Nhà sàn Thái trước nguy cơ bê tông hóa

Thứ Năm, 10/09/2015, 17:28 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhà sàn Thái cổ là một trong những kiến trúc mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái Tây Bắc. Nhưng mấy năm trở lại đây, cùng với đổi thay của cuộc sống, nhu cầu sinh hoạt và đô thị hóa, những ngôi nhà sàn truyền thống đang dần mai một, thay vào đó là những ngôi nhà sàn bê tông, cải tiến.

v
Nhà sàn của người Thái hầu như không còn giữ được kiểu dáng truyền thống.

 

Cùng với tốc độ đô thị hoá, tình trạng nhà sàn cải tiến dạng bê tông hoá ngày càng tăng, những ngôi nhà sàn Thái mang kiểu dáng kiến trúc cổ truyền thống đang vắng bóng dần. Đơn cử như bản Pa Lếch, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên có trên 120 hộ dân tộc Thái thì chỉ còn duy nhất 2 hộ làm nhà sàn theo kiến trúc Thái cổ truyền thống, còn lại là nhà sàn cải tiến hoặc nhà xây. Hiện nay, hầu hết những cặp vợ chồng trẻ được gia đình cho ra ở riêng đều xây nhà theo kiểu đơn giản để ở, nếu như làm nhà sàn thì cũng làm theo kiểu dáng mới, ví dụ như cầu thang lên xuống đều được xây bằng gạch, đổ bê tông thay vì làm bằng gỗ như trước kia. Ông Lò Văn Muôn, bản Pa Lếch, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết: "Làm nhà sàn bằng gỗ bây giờ rất tốn kém, chi phí cao hơn so với nhà xây, trong khi đó nguyên vật liệu gỗ để làm nhà rất khan hiếm."

Qua tìm hiểu, hầu hết đồng bào Thái đều rất muốn ở nhà sàn cổ truyền thống. Vì kiểu nhà này có thể phòng tránh rắn, rết và phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt cũng như động đất như Điện Biên. Bên cạnh đó, nhà sàn còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ, thể hiện tôn ti trật tự, phép tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Hơn nữa về ý nghĩa tâm linh, nhà sàn Thái cổ còn là nơi thể hiện phép tắc ứng xử giữa con người với thần linh qua các nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc.

f
Tình trạng làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép đang ngày càng có xu hướng mở rộng.

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhà sàn của người Thái hầu như không còn giữ được kiểu dáng truyền thống. Tình trạng làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép đang ngày càng có xu hướng mở rộng. Không chỉ những ngôi nhà bê tông hóa mà ngay cả các ngôi nhà sàn làm bằng gỗ hiện nay cũng cải tiến hơn nhiều, điều khác biệt dễ nhận thấy nhất là phần mái, trái nhà và cầu thang. Nếu xu hướng này phát triển mạnh, đương nhiên những giá trị văn hóa của người Thái được lưu giữ, truyền đời trong nếp nhà sàn sẽ dần mai một.

Nhà sàn Thái cổ là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, chính vì vậy, bảo tồn và phát huy nếp nhà sàn Thái không chỉ là lưu giữ lại những giá trị văn hoá tốt đẹp cho thế hệ kế tiếp mà còn góp phần không nhỏ tạo nên sắc màu văn hoá riêng biệt cho du lịch của tỉnh. Nhiệm vụ này không chỉ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà cần cả người dân đồng lòng thực hiện./.

 

Duy Sinh – Tuấn Trung

 

.