Nhiều khó khăn trong thực hiện chi trả dịch vụ an sinh không dùng tiền mặt

Thứ Hai, 25/09/2023, 16:13 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo lộ trình, đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh sẽ thực hiện chi trả cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội và người có công trên địa bàn tỉnh qua tài khoản ngân hàng. Mặc dù đã quá thời hạn gần 2 tháng, tuy nhiên đến nay mới chỉ có gần 50% người dân thuộc đối tượng được cấp tài khoản chi trả. Những trở ngại khiến việc chi trả các dịch vụ an sinh xã hội không dùng tiền mặt đang gặp khó là gì?

Ông Vũ Văn Thịnh ở phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ là bệnh binh đang hưởng chế độ người có công chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng cho biết: Khi được cán bộ phường và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố thông báo chủ trương trả tiền trợ cấp người có công qua tài khoản, ông hoàn toàn ủng hộ. Mặc dù tuổi đã cao, tuy nhiên sau vài lần được con cháu hướng dẫn, ông đã có thể tự thao tác rút tiền tại cây ATM mỗi khi cần.

Tuy nhiên, những trường hợp như ông Thịnh không phải là đa số. Bởi mô hình này tương đối thuận lợi và phù hợp với các đối tượng cư trú trên địa bàn thành thị, nơi có các phòng giao dịch thường xuyên của các ngân hàng thương mại hay các cây ATM, đồng thời có khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin. Còn tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đây lại là một bài toán khó đối với nhiều người dân.

Bà Lò Thị Yên ở bản Pa Luống, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên nhận trợ cấp cho hai người thân không may bị khuyết tật bẩm sinh. Cộng thêm phụ cấp của người chăm sóc, sau khi chuyển đổi sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, bà Yên loay hoay với các loại giấy tờ khác nhau mỗi khi cần lĩnh tiền. Khó khăn gặp phải nhiều hơn khi bà không biết đăng ký dịch vụ mở thẻ ATM, không đăng ký dịch vụ SMS Banking - thông báo biến động thông tin từ tài khoản…

1
Việc chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, ở thời điểm hiện nay, thực tế mới chỉ phù hợp với khu vực thành thị.

“Trước đi lấy tiền cho cháu thì cầm sổ đi lấy ở xã, nhưng bây giờ làm thẻ đi lên ngân hàng thì bảo xuống xã lấy, xuống xã thì lại phải làm giấy ủy quyền mà tôi già quá rồi không biết làm. Không biết lúc nào có tiền mà đi đi lại lại nhiều lần quá.” - bà Lò Thị Yên, nói.

Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã mang lại, như: tạo thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc chi trả, thanh quyết toán đảm bảo nhanh chóng, công khai, hiện đại. Tuy nhiên, với những điều kiện vốn có - cả về nhân lực lẫn vật lực tại tỉnh Điện Biên, việc bao phủ thanh toán không dùng tiền mặt đối với người hưởng trợ cấp vẫn còn gặp nhiều rào cản. Bởi lẽ, bên cạnh việc hầu hết các đối tượng thuộc nhóm này là người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội,… thì đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn cũng gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận.

Về vấn đề này, ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để phối hợp với các ngành liên quan, ví dụ như Công an, Ngân hàng, Bưu điện… để đi giám sát thực tế, đến các huyện để đánh giá lại mức độ tác động của việc chi trả tiền qua tài khoản ngân hàng. Từ đó có biện pháp định hướng mới, phối hợp với các ngành liên quan, chỉ đạo UBND các huyện triển khai thực hiện để đảm bảo cho công tác chi trả trợ cấp cho người dân được thuận lợi.”

Toàn tỉnh hiện có trên 36.000 đối tượng người có công, người bảo trợ xã hội được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Đến nay, tỷ lệ bao phủ thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng này đạt gần 50%. Để sớm hoàn thành mục tiêu chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho người dân, bên cạnh các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cho nhóm đối tượng này, tỉnh cần có giải pháp chi trả và hỗ trợ thuận tiện nhất, giúp các đối tượng dễ dàng hơn trong quá trình nhận tiền, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của người dân./.

 

 

Minh Trang - Đức Trung/DIENBIENTV.VN

 

.