Đưa điện về bản vùng sâu ở Điện Biên Đông

Thứ Năm, 19/03/2015, 15:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, điện là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng đời sống, thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Là một huyện vùng cao dân cư  thưa thớt, sống rải rác nên việc đưa điện lưới quốc gia về các thôn bản vùng sâu vùng xa của huyện Điện Biên Đông gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của đảng, nhà nước ánh sáng điện đã về với nhiều thôn bản, đồng bào các dân tộc thiểu số đã được hưởng lợi từ lưới điện quốc gia.

c
Trong hai năm 2013 – 2014, từ nguồn vốn ADB dự án đưa điện về vùng sâu vùng xa đồng bào tại 10 thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của các xã Noong U, Phì Nhừ, Phình Giàng, Pú Hồng…đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

Huyện Điện Biên Đông được chia tách thành lập năm 1995. Thời điểm đó, tại trung tâm huyện chỉ có một trạm điện hoạt động để cung cấp điện cho khu vực trung tâm huyện. Còn lại hầu hết các xã, các thôn bản trên địa bàn huyện chưa được hưởng thụ điện lưới quốc gia. Sau đó, với sự quan tâm, đầu tư của đảng, nhà nước thông qua các dự án đầu tư của Tổng công ty điện lực Miền bắc, Công ty điện lực Điện Biên lưới điện tại huyện Điện Biên Đông từng bước phát triển, mở rộng. Để thấy rõ hơn sự phát triển vượt bậc của ngành điện trong việc đưa ánh sáng về vùng sâu vùng xa chúng ta cần biết rằng khi mới thành lập năm 2003, Chi nhánh Điện lực Điện Biên Đông mới chỉ quản lý gần 100 km đường dây trung thế và trên 70 km đường dây hạ thế với vỏn vẹn 26 trạm biến áp. Nhưng đến thời điểm năm 2015 này, điện lực Điện Biên Đông quản lý tới 78 trạm biến áp trong đó có 6 trạm biến áp khách hàng. Tổng số đường dây 35 kv là trên 245 km, đường dây 0,4 kv 176 km, số khách hàng đang sử dụng điện trên 6.700 hộ, đạt tỷ lệ trên 90% tổng số hộ gia đình toàn huyện. Đặc biệt trong hai năm 2013 – 2014, từ nguồn vốn ADB dự án đưa điện về vùng sâu vùng xa đồng bào tại 10 thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của các xã Noong U, Phì Nhừ, Phình Giàng, Pú Hồng…đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong thực tế, nhiều dự án đóng điện cho các thôn, bản không mang lại hiệu quả kinh tế bởi tổng mức đầu tư trạm biến áp, đường dây đưa điện đến người dân tiêu tốn hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, số khách hàng sử dụng điện chỉ vài chục hộ và lượng điện sử dụng trung bình mỗi tháng của 1 hộ gia đình chỉ vài kw. Trong khi đó nhân viên ghi chỉ số, thu ngân, sửa chữa vẫn phải phục vụ và đảm bảo mọi quyền lợi cho người dân như các khách hàng khác. Vì vậy, hiệu quả kinh tế trong kinh doanh của ngành điện lực rất thấp, tuy nhiên hiệu quả xã hội mang lại là rất lớn. Chính những hiệu quả xã hội này là động lực giúp điện lực Điện Biên Đông khắc phục mọi khó khăn từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Ông Lê Ngọc Tuấn – Giám đốc điện lực Điện Biên Đông cho biết:  Đưa điện về vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ quan trọng được Đảng và nhà nước giao cho ngành điện, Điện Biên Đông là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên được tổng công ty điện lực miền bắc và công ty điện lực Điện Biên đặc biệt quan tâm. Trong năm 2013 – 2014 bằng nguồn vốn ADB lưới điện đã được mở rộng đến nhiều thôn bản trên địa bàn vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông như Pú Nhi, Phì Nhừ, Phình Giàng, Pú Hồng đến nay 14/14 xã thị trấn của huyện có lưới điện quốc gia với gần 90 % số thôn bản có điện

c
Việc người dân ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Điện Biên Đông được sử dụng điện lưới Quốc Gia đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, ngoài ra giúp cho người dân xóa bỏ thủ tục lạc hậu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế gia đình

Bản Nà Ngựu xã Phì Nhừ có gần 80 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Bản nằm cách trục đường Trại Bò đi Mường Luân chưa đầy 2 km nhưng nhiều năm qua bà con trong bản không được thụ hưởng ánh sáng từ lưới điện quốc gia. Để có điện sử dụng, nhiều hộ gia đình đã bỏ tiền mua máy phát điện loại nhỏ về đặt ở suối gần bản nhưng điện nước chập chờn không đủ để phục vụ nhu cầu thiết yếu, nhất là thắp sáng. Chính vì vậy, không thể diễn tả hết niềm vui mừng của bà con trong bản khi đường dây 0,4 kv dài gần 2 km được kéo vào bản đảm bảo cấp điện cho 100% các hộ gia đình.  Giờ đây, điện không những đủ thể thắp sáng mà còn đủ để xem ti vi, chạy tủ lạnh, chạy máy xay xát…Đời sống tinh thần, vật chất của bà con trong bản được cải thiện đáng kể so với trước khi chưa có điện lưới quốc gia.

