Điện Biên: Nhiều việc làm cụ thể, thiết thực chăm sóc người có công với cách mạng

Thứ Ba, 18/07/2017, 16:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Điện Biên luôn quan tâm đến công tác chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, thể hiện đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Vì lẽ đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh đều ý thức được trách nhiệm và tham gia nhiệt tình phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nhiều phong trào thể hiện tính nhân văn sâu sắc

Ngay sau ngày Điện Biên giải phóng (5/1954), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu trước đây và nay là tỉnh Điện Biên đã đặc biệt quan tâm đến đời sống của các gia đình thương binh, liệt sĩ, diện chính sách có công và coi đây là nhiệm vụ chính trị phải ưu tiên hàng đầu.

d
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên và lãnh đạo tỉnh Hà Nam đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 nhân dịp kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang quản lý và phụng dưỡng trên 16.000 đối tượng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công, trong đó có trên 1.200 người hưởng chính sách thường xuyên hằng tháng. Với tinh thần thực hiện tốt nhất đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, đồng thời quán triệt sự chỉ đạo của các văn bản hướng dẫn về công tác đền ơn đáp nghĩa của Trung ương, cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản, huy động các tổ chức đoàn thể tham gia triển khai, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” một cách thiết thực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, động viên được nguồn lực, sức mạnh cộng đồng để chăm lo đời sống gia đình chính sách trên địa bàn.

Tỉnh Điện Biên là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, có ý nghĩa quyết định đến việc thực dân Pháp phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam và các nước Đông Dương. Hiện nay, ngoài việc thường xuyên chăm lo thực hiện chính sách với các đối tượng người có công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (bao gồm cả những người làm nghĩa vụ quốc tế trong hai cuộc kháng chiến) và tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, còn có các đối tượng được hưởng chính sách theo quy định của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh việc cùng cả nước thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”… tỉnh còn có những việc làm cụ thể, sáng tạo nhằm nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình người có công với nước hiện đang cư trú, sinh sống trên địa bàn tỉnh. Các phong trào, hoạt động đền ơn đáp nghĩa nêu trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao và có sức lan tỏa mạnh. Đây là một cố gắng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Chỉ tính riêng 10 năm gần đây (2007-2017), toàn tỉnh đã có nhiều việc làm nhằm góp phần tạo điều kiện để các gia đình chính sách phát huy truyền thống, phấn đấu vươn lên. Những kết quả đó được biểu hiện đó là: Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Xây nhà tình nghĩa” cho người có công với cách mạng. Phong trào này luôn được các cấp, các ngành của tỉnh phát động một cách rộng rãi trong toàn xã hội, nên hằng năm, các đơn vị, địa phương, các cơ quan hữu quan, trong đó có các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đưa vào chương trình công tác năm để đóng góp thực hiện xây dựng nhà tình nghĩa, coi đây là trách nhiệm và đạo lý. 10 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 459 căn nhà tình nghĩa (trong đó xây dựng 229, sửa chữa 230 căn nhà)… Đến nay, về cơ bản đã giải quyết xong nhà ở cho diện đối tượng chính sách người có công trên địa bàn.

Ngoài ra, để làm tốt công tác phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với nước, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cùng các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và các đơn vị hảo tâm luôn dành sự quan tâm chăm sóc đặc biệt về vật chất lẫn tinh thần cho các mẹ và bản thân các thương binh, thân nhân liệt sĩ, như phụng dưỡng, thăm hỏi thường xuyên các mẹ; đầu tư xây dựng khu nhà khang trang để nuôi dưỡng chăm sóc thân nhân của liệt sĩ không nơi nương tựa. Bằng trách nhiệm và nghĩa cử tri ân, các địa phương duy trì và thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng 613 “Sổ vàng tình nghĩa”, với tổng số tiền trên 790 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công không chỉ ở cấp tỉnh mà ở các huyện, thị, thành phố, phường, xã, thị trấn đều xây dựng và thực hiện tốt Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nên đến nay, nguồn quỹ này đã quyên góp được 8,927 tỷ đồng. Hằng năm, vào ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tết nguyên đán, ngoài việc tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể, các hoạt động họp mặt truyền thống, tỉnh đã dành hàng chục đến hàng tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách có công. Nhờ sự quan tâm, tiếp sức thường xuyên, liên tục của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, đời sống của các gia đình chính sách có công không ngừng được cải thiện và nâng cao hơn. Đến nay, trong hơn 1.200 người có công đang hưởng chính sách hằng tháng, so sánh với mức sống của cộng đồng dân cư nơi người có công cư trú, sinh sống thì đã có 110 hộ giàu, 677 hộ khá, 437 hộ trung bình.

