Tây Bắc... nhớ mùa xôi nếp thơm

Chủ Nhật, 07/02/2016, 18:27 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chưa có nơi nào nói đến tên địa danh lại khiến người nghe cảm thấy xa xôi, diệu vợi như Tây Bắc. Song, cung đường Tây Bắc bây giờ không còn hiểm trở những năm trước, các dốc đá dựng tai mèo thay bằng đường con nhựa phẳng lỳ, đen óng. Lên Tây Bắc mùa này, đồng bào vừa thu hoạch xong vụ lúa mùa, những hạt thóc vàng hình con mắt được xay giã; gói xôi nếp dẻo thơm trong chiếc lá dong lại được đồng bào gửi tiễn người về xuôi...

Diệu vợi... Tây Bắc

Từ Hà Nội, theo cao tốc Láng – Hòa Lạc,  dọc đường 6, hướng Hòa Bình, chúng tôi ngược ngàn “Tây tiến”. Đường số 6 là tuyến đường huyết mạch để tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Nay đường 6 vẫn là con đường thông thương của đồng bào miền núi với các tỉnh miền xuôi.

c
Người Mông tưng bừng xuống chợ.

 

Mẹ tôi, xưa là dân công gánh gạo tiếp tế cho Điện Biên, chỉ lên tới dốc Chồng Mâm huyện Lương Sơn, (tỉnh Hoà Bình) hết gạo, phải xin lương thực của bộ đội để quay về. Theo lời bà kể: Tây Bắc ngày ấy chỉ nghĩ thôi đã thấy sợ; rừng thiêng nước độc, hùm beo gầm rú, đi lại khó khăn, càng đi càng hun hút...
Lại được Quang Dũng, tác giả “Tây tiến” (viết năm 1948), viết thơ như dọa người chưa biết gì về Tây Bắc “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm//Heo hút cồn mây, súng ngửi trời//Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống//Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.” Nghe thế ai không sợ. Súng ngửi trời nghĩa là cao lắm; chênh vênh và thăm thẳm, chỉ sơ sẩy là xuống vực.

Anh bạn tôi đi cùng trầm ngâm: Ngày xưa chỉ có xe thồ, đi bộ, thế mà hàng chục vạn người đã vượt qua hiểm nguy của bom đạn, thú dữ rình rập, bệnh tật, đói khát để làm nên Điện Biên Phủ huyền thoại. Cha ông ta tài tình thật!..

Từ sau giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đến nay, toàn bộ cung đường Tây Bắc như: Đường 6, Quốc lộ 279, Quốc lộ 12, Quốc lộ 4D... (từ Hòa Bình lên Sơn La, Điện Biên sang Lai Châu về Lào Cai, Yên Bái) đã được Nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp và mở rộng; cắt cua nắn thẳng, hạ độ cao, trải nhựa phẳng lỳ như đường ở miền xuôi. Đèo Pha Đin (Điện Biên), đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu), Khau Phạ (Yên Bái) là ba trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc giờ cũng không còn chênh vênh, ngoằn nghoèo hiểm trở như trước nữa. Ai lên Tây Bắc mùa này, đứng trên các đỉnh đèo nhìn xuống những đám mây vắt ngang cổ núi, cung đường như một dải lụa mềm đen lĩnh vắt ngang giữa đại ngàn hoang sơ, hùng vĩ mới thấy mình thật nhỏ bé.

c
Những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai

 

Cũng chính nhờ có những tuyến đường thông suốt gắn liền các tỉnh, nên đồng bào các dân tộc Tây Bắc đời sống khấm khá hơn rất nhiều. Đi trọn một cung đường từ Hòa Bình qua Sơn La lên Điện Biên sang Lai Châu về Lào Cai, Yên Bái đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người đàn bà Mông, Thái, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì... váy áo sặc sỡ bày bán nông sản dọc quốc lộ; ngô, khoai, sắn, táo mèo, mật ong... Ngôn ngữ họ giao tiếp dẫu không hoa mĩ, nhưng cũng đủ làm vốn để trò chuyện, bán hàng. Cùng với đó, hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, trẻ con được đến trường, người già được quan tâm chăm sóc.

... nhớ mùa xôi nếp thơm

Đứng trước núi non hùng vĩ bế bồng nhau chạy mãi, tôi mới thấy mình như đang chinh phục thiên nhiên. Ở nơi đây, mọi thứ đều thân thiện với môi trường; từ cỏ cây hoa lá, đất trời... cho đến con người. Sẽ rất uổng phí nếu lên Tây Bắc không được thưởng thức những món ăn của các chị, các mẹ người dân tộc Thái... Một nét văn hóa đặc trưng của xứ sở này.

Chúng tôi dừng chân ở một số bản người Thái Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, rồi bản Mông ở Lào Cai, Yên Bái. Đồng bào Tây Bắc cho tôi một cảm nhận rất riêng; tất thảy đều mến khách, chân thành. Tuy ngôn ngữ có khác nhau, phong tục có khác nhau nhưng họ có chung một lối sống giản dị và chất phác.

Bữa đó bản Mển, một bản nhỏ thuộc xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Chúng tôi được đắm mình bên những chén rượu nồng cay, mến khách của dân bản. Những món ăn tinh tế mang đậm chất văn hóa ẩm thực Thái như: nộm hoa chuối rừng, nộm hoa đu đủ đực, rêu suối, măng rừng, xôi nếp tan dẻo thơm, thịt trâu hun khói... Rồi cả những món ăn nghe tên thấy lạ như: canh bon nấu da trâu, thịt “xổm lôm” (thịt trộn lá chua), pa pỉnh tộp (cá nướng theo phong tục Thái)... Nhưng ngon hơn cả vẫn là xôi nếp nương ăn với thịt hun khói của đồng bào.

c
Mùa vàng Tây Bắc

 

Để có được hạt gạo dẻo thơm, đồng bào Tây Bắc đã phải trải qua biết bao gian nan vất vả, từ việc canh tác cho đến việc xay, giã. Nếu cánh đồng Mường Thanh thành danh với gạo tám thì đất nương xứ “Mường Trời” lại cho hạt gạo nếp nương tan hạt tròn to như nhộng ong, trắng mượt và thơm dẻo. Ai đã từng ăn xôi nếp Tây Bắc với thịt trâu hun khói vùi tro bếp, có lẽ rất khó có thể quên được dư vị tuyệt vời này.

Ông Lò Văn É, (88 tuổi) ở bản Pa Pe kể: "Xưa cánh đồng Mường Thanh máy bay Pháp trên trời chạy đi chạy lại rồi thả xuống người Tây, súng ống, bom đạn, các cái... Nhưng người dân mình vẫn phải sản xuất để lấy gạo nuôi bộ đội. Giờ cánh đồng Mường Thanh lại nuôi con cháu mình. Ông biết ơn cánh đồng Mường Thanh vì đã nuôi bao thế hệ người Thái. Đặc biệt, chất đất ở đây là sự bào mòn, phong hóa của các ngọn núi cao tạo nên thung lũng rộng 9km2, nên gạo Điện Biên ngon nhất khu vực Tây Bắc này.

Mỗi tỉnh chúng tôi đi qua lại có thêm nhiều câu chuyện vui, buồn của những người dân nơi địa đầu Tổ quốc. Tuy cuộc sống nơi đây còn nhiều gian nan, vất vả nhưng có Đảng soi đường họ sẽ vững tin và hợp sức vươn lên xây dựng quê hương mình, giàu đẹp; cùng đồng lòng giữ gìn phên giậu của Tổ quốc non sông./.

 

Trần Hương
 

.