"Điện Biên cần tập trung xử lý dứt điểm tình trạng chặt phá rừng trái phép"

Thứ Sáu, 17/06/2016, 18:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn tại buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về công tác quản lý và bảo vệ rừng, tình hình giải quyết vấn đề dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh, trong buổi chiều 17/6. Làm việc với đoàn có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cùng các sở, ngành có liên quan.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2015, tỉnh Điện Biên đã xảy ra 493 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tăng 135 vụ so với cùng kỳ năm 2014; trong đó đã xử lý được 397/493 vụ. Trong đó, tập trung nhiều nhất là hành vi phá rừng trái pháp luật với 170 vụ (tăng trên 100 vụ so với cùng kỳ năm 2014), chủ yếu tại các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông; 260 vụ vận chuyển, mua bán cất giữ, chế biến kinh doanh lâm sản trái pháp luật.  Cũng trong năm đã xử lý được 397/493 vụ.

Riêng 5 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 330 vụ vi phạm (tăng 61 vụ so với cùng kỳ năm 2015), trong đó đã xử lý vi phạm hành chính là 121 vụ (Mường Nhé là 23 vụ).

Nguyên nhân việc xử lý vi phạm còn thấp là do: Đa số những vụ vi phạm về phòng chữa cháy rừng không tìm ra đối tượng vi phạm để xử lý; những vụ phá rừng đối với người dân di cư tự do, khai thác gỗ trái phép khi bị phát hiện thì bỏ trốn,... không điều tra, xác minh ra đối tượng nên gặp khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm.

r
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên

 

Đến nay, Điện Biên đã cơ bản hoàn thành kiểm kê rừng với tổng diện tích thực hiện kiểm kê là 813.737,26ha, bao gồm diện tích đất có rừng là 367.496,51ha và diện tích đất đất chưa có rừng là 446.267,75ha; độ che phủ rừng oàn tỉnh đạt 38,5%.

Dự ước trong 6 tháng đầu năm 2016, các địa phương đã chăm sóc được 367ha rừng trồng, đạt 84% kế hoạch; giao khoán khoanh nuôi tái sinh 2.529ha, đạt 16% kế hoạch; công tác trồng rừng mới đang triển khai khảo sát, thiết kế và chuẩn bị cây giống để tổ chức trồng rừng vào các tháng mùa mưa.

Về tình hình giải quyết vấn đề dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là huyện Mường Nhé. Đối với việc thực hiện Quyết định 141/QĐ-TTg ngày 31/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ cho 3/17 điểm bản thành lập mới, còn 14 điểm bản chuyển sang thực hiện theo Quyết định số 79/QĐ-TTg; nguyên nhân là do chưa được Trung ương hỗ trợ nguồn lực đầu tư.

Đối với thực hiện Quyết định 79/QĐ-TTg, đến nay, toàn huyện Mường Nhé đã xây dựng, phê duyệt 38 phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, đạt 93% so với kế hoạch; đã di chuyển và bố trí, sắp xếp ổn định cho 860 hộ để thành lập 29 bản mới, bố trí xem ghép và ổn định tại chỗ cho 6 bản; đông thời thực hiện hỗ trợ làm nhà cho 103 hộ nghèo đang ở nhà tạm bợ, dột nát xây dựng nhà kiên cố; đã thực hiện hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ dụng cụ sản xuất cho 586 hộ, đạt 35,3% so với kế hoạch.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã nêu ra một số khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, tình hình giải quyết vấn đề dân di cư tự do như: Kinh phí giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng còn thấp; lực lượng kiểm lâm địa bàn còn thiếu; tiến độ rà soát, giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại một số địa phương còn chậm, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu; tập quán du canh du cư vẫn còn tồn tại nên việc quản lý, vận động nhân dân định canh định cư còn gặp nhiều khó khăn...

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn biểu dương những kết quả mà tỉnh Điện Biên đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kế hoạch về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tình hình giải quyết vấn đề dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị: Tỉnh Điện Biên cần xây dựng chương trình quản lý và bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị nhằm tạo chuyển biến trong công tác này; Điện Biên cũng triển khai sớm việc giao trách nhiệm quản lý rừng đến cấp cơ sở để tiện theo dõi, quản lý; UBND tỉnh cần củng cố, kiện toàn lại Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy về quản lý và bảo vệ rừng nhằm tập trung xử lý dứt điểm tình trạng chặt phá rừng trái phép, đặc biệt là ở huyện Mường Nhé; chỉ đạo kiên quyết không chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên sang các dự án xã hội và giải quyết tốt tình trạng dân di cư tự do./.

 

Diệp Xuân
 

.