Các t
Các đồng chí lãnh đạo Quân khu II và tỉnh Điện Biên đón và tiến hành Lễ an táng các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Lào tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao.

 

Công tác chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh luôn được quan tâm đúng mức. Trong những năm qua, cấp tỉnh và cấp huyện trong tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng nhà bia ghi danh liệt sĩ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia (A1, Độc Lập, Him Lam), 1 nghĩa trang Bộ đội Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế (Tông Khao) và hàng chục nghĩa trang liệt sĩ do các huyện, thị quản lý. Đây là những công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn ghi nhận công lao đóng góp, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, nhằm giáo dục thế hệ trẻ ngày nay và mai sau lòng tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông, cũng như phát huy truyền thống anh hùng ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tỉnh Điện Biên đã tổ chức thường xuyên những đợt tìm kiếm, quy tập mộ, đón hài cốt liệt sĩ. Việc làm này đã tạo thành phong trào, thể hiện đạo lý và trách nhiệm của mỗi người dân, nên thời gian qua với tinh thần vượt qua khó khăn, nhiều cá nhân, đơn vị đã phát hiện quy tập được hàng trăn hài cốt đưa về các nghĩa trang để quản lý và chăm sóc.

Vẫn còn đó những khó khăn, tồn tại cần sớm khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, công tác chăm sóc người có công ở tỉnh Điện Biên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại cần sớm khắc phục, đó là: Công tác xét chế độ chính sách cho người có công hiện nay ở địa phương gặp khó khăn, do đội ngũ làm công tác này ở các đơn vị, địa phương thường xuyên thay đổi; một số trường hợp quân nhân xuất ngũ chưa được đào tạo nghề và chưa tạo được việc làm nên cuộc sống của họ còn gặp khó khăn, thiếu tính ổn định; một số nhà ở của các gia đình chính sách đã bị xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời.

Mặc dù hệ thống chính sách đã nhiều lần được bổ sung, sửa đổi qua từng thời kỳ để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống chung của nhân dân nhưng khi xây dựng chế độ chính sách cho người có công, Nhà nước lại dựa vào mức chi dùng bình quân của xã hội để làm cơ sở tính tiền trợ cấp, nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt của người có công, đặc biệt là đối với các tỉnh có mức thu nhập thấp, đời sống thấp, sản xuất kinh doanh chưa phát triển như tỉnh Điện Biên.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp ưu đãi người có công

Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên đang nêu quyết tâm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái”, nhằm tiếp tục khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm sóc các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh - những người đã xả thân vì nước, đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân hoặc một phần máu xương của mình vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân,… Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, cùng với sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, của các cấp, các ngành trong công tác đền ơn đáp nghĩa, thiết nghĩ trong thời gian tới, các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cần chú trọng và tiếp tục thực hiện tốt hơn các giải pháp như: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên về việc tổ chức các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-07-2017) bằng nhiều cơ chế chính sách tập trung các nguồn lực và biện pháp của toàn xã hội để giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách ổn định cuộc sống.

Cùng với việc thường xuyên tổ tập huấn, nhằm cập nhật chủ trương, chính sách mới mà Đảng, Nhà nước ban hành, chính quyền và cơ quan chuyên môn luôn nêu cao có trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách với người có công. Tập trung tiến hành khảo sát về đời sống và hiện trạng nhà ở của các gia đình chính sách trên địa bàn, để nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ, đảm bảo từng bước ổn định, nâng cao hơn nữa đời sống người hưởng chính sách có công. Trong đó, thực hiện tốt Đề án xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách có công trên địa bàn.

Tiếp nhận, kiểm tra và xét duyệt giải quyết tốt chính sách đối với “Người tham gia kháng chiến chống Mỹ chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước” và “Chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc”. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về “Chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương”. Làm tốt việc kiểm tra chi trả trợ cấp, phụ cấp cho diện chính sách và công tác đăng ký, quản lý, công tác lưu trữ hồ sơ người có công tại các địa phương trong tỉnh.

Các huyện, thị, thành phố trong tỉnh chú trọng làm tốt chính sách, chương trình hỗ trợ, cấp học bổng cho con, em các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách để các cháu học tập tốt và giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các cháu khi ra trường. Ngoài ra, để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho diện chính sách có công, cấp huyện, cấp phường, xã cần tập huấn và hỗ trợ vốn cho họ làm ăn, thoát nghèo.

Đẩy mạnh hơn nữa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”… nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng và Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; đào tạo, bồi dưỡng thế hệ con em của người có công tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước./.

 

Nguyễn Vân Chương
 

.