Trưng bày hiện vật quý về cải cách ruộng đất 1946-1957

Thứ Ba, 09/09/2014, 16:20 [GMT+7]

Công chúng có dịp tiếp cận với gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội).

Sáng 8/9 tại Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957”. Bảo tàng Lịch sử quốc gia lần đầu giới thiệu với công chúng nhiều hiện vật, tài liệu gốc quý hiếm về cuộc vận động cách mạng ruộng đất trong tiến trình lịch sử dân tộc ở nước ta giải đoạn 1946-1957.

Trong không gian trưng bày khoảng 230m2, gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan lưu trữ, các bảo tàng ở Hà Nội và địa phương được giới thiệu tới công chúng. Đây là những tư liệu, hiện vật quý hiếm, chứa đựng nhiều giá trị nội dung lịch sử do Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu nội dung, lựa chọn hiện vật kỹ lưỡng trong nhiều tháng qua được đưa ra trưng bày với quy mô lớn.

1
Một góc trưng bày

 

Các hiện vật được tổ chức có hệ thống theo hai phần chính, trong đó phần 1 phản ánh tình hình ruộng đất, đời sống địa chủ phong kiến và nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Phần 2 làm rõ chủ trương của Đảng, Chính phủ, quá trình Cải cách ruộng đất; những sai lầm, sửa chữa và những thành quả, kết quả mà người nông dân Việt Nam có được sau cải cách ruộng đất.

Nhiều hiện vật quý vốn là đồ dùng sinh hoạt, của cải của tầng lớp địa chủ trước cải cách ruộng đất, nhiều tư liệu liên quan đến chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất được giới thiệu, như đèn, ống điếu hút thuốc phiện của địa chủ; máy ngắm đo ruộng (địa chủ ở Thanh Hóa dùng đo ruộng trước cải cách ruộng đất); thùng hai đáy của địa chủ dùng cho nông dân vay nặng lãi và đòi nợ thóc gạo; thẻ thuế thân của người dân Việt Nam dưới thời thực dân phong kiến…; tái hiện không gian sinh hoạt của bần cố nông và tầng lớp địa chủ trước cải cách ruộng đất…

1
Giấy chứng nhận Quyền sở hữu ruộng đất của Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình cấp cho ông Ngô Thọ ở xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình ngày 22/5/1956


Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khẳng định: “Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng dân chủ ‘long trời lở đất’, mang lại những giá trị to lớn của một xã hội mới, một chế độ mới, một cuộc sống mới cho người dân Việt Nam”.

Cải cách ruộng đất đã tạo ra chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội: Quan hệ sản xuất ở nông thôn được đổi mới, sức sản xuất to lớn ở nông thôn được giải phóng…, tạo điều kiện để Việt Nam bước sang một giai đoạn mới trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) và vào việc củng cố miền Bắc sau khi được hoàn toàn giải phóng.

1
Gia đình anh Lê Văn Luân trước đây đi phiêu bạt khắp nơi đi ở cho địa chủ, sau thắng lợi của cải cách ruộng đất, cha con, vợ chồng đã được sum họp một nhà

 

“Trưng bày đã nói lên một cách cơ bản nhất những thành tựu to lớn mà cải cách ruộng đất mang lại. Đó là cuộc đấu tranh giai cấp, xóa bỏ giai cấp bóc lột và bị bóc lột; là cuộc đấu tranh về tư tưởng, xóa bỏ tư tưởng phong kiến và thay đổi tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó là một cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, người cày có ruộng, và là một cuộc cách mạng dân chủ đóng góp rất lớn vào cuộc cách mạng dân tộc 9 năm kháng chiến trường kỳ thành công, góp phần xây dựng nước Việt Nam độc lập, phát triển. Chúng tôi hy vọng rằng, triển lãm lần này sẽ mang đến cho công chúng cái nhìn đa chiều, toàn diện về công cuộc cải cách ruộng đất”, ông Nguyễn Văn Cường cho biết.

Trưng bày lần này cũng có một nội dung nhỏ về Sửa chữa sai lầm và một số bài học kinh nghiệm qua công cuộc cải cách ruộng đất.

Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957” sẽ kéo dài đến tháng 12/2014./.

 

Cuộc sống xa hoa, sung túc của giai cấp địa chủ trước cải cách ruộng đất
Trang phục của địa chủ Việt Nam
Trái ngược với cuộc sống giàu có của tầng lớp địa chủ, những người nông dân bần hàn phải sống trong những ngôi nhà tranh rách nát
Không gian sinh hoạt của bần cố nông trước cải cách ruộng đất
Trang phục của tầng lớp bần cố nông

Những chiếc áo bông đụp rách rưới, vá víu

Máy ngắm đo ruộng của địa chủ ở Thanh Hóa

Thùng hai đáy, địa chủ dùng cho nông dân vay nặng lãi và đòi nợ thóc gạo

Thẻ thuế thân của người dân Việt Nam dưới thời thực dân phong kiến
Được chia ruộng đất, trồng cấy được mùa, người nông dân phấn khởi đóng góp thuế nông nghiệp
Bà con nông dân phấn khởi mua sắm đồ dùng gia đình
Mâm, bát đĩa người nông dân sắm được sau cải cách ruộng đất
Bữa cơm của gia đình nông dân Phú Thọ sau cải cách ruộng đất
Tượng “Trâu về với chủ” của tác giả Song Văn, sáng tác năm 1960


Trưng bày lần này cũng có một nội dung nhỏ về Sửa chữa sai lầm và một số bài học kinh nghiệm qua công cuộc cải cách ruộng đất

 

 

Theo VOV

.