Nậm Pồ nỗ lực phát triển bền vững

Thứ Bảy, 09/03/2019, 15:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Nậm Pồ được thành lập từ năm 2013 . Huyện có xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nướ, tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, đến nay kinh tế - xã hội của huyện đã và đang khởi sắc từng ngày.

Những ngày đầu mới thành lập, huyện Nậm Pồ gặp không ít khó khăn: Phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt là di cư tự do, biên chế các cơ quan huyện được giao rất ít, trong 2 năm đầu số người làm việc chỉ bằng 50% số biên chế hiện nay; chất lượng cán bộ và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị có nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng và các điều kiện làm việc thiếu thốn; giao thông đi lại khó khăn, 17% dân cư được sử dụng điện lưới quốc gia; nhiều trụ sở xã, trường lớp học, trạm y tế xã, nhà ở công vụ, nhà ở học sinh còn tạm bợ; Giáo dục, y tế vừa thiếu biên chế, vừa kém phát triển; trên 80% hộ dân thuộc diện nghèo.

1
Một trong những ưu tiên được huyện Nậm Pồ tập trung triển khai chính là phát triển chăn nuôi gia súc, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

 

Nhưng hôm nay, Nậm Pồ đã đổi thay rất nhiều về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh bảo đảm. Giai đoạn đầu mới thành lập, do chưa có vốn đầu tư xây dựng khu đô thị trung tâm huyện nên huyện tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cấp xã. Nhận thấy rõ nhất là cơ sở vật chất các xã được nâng cấp khang trang; Điện lưới quốc gia được đưa đến 75 % số bản. Hệ thống giao thông nông thôn được mở mới và nâng cấp cho 93 % số bản trong toàn huyện, nhiều nơi đi lại thuận lợi không chỉ mùa khô mà cả trong mùa mưa.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Khi mới thành lập huyện thì một số đồng bào vùng sâu, vùng xa có tình trạng thiếu đói. Chính vì vậy huyện đã tập trung vận động người dân khai hoang phục hoá, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vào sản xuất.

Thời gian vừa qua huyện đã chuyển đổi, áp dụng một số giống mới như: J01, J02, Nghị iu 838, nếp trung ương số 7 và số 9 và trồng một số cây dược liệu dưới tán rừng. Đến nay trên địa bàn huyện đã thâm canh tăng vụ trên 8.400 ha, năng suất đã tăng từ 43 tạ/ha lên 51 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người đạt 358 kg/người/năm, thu nhập của người dân tương đối ổn định, dảm bảo về an ninh lương thực trên địa bàn.

Một trong những thành tựu nổi bật của huyện kể từ ngày thành lập, đó là chủ trương phát huy nguồn lực con người bắt đầu từ việc tích cực cải tạo cơ sở vật chất trường lớp học, tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước và của các tổ chức cùng công sức lao động của giáo viên, cha mẹ học sinh. Chỉ sau hai năm, từ 80 % cơ sở vật chất trường lớp học, nhà và bếp ăn bán trú, sân chơi, nhà vệ sinh ở các trường, điểm trường trong tình trạng tạm bợ, dột nát, lầy lội đã hoàn toàn được bê-tông hóa, lớp học bảo đảm ba cứng đến kiên cố hóa.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học và yêu cầu giáo dục phổ thông. Hệ thống các trường mầm non, tiểu học, THCS có 834 phòng học đã được kiên cố, bán kiên cố và ba cứng; 37/48 trường có công trình nước sạch, công trình vệ sinh, 25 trường đạt chuẩn quốc gia.

Đội ngũ cán bộ quản lý cũng như giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, từng bước nâng cao về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ. Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp ở cả ba cấp học, từ dưới 70% lên trên 95%.

1
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học và yêu cầu giáo dục phổ thông

 

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Sau 5 năm thành lập huyện đối với ngành giáo dục và đào tạo chúng tôi thì cơ bản về đội ngũ được đảm bảo, về trình độ đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Về chất lượng đội ngũ thì trong những năm qua, chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn để tăng về chất lượng chuyên môn cho các thầy cô.
 
Là huyện vùng cao, biên giới, kinh tế nông - lâm nghiệp đóng vai trò “chủ đạo” trong cơ cấu kinh tế, vì vậy, Nậm Pồ xác định phải tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Ðể hiện thực hóa các chủ trương vào thực tiễn đời sống, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng, huyện đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh việc tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, phát triển và nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, thì các mô hình được triển khai còn trực tiếp đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi dần tập quán canh tác cũ của nông dân. Trên cơ sở điều kiện sẵn có của tự nhiên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, huyện xác định trước hết phải đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, đặc biệt công trình thủy lợi được xem là yếu tố “tiên quyết”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 65 công trình thủy lợi được Nhà nước đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ðồng thời, huyện tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từng bước đưa sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.

Từ đó, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: Lúa nước ở các xã Nà Hỳ, Chà Cang… Ðặc biệt, huyện đã xây dựng 2 mô hình trồng cây sa nhân thí điểm tại xã Nậm Khăn và Nà Bủng; sau 3 năm triển khai mô hình tại Nậm Khăn cho thu hoạch trên 200 kg quả tươi.

Ông Lèng Văn Tiến, Trưởng bản Nậm Khăn, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ cho biết: Cây Sa nhân chúng tôi trồng từ năm 2015, phù hợp với khi hậu nên cây phát triển rất tốt, cây cao hơn 2m. Năm đầu tiên tôi thu hoạch được hơn tạ, bán ra thị trường 1kg được 50.000đ. Năm nay cây ra hoa, quả rất là nhiều, dự tính vụ năm nay thu được 3-4 tạ gia đình cso một nguồn thu nhập đáng kể. Chúng tôi sẽ vận động bà con trồng thêm để nhân rộng diện tích.

1
Mô hình trồng cây sa nhân thí điểm tại xã Nậm Khăn và Nà Bủng bước đầu đã có hiệu quả thiết thực


Ðối với phát triển chăn nuôi, huyện đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 04 về “Chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”, nhiều xã đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung; người dân bước đầu đã chuyển hình thức chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng bền vững; từ đó góp phần nâng tổng đàn gia súc lên gần  63.000 con.

Ðể phát triển chăn nuôi đại gia súc bền vững, huyện còn khuyến khích, có chính sách hỗ trợ người dân trồng cỏ voi, tạo nguồn thức ăn xanh, với tổng diện tích trên 40ha. Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, chăn nuôi đóng góp trên 45% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân trên 4%/năm, gia cầm đạt 7%/năm; diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc đạt 60ha. Đến nay, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết nhiều xã đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung; người dân bước đầu đã chuyển hình thức chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng bền vững.
 
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Nậm Pồ đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ và người dân đã chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động. Phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa sâu rộng tòng toàn huyện. Đáng kể nhất là việc cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập của Nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Đến nay huyện Nậm Pồ đã có 1 xã đạt 15 tiêu chí; 3 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí 4 xã đạt 4 tiêu chí và 7 xã đạt 3 tiêu chí. Phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới cũng đã giúp Nậm Pồ từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo từ trên 72% khi huyện mới thành lập đến nay còn hơn 60%.
 
Có thể thấy chặng đường đầu đầy khó khăn, thử thách Nậm Pồ đã đi qua. Ở những chặng đường tiếp theo, dẫu biết sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Song, với chiến lược, định hướng đúng đắn cùng những kinh nghiệm, sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu; tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện vùng cao biên giới đạt được nhiều thành tựu mới, đưa Nậm Pồ phát triển toàn diện, vững chắc, tự tin hội nhập phát triển cùng đất nước./.

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.