Dịch châu chấu ở Mường Lói: Dân lo lắng năng suất lúa giảm

Thứ Tư, 09/09/2015, 10:19 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đầu tháng 8 vừa qua trên địa bàn xã Mường Lói, huyện Điện Biên, xuất hiện tình trạng dịch châu chấu phá hoại mùa màng của người dân. Ban đầu châu chấu xuất hiện tại khu vực trồng lúa nương của người dân 2 bản: Na Chén và Noong É, sau đó di chuyển và phá hoại lúa, cây trồng ở các bản khác thuộc xã Mường Lói và Phu Luông.

Ông Hoàng Đình Long, Phó Bí thư Đảng bộ xã Mường Lói cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo của nhân dân về tình hình châu chấu di cư đến địa bàn, xã đã cử cán bộ xuống các bản để xem xét tình hình cụ thể sau đó báo lên huyện để tìm hướng giải quyết; đồng thời cũng nhắc nhở bà con nên tự bảo vệ lúa của mình bằng cách xua đuổi châu chấu trước khi có biện pháp cụ thể. Ngay khi tiếp nhận thông tin từ xã, huyện Điện Biên đã thành lập đoàn kiểm tra gồm: Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV), Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra cho thấy, đàn châu chấu trên đường di chuyển dừng nghỉ ăn các loại cây như: Lá tre, luồng, chít, ngô, lúa… làm ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Mật độ châu chấu trên lúa trung bình 5-10 con/m2, nơi cao khoảng 50 con/m2, cục bộ khoảng 80-100 con/m2. Cũng theo đánh giá sơ bộ của đoàn kiểm tra thì có khoảng 20ha lúa bị thiệt hại, chủ yếu tập trung ở bản Na Chén. Lúa vẫn có khả năng cho thu hoạch nhưng năng suất sẽ giảm. Nằm trong hướng di thực của châu chấu, lúa của bản Na Cọ cũng bị hại. Đoàn kiểm tra khuyến cáo nông dân, để đối phó với châu chấu, không nên tác động bằng phương pháp hóa học vì không hiệu quả. Bà con cần sử dụng các biện pháp can thiệp cơ giới như: Dùng vợt bắt vào sáng sớm, xua đuổi để giảm mật độ châu chấu trên nương lúa. Tuy nhiên, trên thực tế vì chưa có kinh nghiệm, kiến thức đối phó với dịch nên nhiều người đã mất công, mất tiền để mua thuốc BVTV phun đối phó với châu chấu.

s
Người dân bản Na Cọ, xã Mường Lói đuổi châu chấu trên nương lúa của gia đình.

 

Chúng tôi trở lại xã Mường Lói vào ngày 21/8. Mất gần 2 giờ vượt đồi, núi chúng tôi mới tới nương lúa của nông dân bản Na Cọ. Vẫn còn châu chấu cắn lúa. Người dân, nhà thì cặm cụi dùng sào đuổi châu chấu, nhà thì phun thuốc, cũng có nhà chỉ lên theo dõi xem thế nào vì đuổi cũng không xuể mà phun thuốc cũng chẳng ăn thua. Chị Lò Thị Sơm, bản Na Cọ đang chăm sóc lúa gần đó cho biết: Tôi chưa bao giờ gặp đàn châu chấu nào nhiều đến thế. Nó di chuyển từng đàn như quả bóng lớn; tạo ra tiếng kêu vù vù và có mùi hôi rất khó chịu. Đứng ở nương có những con lao cả vào người. Sợ châu chấu cắn hết lúa nên mấy mẹ con dùng gậy đi xua 2 ngày nhưng không được, vì nương rộng xua chỗ này nó bay ra chỗ khác. Tôi mua thuốc trừ sâu về phun thử xem thế nào thì thấy con nào trúng thuốc thì chết, không trúng thì bay đi. Từ hôm phun thuốc đến nay, được gần chục hôm đỡ thì hôm nay nó lại bay về nhiều. So với các hộ khác trong bản thì lúa của gia đình tôi bị châu chấu hại nhiều nhất. Năm nay, gia đình tra 100kg thóc giống, mọi năm thì thu hoạch được tầm 60 bao thóc, giờ bị cắn thế này tôi nghĩ chắc chỉ thu được hơn 40 bao thôi. Nhưng đấy là nếu châu chấu không phá nữa, tôi chỉ sợ nó ăn hết lá tre trên rừng lại quay sang ăn lúa thì nguy, nhất là chỉ khoảng 20 ngày nữa lúa ra đòng.

Cũng trong tình trạng bị châu chấu phá lúa nương, ông Lường Văn Khăm, bản Na Cọ cho biết: Khi thấy có châu chấu xuống nương lúa nhiều tôi đã mất nửa ngày đi theo dõi xem có ăn lúa không, thấy nó cũng có ăn nhưng ít nên cũng đỡ lo. Tôi đã dùng gậy tre buộc mảnh vải ở đầu gậy đi xua cho nó bay đi thôi chứ không phun, vì thấy nhà ông Xôm Chính phun nhưng vẫn còn.

Anh Mòng Văn O, Trưởng bản Na Cọ cho biết: Châu chấu di chuyển theo đàn lớn thường gặp vào tầm 4 - 5 giờ chiều, chủ yếu ở những nương lúa trên đồi gần rừng, gần đồi tre. Những gia đình có châu chấu vào nương chỉ biết mua thuốc phun, hoặc xua đuổi châu chấu ra khỏi nương lúa nhà mình thôi.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay, lượng châu chấu trên địa bàn đã giảm so với đợt cao điểm từ ngày 6 - 9/8. Do đặc điểm của đàn châu chấu là di thực nên khi đi đến đâu cũng sẽ dừng để ăn. Chúng cũng sẽ không di cư hết cả đàn ngay, vì có con không nhận được “tín hiệu” của đàn trước. Đoàn kiểm tra khuyến cáo tới đơn vị, phòng ban, chuyên môn của huyện thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng trừ; tiếp tục theo dõi diễn biến di thực của đàn châu chấu để khuyến cáo người dân can thiệp kịp thời. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND các xã chỉ đạo thôn, bản theo dõi kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Về phía đơn vị chuyên môn Trạm BVTV, ông Lò Quang Vinh, Trạm trưởng cho biết: Trạm tiếp tục cử cán bộ tăng cường kiểm tra các nơi trú ngụ trên cây; cỏ dại ven sông, suối và cây trồng; phát hiện sớm ổ dịch châu chấu non để phòng trừ, không để phá hoại hoa màu và lây lan sang vùng khác.

Theo dự báo của đoàn kiểm tra tại xã Mường Lói, châu chấu đã ở giai đoạn trưởng thành; việc di thực ra khỏi địa bàn và kết thúc vòng đời sẽ trong khoảng từ 20 – 25/8. Thực tế cho thấy, châu chấu ăn các lá cây rừng, lá tre nhiều hơn. Những nương lúa có mật độ châu chấu hại nhiều cũng tập trung ở bìa rừng, gần khu có nhiều tre. Chưa biết năng suất lúa nương ở Mường Lói sẽ giảm đến đâu vì dịch châu chấu nhưng có thể thấy rằng, người dân vẫn còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc đối phó với dịch bệnh. Thiệt hại về kinh tế do năng suất lúa giảm là điều không tránh khỏi. Đây là điều mà rất nhiều hộ dân Mường Lói đang lo lắng từng ngày…

 

Tuấn Anh

Báo Điện Biên Phủ
 

.