Sàn việc làm đầu năm, chỉ có bóng dáng mỗi nhà tuyển dụng

Thứ Năm, 01/03/2018, 10:29 [GMT+7]

Sau nửa tháng nghỉ Tết, sàn giao dịch việc làm Hà Nội hoạt động trở lại. Tại khu vực tuyển dụng chỉ có nhà tuyển dụng, vắng bóng người lao động.

Sau nửa tháng nghỉ Tết, sàn giao dịch việc làm Hà Nội hoạt động trở lại. Thế nhưng rất ít người lao động đến tìm việc.

Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực tuyển dụng chỉ thấy nhà tuyển dụng mà không có bóng dáng người lao động nào. Một số ít người đến Trung tâm chủ yếu để làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp.

d
Khu vực tuyển dụng không có lao động đến nộp hồ sơ phỏng vấn.


Chị Nguyễn Lan Hương, làm kế toán cho một công ty kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội cho biết đã nghỉ việc từ trước Tết và hiện chưa có nhu cầu tìm công việc mới.

“Tôi cũng đã xem qua thông tin tuyển dụng và thấy chưa phù hợp với mong muốn của mình, tôi muốn có thêm thời gian để xem xét kỹ hơn. Bởi vì nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng đưa ra một số yêu cầu nhưng trong đó còn nhiều vấn đề nữa, lúc đi làm lại phát sinh chứ không hẳn như người ta nói”

Theo thông báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm đầu năm có 51 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 586 vị trí việc làm, nhiều doanh nghiệp ngồi cả buổi sáng không tuyển được một ai.

Đại diện Công ty BigC Thăng Long cho biết, sau Tết, công ty có nhu cầu tuyển dụng hơn 100 người do có nhiều biến động về lao động, đối tượng tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông. Nhưng có một nghịch lý là dù có nhiều lao động nghỉ việc, mất việc sau Tết nhưng vẫn không thể tuyển được người.

d
Từ sáng đến trưa, doanh nghiệp chưa nhận được hồ sơ xin việc của ứng viên.


Bà Mạc Thu Hương, cán bộ tuyển dụng của Tập đoàn Vingroup cho biết, cần tuyển 200 lao động phổ thông với nhiều chế độ ưu đãi, người lao động được hưởng đầy đủ chế độ theo đúng luật lao động và luật BHXH nhưng rất khó khăn khi tuyển dụng lao động.

“Những đối tượng lao động phổ thông mà đến trực tiếp sàn rất ít. Chúng tôi chủ yếu hợp tác với sàn về dữ liệu lao động thất nghiệp. Đối tượng thất nghiệp năm 2017 nhiều, bên tôi sẽ khoanh vùng đối tượng phổ thông phù hợp với ngành nghề bên mình tuyển dụng và trực tiếp tiếp cận. Từ sáng đến giờ chưa có một lao động nào đến với doanh nghiệp chúng tôi”, bà Hương cho hay.

Ra Tết, nhiều công ty có kế hoạch mở rộng kinh doanh và cần tuyển dụng thêm nhân viên. Tuy nhiên, từ sáng đến trưa, không có ứng viên nào đến bàn giao dịch nộp hồ sơ xin việc. Mặc dù chi phí tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm rẻ hơn rất nhiều so với các đơn vị cung cấp nhân sự trên thị trường, song ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty bất động sản NamiLand cho rằng, hạn chế của sàn giao dịch việc làm là chỉ tuyển được lao động phổ thông. Do vậy, để tìm nguồn lao động có trình độ cao, công ty phải kết nối với nhiều kênh cung cấp nhân sự cấp cao khác.

Ông Nguyễn Hoàng Long nói: “Ở Trung tâm này có đợt chúng tôi tuyển được nhưng có đợt không được bạn nào. Đây là sàn giao dịch, là cầu nối giữa người lao động với người có nhu cầu nhưng thực sự không có sự chọn lọc giống như các đơn vị tuyển dụng khác. Họ chưa có bộ phận chuyên sâu để đi khai thác nguồn lao động ở các kênh khác mà họ chỉ hẹn với doanh nghiệp thôi, chưa có sự kết nối với từng ứng viên. Người lao động không được gọi mà họ chỉ quảng cáo, truyền thông, ai có nhu cầu thì đến, còn những người giỏi thực sự, muốn tìm một cơ hội tốt thì chưa tiếp cận được”

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, qua khảo sát của trung tâm và các kênh thông tin, thị trường lao động sau Tết tại Hà Nội năm nay ít biến động hơn.

d
Một số người đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp.

 

Một số các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tuyển 100 - 200 người không có gì đột biến. So với những năm trước, tình hình công nhân lao động cơ bản ổn định, người lao động ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp do chế độ phúc lợi của doanh nghiệp đối với người lao động được đảm bảo tốt hơn. Trong năm 2018, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ mở rộng các hình thức tư vấn giúp người lao động tìm được vị trí việc làm thích hợp với khả năng và trình độ, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp.

Ông Vũ Quang Thành nói: “Chúng tôi sẽ hướng đến công tác tư vấn chuyên sâu, cố gắng vừa tư vấn vừa tuyên truyền để người lao động có thể nhìn nhận ra thông tin về thị trường lao động tại thời điểm đó như thế nào và các vị trí ngành nghề mà người lao động đang theo đuổi, mặt bằng chung như thế nào. Đôi khi nhiều bạn trẻ ngộ nhận trình độ mình như thế này mức lượng phải như thế kia, quyền lợi phải được đảm bảo thì mới đi làm. Chúng tôi sẽ cố gắng đánh tan được tư duy đó giữa người lao động và doanh nghiệp để khi đến với nhau, trao đổi, phỏng vấn có sự hiểu nhau và kết quả sẽ tốt hơn”.

Năm 2018, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tổ chức 108 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 10 phiên giao dịch chuyên đề, 10 phiên giao dịch lưu động tại quận huyện./.

 

Theo VOV.VN

 

.