Vai trò của Chủ tịch UBND xã trong thực hiện các chương trình tín dụng xã hội

Chủ Nhật, 28/10/2018, 15:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đến nay sau gần 3 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào thành viên Ban đại diện - Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội, đa số Chủ tịch UBND các xã đều phát huy lợi thế nắm bắt địa bàn, phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể và Phòng giao dịch ngân hàng CSXH cấp huyện trong việc thực hiện công tác giải ngân tín dụng, phân bổ nguồn vốn, bình xét cho vay vốn đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách.          

Năm 2016, ông Giàng A Phỏng - Chủ tịch UBND xã Trung Thu, được tham gia vào Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Tủa Chùa. Đảm nhận thêm trách nhiệm mới, ông Phỏng trực tiếp quản lý, chỉ đạo và phổ biến sâu rộng các chương trình tín dụng đến với người dân trong toàn xã. Nhờ đó, những đối tượng được vay vốn đều nắm bắt và tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn tín dụng chính sách. Hầu hết những hộ vay đều được bình xét kỹ lưỡng ngay từ tổ tiết kiệm, các hội, đoàn thể và thôn, bản.

Trong quá trình người dân sử dụng nguồn vốn vay, ông luôn cùng, các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn theo dõi sát sao để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở người dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

1
Chủ tịch UBND các xã tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội, đã phát huy lợi thế nắm bắt địa bàn, phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể trong việc thực hiện công tác giải ngân tín dụng cho vay vốn đối với các hộ nghèo 

 

Đến nay, trên địa bàn xã chưa để xảy ra tình trạng vay ké, vay nhờ. Hàng tháng, ông Phỏng đều theo dõi sát sao hoạt động của phiên giao dịch cố định tại xã. Đồng thời, tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện. Qua đó, tiếp nhận những nội dung mới, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để các cấp, ngành tháo gỡ; kịp thời đưa vốn tín dụng đến đúng đối tượng; phát huy hiệu quả nguồn vốn trong giảm nghèo, giúp địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Trong thời gian qua, với vai trò là thành viên ban đại diện - Hội đồng quản trị, các chủ tịch UBND cấp xã đã tăng cường khả năng giám sát quá trình sử dụng vốn vay, việc chấp hành trả lãi, trả nợ khi đến thời hạn của các hộ được vay vốn. Bên cạnh đó thông qua việc giao ban hàng tháng cùng ngân hàng CSXH ngay tại xã, đã nắm bắt được các diễn biến hoạt động tín dụng và có các biện pháp xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, hỗ trợ tổ vay vốn và tiết kiệm thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách.
 
Trong công tác tín dụng chính sách, để nguồn vốn thực chất đến với hộ nghèo, tránh tình trạng xâm tiêu, Chủ tịch UBND xã phải biết được chính xác hoàn cảnh từng hộ, đăng ký đúng thực chất, đúng đối tượng. Khi người vay mang vốn về, sử dụng có đúng mục đích, có hiệu quả không ? Nếu có vấn đề gì xảy ra, Chủ tịch cũng báo cáo và giải quyết  kịp thời.

Mục tiêu của UBND cấp xã có trách nhiệm giải quyết tận cùng các vấn đề nảy sinh mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Chủ tịch cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, không chỉ dành thời gian trong hoạt động này, mà thực sự có trách nhiệm, bởi thực tế có sát sao với công việc thì mới nắm bắt được hoạt động tốt hay xấu diễn ra trên địa bàn để khuyến khích hộ vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích mang lại hiệu quả kinh tế, còn đối với các hộ chưa biết cách sản xuất, thì thực hiện phương châm: Cầm tay chỉ việc để cùng phát triển sản xuất. 

UBND huyện đã bổ sung 12 chủ tịch UBND xã, thị trấn vào thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện. Nhờ đó, qua gần 3 năm thực hiện, vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng NHCSXH ở cơ sở được nâng cao; nguồn vốn tín dụng ưu đãi được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, các chương trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

1
Những hộ nghèo được vay vốn ưu đãi có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình

 

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND cấp xã, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò nhận ủy thác trong quy trình cho vay vốn. Khâu bình xét đề nghị vay vốn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay cho đến công tác xử lý thu hồi nợ được tăng cường. Tính đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tủa Chùa đạt được tổng dư nợ hơn 280 tỷ đồng với gần 8.000 khách hàng vay vốn, nợ quá hạn cho đến nay còn gần 480 triệu đồng, chiếm 0,17% tổng dư nợ.
 
Có thể nói, việc chủ tịch UBND cấp xã tham gia chính sách tín dụng đã có hiệu ứng tích cực từ cộng đồng xã hội. Nhiều người dân đã tiếp cận nguồn vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ vay vốn phát huy được hiệu quả, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Qua đó, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, khuyến khích các hộ vay vốn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hạn chế rủi ro vốn vay và góp phần bảo đảm an sinh xã hội./.

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.