Những chuyển biến trong phát triển nguồn nhân lực

Thứ Năm, 16/06/2016, 15:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 23/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; chất lượng nguồn nhân lực của Điện Biên có bước phát triển tích cực và đạt được những kết quả bước đầu trên tất cả các lĩnh vực. Quy mô nguồn nhân lực, cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực; trình độ chuyên môn, thể chất nguồn nhân lực được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn nhân lực chuyển biến chậm so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Một trong những kết quả nổi bật của Nghị quyết đó là: Quy mô và cơ cấu nguồn nhân lực của tỉnh đã có bước phát triển tích cực. Điển hình, năm 2015, tỷ lệ tăng dân số là 1,73%, giảm 0,19% so với năm 2011; quy mô dân số là 547,38 ngàn người (đạt mục tiêu Nghị quyết đại hội XII). Dân số trong độ tuổi lao động là 319.887 người, chiếm 58,44% dân số, tăng 22.772 người (tương đương 7,7%) so với năm 2011. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 300.297 người, chiếm 93,87%, tăng 15.067 người so với năm 2011.

Cơ cấu lao động từng bước chuyển dịch từ khu vực nông thôn sang khu vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 70,10% năm 2012 xuống còn 65,89% năm 2015; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 10,73% năm 2012 lên 12,40% năm 2015 và tỷ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 19,17% năm 2012 lên 21,71% năm 2015.

Bên cạnh đó, quy mô học sinh phát triển khá ổn định ở các cấp tiểu học, THCS, THPT và phát triển mạnh ở cấp học mầm non. Năm học 2015 - 2016 toàn tỉnh có 491 trường mầm non, tiểu học và phổ thông các cấp với 168.194 học sinh. Cơ sỏ vật chất dạy và học được đầu tư, nâng cấp. Tỷ lệ phòng học kiên cố đat 58,2%. Cũng trong năm học 2015 - 2016, có 257/491 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia (đạt 52,34%), vượt 6,34% so với mục tiêu nghị quyết đề ra.

d
Giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 32.640 lao động, bình quân 8.160 lao động/năm, đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra từ 7 - 8 ngàn lao động/năm

 

4 năm qua, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quan trọng, giúp Điện Biên chủ động về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cơ bản, làm chủ kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với thị trường lao động, phục vụ tốt yêu cầu phân công lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng thời kỳ, đảm bảo phát triển bền vững. Hiện nay, hệ thống đào tạo nhân lực về chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn tỉnh có 3 trường Cao đẳng (Sư phạm, Kinh tế - Kỹ thuật và Y tế) đều là cơ sở đào tạo công lập. Giai đoạn 2012 - 2015, các trường cao đẳng đã tuyển sinh và đào tạo được 12.798 học sinh sinh viên.

Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thiện Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên với mục tiêu thành lập một trường đại học đa cấp, đa ngành, là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên; đồng thời thúc đẩy mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Nam - Thái Lan và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 32.640 lao động, bình quân 8.160 lao động/năm, đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra từ 7 - 8 ngàn lao động/năm; tạo việc làm mới cho 34.350 người, đạt so với mục tiêu của Nghị quyết đề ra từ 8 - 8,5 ngàn lao động/năm.

Hàng năm, tỉnh đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã phát huy tối đa năng lực của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh, tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo của Trung ương để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, hành chính và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua 4 năm triển khai Nghị quyết, toàn tỉnh đã cử 86.075 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng. Đến thời điểm hiện tại, cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng trở lên có trình độ từ đại học trở lên đạt 93,6% (trong đó 9,4% có trình độ trên đại học); cán bộ cấp xã có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên đạt 92,5% và 64,8% được đào tạo về chuyên môn (44,6% có trình độ trung cấp, tương đương).

Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đây cũng là tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số chiểm tỷ lệ cao (81,58%); trình độ học vấn và dân trí thấp, sản xuất lạc hậu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cao. Nguồn lực tài chính hàng năm của tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nên việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là tuyến cơ sở. Thêm vào đó, trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có các cơ sở sản xuất lớn, các khu công nghiệp để thu hút sử dụng ổn định nhiều lao động. Bên cạnh đó, do tâm lý, tập quán sinh hoạt không muốn đi lao động xa nhà của hầu hết đồng bào dân tộc là cản trở lớn cho việc chuyển đổi cơ cấu lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp sang các ngành nghề khác.

Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền các cấp đối với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của người lao động; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô giáo dục đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục và cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực... Cụ thể, Điện Biên phấn đấu đến năm 2020 phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu hợp lý (lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 58,7%; công nghiệp - xây dựng 15,6% và dịch vụ 25,7%); mỗi năm đào tạo nghề cho 7.800 - 8.200 lao động, tạo việc làm mới cho trên 8.500 lao động/năm; phấn đấu 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đạt chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; phấn đấu 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và 60% viên chức trở lên được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

 

Diệp Xuân
 

.