Điện Biên

Cơ hội cho người lầm lỡ

Thứ Tư, 11/10/2017, 17:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên, chương trình tín dụng thực sự đã có ý nghĩa quan trọng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, từ đó đã mở ra cơ hội để họ làm lại cuộc đời

Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ 15/6/2014 và được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố giai đoạn 2014-2016. Từ hiệu quả chương trình tín dụng đối với những người yếu thế trong xã hội, năm 2017, Quyết định này được triển khai thực hiện trên toàn quốc, mở ra cơ hội cho những hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương có cơ hội vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Theo đó, các cá nhân và hộ gia đình và người nhiễm HIV người sau cai nghiện ma túy... sẽ được vay vốn để sản xuất. Cụ thể, người vay có thể vay vốn nhiều lần với mức vay tối đa đối với cá nhân là 20 triệu đồng/người và mức vay tối đa đối với hộ gia đình là 30 triệu đồng/hộ, từ đó giúp cho người có HIV, người sau cai nghiện ma túy ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng

1

Ngân hàng chính sách xã hội là chỗ dựa cho người nghèo để phát triển kinh tế  (ảnh: Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên)


Trong năm 2016, 15 tỉnh, thành phố thí điểm thực hiện chương trình đã giải ngân hơn 9.700 triệu đồng cho 377 cá nhân, hộ gia đình vay vốn. Trong đó, chủ yếu là người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người nhiễm HIV. Số ít người bán dâm hoàn lương và hộ gia đình có thành viên là người bán dâm hoàn lương vay vốn. Số vốn được vay chủ yếu được sử dụng để chăn nuôi, trồng trọt, mua sắm trang thiết bị kinh doanh, buôn bán nhỏ, sinh kế...

Tại tỉnh Điện Biên, năm 2016 tỉnh Điện Biên thực hiện thí điểm tại các huyện: Điện Biên Đông, Mường Ảng và Thành phố Điện Biên Phủ. Đến hết năm 2016 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 17 hộ gia đình có thành viên là người  điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, những hộ gia đình này đã được vay vốn với thời hạn 36 tháng, tổng số vay vốn là 500 triệu đồng, đa số các hộ vay vốn để chăn nuôi trâu, chỉ có 1 hộ gia đình vay vốn để kinh doanh tạp hóa.  

Hộ gia đình anh Lò Văn Thăng ở TP Điện Biên Phủ là hộ hưởng ưu đãi từ vốn vay này. Nghiện ma túy từ năm 2003, đã nhiều lần đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, tháng 5 năm 2015, anh mới được trở về cùng gia đình và đăng ký tham gia điều trị thay thế bằng methadone.

Quyết tâm tìm một công việc ổn định để quên đi cảm giác thèm nhớ ma túy, không để mình bị tái nghiện như những lần trước, anh được cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội phường giới thiệu về chính sách hỗ trợ vay vốn cho người sau cai nghiện theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Được hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội và Ngân hàng chính sách xã hội, anh được chương trình cho vay 30 triệu đồng. Với số vốn có được, anh cùng gia đình quyết định đầu tư chăn nuôi mua trâu và gia cầm. Hàng ngày sau khi đi uống thuốc methadone anh cùng gia đình tập trung vào công việc phát triển kinh tế gia đình, gần như không còn thời gian nào rảnh rỗi giao du với bạn bè, nhất là bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường cũ.

Sức khỏe của anh cũng dần được cải thiện, lối sống lành mạnh hơn, kinh tế gia đình cũng được nâng lên. Ngoài giờ làm việc, những khi phường có tổ chức các buổi truyền thông hay giao lưu với người một thời lầm lỡ, anh đều tham dự và chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho mọi người để họ tránh rơi vào con đường ma túy, quyết tâm từ bỏ ma túy, cùng với sự hỗ trợ của địa phương và nhà nước để cố gắng vươn lên làm lại cuộc đời.

1
Hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, hòa nhập cộng đồng


Việc cho vay vốn nhằm mục đích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương được vay vốn để mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc, gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh buôn bán; góp vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần từng bước kiềm chế, đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp nhưng không vượt quá mức cho vay theo quy định (tối đa 20 triệu đồng/cá nhân và 30 triệu đồng/hộ). Sau hơn 1 năm thực hiện việc cho vay đối với những người có quá khứ lầm lỗi, đến nay đã có nhiều gia đình dựa vào số vốn ban đầu để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cho vay vốn, NHCSXH gặp không ít khó khăn trở ngại, do tâm lý của những người thuộc đối tượng được vay còn mặc cảm với quá khứ của mình, họ chưa dám chủ động tiếp cận chương trình.

Nắm được tâm lý tự ti của những người thuộc đối tượng được vay, NHCSXH tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các địa phương thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại nơi người hoàn lương sinh sống nên việc tiếp cận, quản lý, đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay được thực hiện thường xuyên hơn. Việc thực hiện cho vay giờ đây không chỉ do ngân hàng quản lý mà cả hệ thống chính trị tại địa phương cũng vào cuộc, phối hợp xét duyệt cho vay, đôn đốc thu hồi nợ, qua đó đảm bảo cho vay đúng đối tượng, mục đích và khả năng trả nợ của người vay.

Có thể thấy, sau 1 năm thực hiện chương trình, việc cho vay đối với người hoàn lương đã phát huy hiệu quả tích cực; người vay có ý thức hơn trong việc trả nợ, có đủ nguồn vốn để làm ăn, nâng cao đời sống và hòa nhập cộng đồng tốt hơn, qua đó nguồn vốn tín dụng cũng được bảo toàn. Nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình, cần tạo điều kiện tăng cường tìm hiểu, tiếp cận các cá nhân, hộ gia đình thuộc diện được vay vốn để động viên họ mạnh dạn phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

 

Hương Trà

.