Có thể dễ dàng nhận thấy những hiệu quả to lớn khi điện lưới quốc gia về với những bản vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Điện giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt như giúp nhân dân có điện thắp sáng, trẻ em thoát khỏi cảnh học bài cùng những ngọn đèn tù mù; các thiết bị điện như nồi cơm, tủ lạnh, ti vi, đài…được sử dụng cũng góp phần nâng cao chất lượng đời sống của bà con. Không những vậy, điện còn góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc điện khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Có điện đồng bào đã mua máy xay xát gạo, máy nghiền ngô, lắp đặt lò sấy, máy bơm nước phục vụ sản xuất nâng cao năng suất lao động.v.v. Anh Giàng A Di – Bản Háng Lìa A – xã Háng Lìa huyện Điện Biên Đông cho biết: là một trong những hộ gia đình có mô hình chăn nuôi lợn, nuôi thả cá lớn. Trước đây chưa có điện việc nghiền ngô, sắn cho lợn, cám cho cá phải dùng xe đi hàng chục cây số nếu không đi được phải làm bằng tay rất vất vả. Nhưng từ khi có điện, gia đình anh đầu tư mua máy xay xát vừa phục vụ bà con trong xã vừa tăng thêm nguồn thức ăn cho đàn lợn. Nhờ có điện việc sản xuất của gia đình anh có bước phát triển mới, nguồn thu nhập từ nuôi lợn, nuôi cá của gia đình tăng hơn so với trước đây.

Không riêng gia đình anh Giàng A Di hơn 200 hộ gia đình thuộc 5 bản của xã Háng Lìa đã được sử dụng điện lưới quốc gia hơn 4 năm nay. Điện lưới về là một trong những đổi thay lớn nhất đáp ứng khao khát suốt bao năm của đồng bào xã vùng cao Háng Lìa. Tầm quan trọng của điện có thể thấy rõ giữa những bản đã có điện và những bản đường điện chưa thể tới được. Tại 5 bản nằm cách xa trung tâm xã từ 8 – 18 km như Huổi Va A, B, Huổi Sông…chưa có điện điều kiện sinh hoạt của đồng bào khó khăn hơn nhiều và các hộ gia đình vẫn trăn trở tìm hướng thoát nghèo. Trong khi đó, tại 5 bản ở gần trung tâm xã như Tìa Mùng A, B, Háng Lìa A, B…qua 4 năm có điện đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nhân dân. Thông qua việc sử dụng ti vi, đài đã tạo thêm một kênh thông tin quan trọng tuyên truyền chủ trương đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước, giúp người dân nâng cao trình độ dân trí, tiếp cận khoa học kỹ thuật, cách làm ăn mới…Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế xuất hiện, số hộ nghèo giảm qua từng năm.

Nhìn lại thực tế có thể khẳng định hiệu quả xã hội to lớn của các dự án đưa điện về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 12% số thôn bản và gần 10% số hộ gia đình trên địa bàn huyện Điện Biên Đông chưa được thụ hưởng điện lưới quốc gia. Chính vì vậy, thực hiện chủ trương của đảng, nhà nước trong những năm tiếp theo từ nhiều nguồn vốn Tổng công ty điện lực Miền bắc, Công ty điện lực Điện Biên sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đưa điện về các thôn bản vùng sâu trên địa bàn tỉnh trong đó có các thôn, bản trên địa bàn huyện Điện Biên Đông.  Đối với Điện lực Điện Biên Đông cùng với việc quản lý các trạm biến áp, đường dây trung, hạ thế nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là nâng cao chất lượng cấp điện và chất lượng phục vụ khách hàng. Ông Lê Ngọc Tuấn giám đốc điện lực Điện Biên Đông cho biết: Xuất phát từ đặc điểm địa bàn quản lý rộng, giao thông đi lại khó khăn nên việc đảm bảo cấp điện thường xuyên, liên tục là thách thức không nhỏ đối với cán bộ điện lực. Đặc biệt là việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây, khắc phục sự cố tại các thôn bản thuộc các xã xa trung tâm huyện như Phình Giàng, Pú Hồng, Háng Lìa, Tìa Dình, Chiềng Sơ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, trong thời gian tới bên cạnh việc thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo đường dây, Điện lực Điện Biên Đông sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành đường dây, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cùng nhiều biện pháp khác nhằm cung ứng điện cho khách hàng ngày một tốt hơn.

Hi vọng với sự quan tâm, đầu tư của nhà nước trong thời gian không xa, ánh sáng điện sẽ về với các thôn bản còn lại trên đại bàn huyện Điện Biên Đông. Và cùng với sự nỗ lực khắc phục mọi khó khăn của tập thể, cán bộ công nhân viên điện lực Điện Biên Đông chất lượng cung cấp điện, phục vụ khách hàng sẽ không ngừng được cải thiện nâng cao. Từ đó, góp phần quan trọng giúp đồng bào nhân dân các dân tộc nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.


 

Chu Linh – Duy Hưng
 

.