Người bệnh binh vượt khó làm giàu

Thứ Ba, 24/07/2018, 14:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Không gục ngã trước thử thách khắc nghiệt, bằng ý chí, nghị lực của mình, các nạn nhân chất độc da cam ở huyện Tuần Giáo đã tự vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no và gia đình bệnh binh Lường Văn Lả là một điển hình như thế 

Được sự giới thiệu của Hội Nạn nhân chất độc da camdioxin huyện Tuần Giáo, hôm nay chúng tôi đến thăm gia đình bệnh binh Lường Văn Lả, bản Trạng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng. Bố mẹ ông Lả sinh được 8 anh chị em, 2 gái, 6 trai, ông Lả là con thứ 8 trong gia đình. Nhà đông con, mỗi mùa giáp hạt, cái đói, cái nghèo lại ập đến....

1
Gia đình bệnh binh Lường Văn Lả (Người ở giữa) - bản Trạng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo

 

Ký ức tuổi thơ với ông là những tháng ngày cơ cực phải đi mò cua, bắt ốc, đi đào củ sắn, củ mài trên núi về sống qua ngày. Ông chỉ ước mơ có bát cơm, quần áo mặc và cắp sách đi học. Ngày 15/5/1971, tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Lường Văn Lả đã lên đường nhập ngũ. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông từng tham gia chiến đấu ở đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, Quảng Nam Đà Nẵng.

Năm 1972, ông Lả được điều động về học tại Trường sĩ quan Thuận Châu sau đó tham gia chiến đấu tình nguyện tại các tỉnh Bắc Lào, đến 1976, ông Lả được điều động về công tác tại Trung đoàn 4, tình nguyện Khu Tây bắc, năm 1977, do sức khỏe không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, ông Lả xuất ngũ trở về địa phương, mang trên mình nhiều di chứng do từng chiến đấu trong những cánh rừng bị rải chất độc dioxin.

Năm 1978, vợ chồng ông Lả sinh người con đầu tiên là Lường Văn Khoa, nhưng do ảnh hưởng của di chứng chất độc màu da cam, 8 năm sau người con đầu của vợ chồng ông Lả qua đời; năm 1980 vợ chồng ông Lả sinh người con thứ hai là Lường Thị Hồng và người con thứ hai của vợ chồng ông cũng mất sau do ảnh hưởng của chất độc dioxin. Mong muốn có một người con lành lặn như những đứa trẻ khác trong bản, khiến ông, bà quyết tâm sinh con thêm một lần nữa.

Nhưng thứ chất độc quái ác đó đã không cho ông, bà niềm vui như mong muốn, bởi lần lượt cả 4 người con sinh ra tiếp theo đều bị nhiễm chất độc màu da cam, khiến cơ thể không lành lặn, hai đứa con gái của ông, bà hiện đặt đâu nằm đó, còn hai người con có thể đi lại được thì trí tuệ lại thiếu minh mẫn, gánh nặng sinh hoạt gia đình, chăm sóc những người con tật nguyền dồn hết trên vai hai vợ chồng già.

1
Do ảnh hưởng của chất độc dioxin hai đứa con gái của ông hiện đặt đâu nằm đó,    trí tuệ lại thiếu minh mẫn, gánh nặng sinh hoạt gia đình, chăm sóc những người con tật nguyền dồn hết trên vai hai vợ chồng già.

 

Hơn 40 năm trôi qua, năm 2007, được sự quan tâm của Nhà nước, ông và các con được hưởng chế độ của người bị nhiễm chất độc da cam với mức trợ cấp hơn sáu triệu đồng/tháng. Số tiền không nhiều nhưng là nguồn động viên lớn, bởi được Đảng, Nhà nước ghi nhận sự hy sinh không gì bù đắp đối với ông và giâ đình.

Đối mặt với những hiểm nguy nơi chiến trường ông không , nhưng khi phải đối mặt với cuộc sống mưu sinh, người bệnh binh ấy không tránh khỏi những bi quan. Nhưng với phẩm chất của người lính cụ Hồ, ông quyết tâm không để cho cái đói, cái nghèo đeo bám. Ông Lả chia sẻ: Đối với người lành lặn, làm kinh tế đã rất khó khăn, họ cố gắng 1 thì tôi phải cố gấp 10 lần. Nhiều đêm không ngủ được, ông đã suy nghĩ chỉ có trồng rừng và trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm kinh tế gia đình mới khá lên được.
 
Nghĩ là làm, ông Lả bàn với vợ và anh em họ hàng vay thêm vốn để đầu tư trồng rừng và xây dựng chuồng trại. Vùng đất Tây Bắc vốn khắc nghiệt, với người bệnh binh bị mất 61% sức lao động như ông Lả thì cái khó khăn nhân lên gấp bội. Ít ai nghĩ rằng người cựu chiến binh ấy đã đào hàng nghìn m2 ao nuôi cá chỉ với cây cuốc, cái xẻng; càng ít người nghĩ ông tự tay khai phá nhiều nghìn m2 đồi để trồng ngô, trồng lạc... Vất vả là vậy, nhưng ông, bà vẫn cặm cụi, dành trọn tình thương chăm sóc những đứa con dù đã trên dưới 30 tuổi mà vẫn như trẻ sơ sinh.

