà chăm sóc nên khoản tiền bỏ ra trong một đợt điều trị là rất lớn. Từ ngày Trung tâm Y tế huyện đầu tư máy chạy thận nhân tạo, việc điều trị của ông đã thuận lợi hơn trước rất nhiều.

c
Ngày 23/10 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo đã đưa vào sử dụng 2 chiếc máy chạy thận nhân tạo với trị giá hơn 2 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền mua sắm thiết bị đều do đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ trong đơn vị đóng góp cổ phần.

 

2 chiếc máy chạy thận nhân tạo được Trung tâm Y tế Tuần Giáo đầu tư mua về sử dụng theo hình thức xã hội hóa, có trị giá hơn 2 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền mua sắm thiết bị đều do đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ trong đơn vị đóng góp cổ phần. Ngày 23/10 vừa qua, 2 thiết bị y tế hiện đại này đã được đưa vào sử dụng. Hiện nay, đã có 5 bệnh nhân đăng ký chạy thận nhân tạo thường xuyên. Bên cạnh các bệnh nhân đã được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí, số tiền chi phí cho một lần chạy thận đối với bệnh nhân làm dịch vụ chỉ hơn 20.000đồng. Số tiền viện phí không lớn, người bệnh sau khi chạy thận có thể về nhà trong ngày và giúp đỡ gia đình một số công việc nhẹ nhàng.

Bên cạnh đáp ứng nhu cầu chạy thận nhân tạo của người bệnh, thiết bị này còn sử dụng trong các trường hợp lọc máu cấp cứu, khi bệnh nhân bị suy thận cấp mà không phải chuyển tuyến, giảm bớt gánh nặng về chi phí điều trị cho gia đình người bệnh; đội ngũ y, bác sỹ của trung tâm còn được tiếp cận, ứng dụng và vận hành các thiết bị y tế hiện đại. Từ việc triển khai công tác xã hội hóa y tế có hiệu quả, trong tương lai, đơn vị sẽ tích lũy được quỹ phát triển, để tái đầu tư cơ sở vật chất, cùng nhiều trang thiết bị y tế hiện đại khác. Bác sỹ Đoàn Vương Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo cho biết: "Mục đích đầu tiên đơn vị đưa máy chạy thận vào là để đưa khoa học kỹ thuật vào trung tâm nhằm đổi mới các trang thiết bị hiện đại hơn và giúp cho những bệnh nhân bệnh thận đỡ vất vả, không phải đi xa cũng không phải thuê nhà trọ như khi điều trị trên tuyến tỉnh, mà họ chỉ đến chạy thận xong là về nhà thôi. Còn để tính toán về kinh tế thì hiện tại chúng tôi mới làm cũng chưa biết được hay không được, nhưng cái được đó là giúp cho bệnh nhân trước đã."

Nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách của Nhà nước hay của tỉnh thì các trung tâm y tế tuyến huyện chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại. Khi thực hiện công tác xã hội hóa y tế, quyền tự chủ về tài chính đã giúp các cơ sở y tế chủ động huy động các nguồn lực, tiết kiệm chi phí… phục vụ khám chữa bệnh, giảm bớt chi phí cho người bệnh, có kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa y tế như trên, ngành Y tế cũng cần phải giám sát chặt chẽ, tránh để những cơ sở y tế công lạm dụng phương tiện để trục lợi, gây thiệt thòi cho người bệnh./.

 

Bùi Quang – Tuấn Anh
 

.