Khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường ở Mường Ảng

Thứ Sáu, 23/11/2018, 16:19 [GMT+7]

 Điện Biên TV - Trong chặng đường xây dựng nông thôn mới , nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mường Ảng đang gặp khó khăn về tiêu chí môi trường. Dù ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên, phong trào vệ sinh đường làng ngõ xóm đã phát triển rộng rãi ở nhiều nơi, song nút thắt là hệ thống bãi chứa, xử lý rác, nước thải còn thiếu, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường còn  yếu, vì vậy để thực hiện tiêu chí thứ 17 về môi trường là một trong những tiêu chí mà các địa phương trên địa bàn huyện đang gặp những khó khăn.

Xã Nặm Lịch có 10 bản, gần 390 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu, đây là một trong những địa phương gặp nhiều khó trong thực hiện tiêu chí về môi trường, nhất là vấn đề tuyên truyền để người dân không nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, hầu hết các hộ dân đều chăn nuôi gia súc song đến nay số hộ không nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn chỉ đạt trên 30. Hiện xã có gần 60% hộ nghèo thì phần lớn các hộ vẫn nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, cùng với đó rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi cũng là vấn đề mà xã khó thục hiện được tiêu chí về môi trường.

1
Phần lớn các hộ vẫn nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn

 
Không chỉ riêng xã Nặm Lịch, hầu hết các xã của huyện Mường Ảng đều gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí về môi trường. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Các xã trên địa bàn chưa thực sự quan tâm đến giải quyết vấn đề môi trường mà ưu tiên thực hiện những tiêu chí dễ hơn.

Tiêu chí môi trường bao gồm 5 chỉ tiêu: Có từ 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% số hộ được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Quốc gia; trên 90% cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, có ít nhất một nghĩa trang tập trung; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý, trong đó thôn, bản, xã phải có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung.

Theo các tiêu chuẩn trên, hầu hết các xã mới đạt được các chỉ tiêu về không có hoạt động suy giảm môi trường, có các hoạt động phát triển môi trường xanh-sạch-đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh các chỉ tiêu còn lại đều rất khó thực hiện. Việc thu gom rác tập trung hầu hết chưa được thực hiện ở tất cả các địa phương.

Trong khi đó tình trạng người dân vứt các loại rác thải sinh hoạt bừa bãi như: Túi ni lông, xác động vật nuôi bị chết, các đồ dùng phế thải của gia đình ra môi trường xung quanh vẫn còn phổ biến. Chăn nuôi gia súc, gia cầm là thế mạnh kinh tế ở nhiều xã trên địa bàn huyện, song tình trạng chăn nuôi theo kiểu thả rông là phổ biến. Hầu hết các hộ dân ở những xã thuộc vùng sâu, vùng xa đều không chú trọng đến việc xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh trong chăn nuôi gia súc.

Nhiều gia đình không đầu tư chuồng trại, nếu có thì chỉ trong tình trạng tạm bợ, che chắn đơn sơ. Đáng lo ngại là các hộ chăn nuôi, làm chuồng trại và nhốt trâu bò, lợn gà ngay cạnh giếng nước ăn và các nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Thực tế này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất và nguồn nước sinh hoạt, môi trường sống của người dân.
 
Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng bất cập,  khó thực hiện tiêu chí về môi trường tại các xã, bản trên địa bàn huyện xuất phát từ chính nhận thức của bà con nơi đây. Là huyện miền núi với trên 80% hộ dân là dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của bà con còn thấp, với nhiều phong tục lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Thêm nữa, khoảng cách giữa các nhà dân ở các xã, bản khá xa, đi lại khó khăn.

1
Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ngay từ chính gia đình của mình

 

Do đó, việc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân không được thường xuyên, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn đạt hiệu quả không cao. Không những vậy, hiện nay, việc thu gom rác tập trung hầu như chỉ được thực hiện tại thị trấn và các khu vực trung tâm của xã, còn tại các bản vẫn chưa có nơi thu gom rác. Do vậy, tình trạng người dân tự do vứt các loại rác thải ra môi trường xung quanh vẫn còn phổ biến.

Cùng với đó, việc quy hoạch đất xây dựng các nghĩa trang, nghĩa địa cũng khó khăn, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh và tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh còn thấp là những rào cản dẫn đến những khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường theo đúng lộ trình kế hoạch.

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện cũng đã đưa ra những giải pháp đó là: Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn đầu tư lồng ghép với nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới để từng bước hoàn thiện đáp ứng được các tiêu chí, mục tiêu của chương trình đề ra.
 
Để thực hiện tiêu chí môi trường có hiệu quả, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ngay từ chính gia đình của mình, cộng đồng thôn bản cùng chung tay làm cho môi trường sáng, xanh, sạch hơn. Có như vậy, thì tiêu chí về môi trường mới có thể hoàn thành theo đúng kế hoạch lộ trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương./.
                                                                                              

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.