Diện tích ao cá này, là khởi nghiệp của vợ chồng ông Lả, bao nhiêu vốn liếng, công sức ông, bà dồn hết cả vào đây, với hy vọng sớm đổi thay cuộc sống gia đình. Sự quyết tâm vượt khó đã được đền đáp sứng đáng, chỉ sau 4 tháng chăm sóc, vụ cá đầu tiên cho gia đình ông Lả thu hoạch hơn 2 tạ cá thịt. Đây cũng chính là động lực để ông Lả quyết tâm chuyển hướng sang đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi cá.

Lấy ngắn nuôi dài, tiền thu nhập từ bán cá hàng năm, ông Lả tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích mặt nước. Đến nay, gia đình ông Lả đã có tổng diện tích ao nuôi cá rộng trên 2000m2, mỗi năm cho thu hoạch 6 đến 7 tạ cá. Không chỉ đầu tư nuôi cá, tận dụng vườn đồi, ông Lả đầu tư chăn nuôi gia súc như: Bò, Dê, Lợn và gia cầm các loại; khai hoang ruộng bậc thang trồng lúa. Từ mô hình này, hàng năm cho gia đình ông thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng/năm.

1
Ông Lường Văn Lả - bản Trạng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo bên ao cá của gia đình

 
Nhờ năng động trong phát triển kinh tế gia đình, từ năm 1991 đến nay, ông Lả được bầu là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh bản Trạng, ủy viên Ban Thường vụ Hội CCB xã Quài Cang, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi hoạt động của Hội. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông là người khởi xướng mô hình "Chung vốn nuôi trâu, bò sinh sản" ở bản Trạng. Năm 2011, ông vận động các hội viên góp quỹ để cùng nuôi trâu, bò sinh sản. Mọi người đều nhất trí, nhưng khi đề cập đến kinh phí để tạo quỹ, thì vốn lại là vấn đề khó khăn. Ông xin ý kiến của chi bộ và tổ chức gặp gỡ vợ, con các hội viên để phân tích ý nghĩa, hiệu quả của mô hình chăn nuôi mới này.

Ban đầu, ông chỉ vận động các hộ góp một triệu đồng/hộ nhưng sau buổi gặp gỡ, các hộ gia đình thống nhất góp vốn 2,2 triệu đồng để mua trâu, bò về chăm sóc chung, hưởng lợi chung. Sau khi mua ba con trâu, bò giống, bình quân mỗi gia đình hết 1,8 triệu đồng, số tiền thừa ông trả lại các gia đình. Đến nay, đàn trâu bò của Chi hội CCB bản Trạng tăng lên sáu con.

Mỗi hội viên nuôi một năm, khi đàn trâu, bò sinh sản thì người nuôi được giữ lại con, hết một năm, sẽ bàn giao con mẹ cho hội viên khác nuôi. Vừa sửa lại chuồng trại để chuẩn bị nhận trâu, bò của hội về nuôi, cựu chiến binh Lường Văn Hịa ở bản Trạng phấn khởi chia sẻ: "Sáng kiến của bác Lả hay lắm, đến nay mỗi hội viên trong chi hội đã có gần năm triệu đồng để duy trì đàn trâu, bò". Từ chỗ giúp nhau làm kinh tế có hiệu quả, nhiều năm qua, Chi hội CCB bản Trạng thường xuyên có 100% số hội viên đạt danh hiệu gương mẫu, không còn hội viên nghèo.
 
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Lường Văn Lả luôn tự nhủ với bản thân và động viên gia đình cùng những người xung quanh gương mẫu trong mọi mặt của cuộc sống. Ông không chỉ là tấm gương bệnh binh làm kinh tế giỏi, mà còn là một công dân gương mẫu luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Với mong muốn xóm làng ngày càng đổi mới.

Trong giai đoạn 2015-2020, khi chính quyền xã Quài Cang đang ra sức triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thời điểm này,  bản Trạng và nhiều thôn, bản khác ở xã Quài Cang, đời sống của bà con còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, ông Lả ra UBND xã tình nguyện hiến gần 1.000m2 đất vườn của gia đình để xã triển khai kiên cố, bê tông tuyến đường nội bản. Việc ông Lả hiến đất mở đường không chỉ tạo điều kiện cho các hộ dân ở các bản Trạng, bản Khá có điều kiện đi lại thuận tiện hơn, mà còn chấm dứt được tình trạng ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến. Đây là diện tích đất vườn đồi rộng trên 1000m2 đã được ông Lả hiến để xã xây dựng điểm trường Mần non bản Trạng.
 
Vượt qua nỗi đau da cam để vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng; tích cức tham gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, ông Lường Văn Lả đã vinh dự được Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương tuyên dương điển hình tiên tiến; kỷ niệm chương vì nạn nhân chất độc màu da cam; được Ban chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác của các cấp, các ngành.     

Bênh binh Lường Văn Lả xứng đáng là người lính Cụ Hồ, là một nạn nhân chất độc màu da cam điển hình vượt lên chính mình, làm kinh tế giỏi để nhiều người học tập và làm theo./.

                                                     

 

Trần Sơn – Huy Long/Dienbientv.vn

.