Trở lại Pa Thơm

Thứ Tư, 09/05/2018, 13:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nếu như cách đây 5 năm trở về trước, 3 dân tộc: Lào, Khơ Mú, Cống sinh sống tại xã Pa Thơm phải bươn chải trong từng bữa ăn, sống trong những nóc nhà lụp xụp thưa thớt, đi những con đường đất đỏ quanh co gấp khúc tay áo, một bên núi, một bên vực, khiến cho đời sống bà con nhân dân gặp vô cùng khó khăn. Thế nhưng, đến nay nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình 134/CP, 135/CP, 159/CP... diện mạo nông thôn xã Pa Thơm đã thay đổi rõ rệt.

Với 27km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, phía Đông giáp xã Noong Luống, Thanh Yên; phía Tây giáp CHDCND Lào; phía Nam giáp xã Na Ư, Pom Lót; phía Bắc giáp xã Thanh Chăn. Cách thành phố Điện Biên Phủ gần 30km, Pa Thơm là xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh. Hiện toàn xã có 270 hộ với 1.267 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc chủ yếu (Lào, Cống, Khơ mú ) trong đó: dân tộc Lào là 82 hộ bằng 379 khẩu chiếm 30%; dân tộc Cống 83 hộ bằng 383 khẩu chiếm 30%, dân tộc Khơ Mú 105 hộ bằng 505 khẩu chiếm 40%.

1
Cầu treo bản Púng Pon đưa vào sử dụng đã giúp cho bà con dân tộc Cống đi lại thuận lợi hơn, tạo điều kiện thông thương kinh tế với trung tâm xã dễ dàng.

 

Minh chứng cho sự thay đổi rõ rệt ở xã Pa Thơm là từ một vùng đất vốn là rừng núi hoang vu, đến nay khi vào trung tâm xã nhìn bên tay phải là bản Pa Xa Xá được quy hoạch  với những nếp nhà sàn tựa lưng vào núi, phía trước bản là “vựa” lúa nước rộng lớn - nơi cung ứng gần như toàn bộ lương thực cho toàn xã. Thế mạnh bản Pa Xa Xá của cộng đồng dân tộc Khơ-mú là chăn nuôi lợn, trâu và trồng lúa.

Còn ngay bên trục đường chính là bản Pa Xa Lào của đồng bào dân tộc Lào, được quy hoạch hợp lí gồm nhiều dãy nhà truyền thống xây dựng song song, đường vào sâu trung tâm bản là những trục đường thẳng tắp được bê tông hóa, hệ thống nước sinh hoạt, điện được đầu tư cơ bản. Tại bản Pa Xa Lào, nhiều năm trước đây tầng dưới của căn nhà sàn truyền thống thường được nuôi nhốt chăn, thả gia súc, gia cầm, thì nay đã được xây dựng kiên cố, chuyển đổi mục đích sử dụng để ở hoặc dùng cất chứa nông cụ, lúa ngô… Thế mạnh của bản Pa Xa Lào là trồng lúa nước, và đặc biệt phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Ông Lò Văn Nhúng- Nguyên Bí Thư Đảng ủy xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: “ Những năm qua, cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, bà con các dân tộc trong xã luôn đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn; trong lao động cần cù biết lựa chọn cây con giống phù hợp vớii thổ nhưỡng của đất và nhu cầu tiêu dùng của thị trường, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học vào chăn nuôi, sản xuất nên không còn tình trạng đói giáp hạt đối với các bản khó khăn nữa.

Vì vậy, kinh tế của xã ngày một tăng trưởng, văn hóa - xã hội luôn được duy trì và phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên đáng kể. Trước đây, do trình độ canh tác, thâm canh lạc hậu, trình độ dân trí thấp, các điều kiện khí hậu, đất đai, đường sá giao thông bất lợi nên việc phát triển kinh tế và nhiều mặt khác trên địa bàn hết sức khó khăn”.

Niềm vui lớn nhất đối với bà con nơi đây là đã có trạm y tế, Bà Lò Thị Pheng bản Púng Bon, xã Pa Thơm chia sẻ: “Bản thân tôi đã già rồi mỗi lần ốm đau sợ lắm vì ở xa bệnh viện, nhìn các thế hệ ông cha tôi đi trước do không có trạm xá nên ốm đau bệnh tật nằm ở nhà cúng bái không khỏi rồi chết. Nhưng nhờ sự quan tâm của nhà nước đến nay dân bản chúng tôi đã có trạm y tế để khám, điều trị nên tinh thần tôi và các già làng khác đã trở nên lạc quan hơn nhiều”.

Hiện nay các hệ thống trường mầm non, dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng ngay trung tâm xã đã tạo điều kiện, đáp ứng  cho các em có nhu cầu học tập mà không cần phải ra ngoài Điện Biên theo học. Hàng năm, xã có 100% số trẻ trong độ tuổi mầm non đến lớp, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, số học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt từ 95% trở lên.

1
Nghề dệt thổ cẩm là thế mạnh của dân tộc Lào bản Pa Xa Lào xã Pa Thơm, huyện Điện Biên

 

Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều dự án, chương trình được thực hiện đã tạo ra những cú “đột phá”  quan trọng để xã Pa Thơm có tiền đề, động lực để phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, đảm bảm an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới. Đặc biệt, khi cầu treo Púng Pon đưa vào sử dụng đã giúp cho bà con dân tộc Cống đi lại thuận lợi hơn, tạo điều kiện thông thương kinh tế với trung tâm xã dễ dàng.

Đến nay, xã Pa Thơm đã có hơn 80% hộ được sử dụng điện sinh hoạt, có ti vi và phương tiện đi lại (duy nhất còn 2 bản: Pa Thơm, Huổi Moi là chưa có điện); các thôn, bản đều được dùng nước nước sạch; hơn 90% số hộ gia đình có nhà ở khang trang, kiên cố ở. Hiện tổng diện tích trồng cây lương thực toàn xã 244ha, trong đó diện tích cây có hạt là 193 ha, sản lượng đạt hơn 718 tấn/ha, tổng lương thực bình quân đầu người là 568 kg/năm/ người.

Với các mô hình kinh tế kết hợp như trang trại, chăn nuôi gia súc, vườn rừng, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Năm 2018 tiếp thu những tiêu chí đã đạt được, Đảng ủy, chính quyền nhân dân xã Pa Thơm tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại cơ sở theo chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 và lập tờ trình đề xuất chủ trương sửa chữa và mương thủy lợi trung tâm bản Pa Xa Xá, Pa Xa Lào./.

                                                                                                                    

Thúy Hằng

.