Tù lu - môn thể thao ưa thích của đồng bào Mông.

Thứ Năm, 25/01/2018, 07:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với gần 1/3 dân số trong tỉnh, đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên cư trú ở hầu hết các huyện, nhưng tập trung nhiều hơn cả là ở Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo,  Mường Nhé và Nậm Pồ.

Là người am hiểu về văn hóa dân tộc Mông, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc trong huyện, ông Vì A Hao ( huyện Tủa Chùa) cho biết: Dân tộc Mông được chia thành 5 ngành: Mông trắng (Môngz Đơư), Mông Hoa (Môngz Lênhs), Mông đỏ (Môngz Si), Mông Đen (Môngz Đuz), Mông Xanh (Môngz Dua). Người Mông cư trú trên các triền núi cao, tạo thành các thôn, bản, mỗi thôn, bản khoảng 30 đến 80 hộ gia đình, cùng với các dòng họ: Giàng, Thào, Sùng, Vàng, Vì, Vừ, Mùa, Hờ, Li, Lầu, Hạng, Chang, Cứ … chung sống. 

1
Tù lu môn thi đấu trong ngày Hội Văn hóa các dân tộc Tỉnh Điện Biên

 

Hàng năm từ đầu tháng chạp, khi mỗi độ Tết đến, xuân về, người Mông lại nô nức tổ chức các trò chơi như: Ném pao, tù lu, đẩy gậy, bắn nỏ, múa khèn, leo cây...Trong đó trò chơi Tù lu không thể thiếu được trong hội vui này.

Về cách làm và địa điểm chơi Tù lu ông Hao chia sẻ : Tù lu (con quay) phải làm từ loại gỗ cứng như: lim, nghiến, sến có đường kính từ 5 - 10 cm, nặng khoảng nửa cân trở lên. Để đẽo một con quay phải mất vài giờ đồng hồ. Con quay có hai đầu, đầu nhọn có thể đóng một chiếc đinh cứng và đầu kia gọt bằng. Dây quay se bằng sợi lanh, dài khoảng hơn mét nối với một đoạn pàng (gậy) làm bằng cành trúc nhỏ dài khoảng 40 -50 cm. Ngoài con quay cứng, chắc thì dây quay hết sức quan trọng. Dây quay muốn tốt cần có độ chắc và mềm. Người chơi có sức khỏe thì dùng dây dài hơn, còn người yếu hơn thì dùng dây ngắn hơn.

Địa điểm sân chơi thường được chọn một bãi đất rộng, thửa ruộng bậc thang, đối trước đối diện có ta luy cao, để khi chơi Tù lu không bị rơi đi xa, an toàn cho người chơi và những người đến cổ vũ....

Về cách chơi ông giảng dải: Khi chơi, người chơi thường quấn quay theo chiều tay thuận của mình. Có hai hình thức:

Hình thức chơi tự do: Là không phân biệt người chơi và người đánh, nếu đánh trượt thì phải đi quay và người nào đánh trúng thì được đánh tiếp, còn những người quay trước không bị người khác đánh trúng thì lại được đánh.

Hình thức chơi tập thể: Chia đều những người tham gia thành hai đội, mỗi bên có từ 3 người, thậm chí 10 người. Trên một bãi đất rộng bằng phẳng, từng thành viên mỗi đội thả quay để cho đội khác ném quay vào. Nếu trúng vào con quay của đối thủ mà con quay của mình vẫn quay tít thì được tính điểm.

Điểm chú ý là việc thả quay và đánh quay diễn ra qua 3 vòng. Vòng thứ nhất, thả quay cách vạch ném chừng 3 m, tiếp vòng thứ hai thả quay cách vạch đến 6 m, đến vòng thứ ba quay thả cách vạch ném đến 9 m. Vòng ném thứ ba bao giờ cũng là vòng khó nhất chứng tỏ sự khéo léo và sức mạnh của người đàn ông Mông được chứng tỏ chính là ở vòng này. Vì vậy để có thể chiến thắng đối thủ; người chơi cần khéo léo, phán đoán, ước lượng  chính xác.

Về mục đích, ý nghĩa của trò chơi, Ông Vì A Hao nhấn mạnh: Trò chơi tu lu thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, độ chính xác cao, tính phán đoán ước lệ và sự điêu luyện của đôi tay. Thông qua hoạt động chơi Tù  lu chẳng những góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn thể hiện tình đoàn kết, thương yêu nhau giữa các thành viên trong cộng đồng xã, thôn, bản, dòng họ.

Trò chơi Tu lu, ở đồng bào Mông ở mỗi vùng, mỗi địa phương có thể có những yêu cầu khác nhau, nhưng nhìn chung là hướng đến niềm vui, sức khỏe,  sự gắn kết cá nhân và tập thể. Cùng nhau  vượt khó, vững niềm tin theo Đảng, đoàn kết xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa ngay trên bản làng quê hương mình.

Tù lu đã trở thành môn thể thao ưa thích của đồng bào dân tộc Mông ở các huyện vùng cao, biên giới tỉnh Điện Biên)./.
                                                    

 

 

CTV - Đỗ Quang Khải.

.