Quản lý Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nậm Pồ

Thứ Năm, 15/11/2018, 16:00 [GMT+7]

Điện Biện TV - Trong những năm qua, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Để phát huy hơn nữa hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, song song với công tác chi trả huyện Nậm Pồ xác định phải thực hiện tốt công tác, quản lý, hướng dẫn người dân sử dụng tiền chi trả môi trường rừng sao cho hợp lý, đúng quy định.

Buổi chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ. Cùng với việc thanh toán tiền cho các diện tích rừng đủ điều kiện, đại diện bản Nà Khoa 1 và 2 còn được cán bộ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh hướng dẫn các quy định mới và tuyên truyền về chi trả tiền môi trường rừng qua tài khoản. Hai bản Nà Khoa 1,2 quản lý, bảo vệ trên 1150 ha rừng đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2018.

1
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân tại xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ

 

Trong đợt chi trả này, hai bản nhận được trên 300 triệu đồng tạm ứng lần một, còn lại hơn 200 triệu đồng sẽ được chi trả trong đợt hai. Ngay sau khi nhận tiền chi trả, hai bản đã tổ chức họp dân để giao tiền đến tận tay từng hộ trước sự chứng kiến của chính quyền, đại diện các đoàn thể bản.

Tính từ năm 2013 đến nay, các hộ trung bình nhận được 6 triệu đồng/năm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là khoản thu nhập đáng kể đối với người dân nơi đây. Khác với nhiều chủ rừng là cộng đồng khác, hai bản Nà Khoa 1,2 chia toàn bộ tiền môi trường rừng cho các hộ mà không trích lại lập quỹ cho tổ quản lý, bảo vệ rừng thay vào đó cắt cử các hộ luân phiên tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng.

Cách làm này đã góp phần nâng cao ý thức của người dân cả hai bản, ai cũng có trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Thực tế cho thấy, với sự tham gia của cả cộng đồng các diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn so với trước đây.
 
Xã Nà Khoa có tổng diện tích tự nhiên trên 6.500 ha, trong đó diện đất có rừng là trên 2.500 ha, tỷ lệ che phủ đạt khoảng 38%. Trong những năm qua, xã là điểm nóng về công tác bảo vệ và phát triển rừng, tình trạng phá rừng làm nương rẫy diễn biến phức tạp, một số vụ tranh chấp đất nông lâm nghiệp dẫn đến phá rừng đã xảy ra.

Điển hình như việc người dân bản Nậm Pồ Con tranh chấp, phá rừng lấy đất sản xuất với bản Tàng Do xã Nậm Tin. Bởi vậy, song song với việc xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, hủy hoại rừng, UBND xã Nà Khoa phối hợp với các phòng, ban, lực lượng chức năng của huyện tăng cường công tác tuyên truyền vận động Nhân dân các thôn bản nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đặc biệt, đối với các địa bàn được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính quyền xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, hướng dẫn thôn bản xây dựng hương ước, quy ước gắn quyền lợi với nghĩa vụ, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, hướng dẫn cộng đồng thôn bản, người dân quản lý, sử dụng nguồn tiền chi trả môi trường rừng hợp lý, đảm bảo đúng quy định.

1
Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, đây là khoản thu nhập đáng kể đối với người dân Nậm Pồ, do vậy ai cũng có trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ rừng

 
Qua thực tế, có thể thấy rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng nói riêng, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung. Bởi vậy, trong thời gian qua UBND huyện Nậm Pồ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND dân các xã trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Trong đó, tập trung tuyên truyền các nội dung của Thông tư 22 ngày 15/11/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Thông tư 04/2018/TT-BTC ngày 17/1/2018 của Bộ tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và Nghị định 147/2016/NĐ-CP.

Qua tuyên truyền, phổ biến giúp các cộng đồng dân cư, người dân nắm được các bước, quy trình thực hiện từ khi xác định nghiệm thu diện tích rừng đến chi trả tiền và sau đó là quản lý và sử dụng tiền đã được chi trả. Và mục đích hướng đến cuối cùng là để các chủ rừng, cộng đồng, người dân hiểu rõ mực đích, ý nghĩa và những lợi ích thiết thực của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, quản lý, sử dụng nguồn tiền chi trả hợp lý, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao đời sống.
 
Huyện Nậm Pồ hiện có tổng diện tích tự nhiên xấp xỉ 150 nghìn ha, trong đó diện tích lâm nghiệp có rừng là 59 nghìn ha, độ che phủ đạt 39,5%. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay huyện đã giao khoán trên 49 nghìn ha cho 128 chủ rừng, trong đó 100 chủ rừng là cộng đồng, 26 hộ gia đình và 2 chủ rừng là tổ chức.

Trong 4 năm qua, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của huyện đạt trên 130 tỷ đồng, trung bình mỗi năm trên 30 tỷ đồng. Có thể khẳng định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, người dân không những tự ý thức được trách nhiệm gìn giữ nguồn tài nguyên rừng mà còn tích cực tham gia nhận khoán khoanh nuôi thêm diện tích rừng, trồng rừng, trồng các loại cây lâm sản ngoài gỗ để tăng thêm thu nhập từ nghề rừng.

Tuy nhiên, với một địa bàn có diện tích rừng đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn, trong đó có nhiều diện tích rừng thuộc địa phận giáp ranh, số chủ rừng nhiều. Bởi vậy, công tác xác định, nghiệm thu diện tích đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Theo quy định mới, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản, UBND cấp xã tổ chức chính trị xã hội được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên cơ sở cập nhật bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm. 

1
UBND huyện Nậm Pồ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND dân các xã trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

 

Đối với một huyện miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như huyện Nậm Pồ, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm thực sự là nguồn lực đáng kể góp phần giúp người dân cải thiện sinh kế, tăng thu nhập. Khi người dân đã nhìn nhận rõ lợi ích từ việc gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng thì tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng như phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, vận chuyển, thu mua, kinh doanh lâm sản trái phép sẽ từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, như: Số chủ rừng nhiều, diện tích phân tán, nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác xác định, nghiệm thu diện tích rừng hàng năm; công tác chi trả trực tiếp   tiền mặt của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong khi việc áp dụng chi trả qua tài khoản chưa được áp dụng triển khai; một số chủ rừng sử dụng tiền chi trả môi trường rừng chưa thực sự vì mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống.

Những vấn đề trên ít nhiều đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, trong thời gian tới, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới người dân đặc biệt là các cộng đồng thôn bản, hộ gia đình được giao khoán bảo vệ rừng và hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ xác định cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của tỉnh và huyện, các chủ rừng trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhất là công tác quản lý, sử dụng nguồn tiền đã chi trả. Từ đó, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững./.
 

 

 

Chu Linh/DIENBIENTV.VN

.