Còn nhiều bất cập trong kinh doanh xuất bản phẩm

Thứ Tư, 06/11/2013, 15:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm gần đây, sự phát triển của thị trường xuất bản phẩm đã có những đóng góp nhất định trong việc cung cấp sách, báo… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, thị trường xuất bản phẩm cũng bộc lộ nhiều bất cập, như: Các cơ sở phát hành xuất bản phẩm hình thành manh mún, không theo quy hoạch; việc phát triển mạng lưới phát hành tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt một số địa bàn đang rơi vào tình trạng thiếu sách, báo…

Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài và còn được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh trên các vật liệu, phương tiện kỹ thuật khác nhau… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 45 cửa hàng, hiệu sách và điểm bán sách chủ yếu thuộc 2 đơn vị đầu mối phát hành xuất bản chính, đó là Công ty Cổ phần sách - Thiết bị trường học (với 10 cửa hàng, đại lý) và Trung tâm Phát hành sách tỉnh Điện Biên trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (với 35 cửa hàng, đại lý). Loại hình hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm chủ yếu là đơn vị sự nghiệp, công ty cổ phần có vốn Nhà nước và các hộ kinh doanh.

Có thể nói, trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm tiếp tục được duy trì ổn định. Hoạt động phát hành xuất bản phẩm đảm bảo theo đúng định hướng, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (theo Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản). Từ năm 2012 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cấp 80 Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh với số lượng in và phát hành 58.013 bản sách, 186.097 tờ rơi. Các xuất bản phẩm được xuất bản đảm bảo về chất lượng nội dung, hình thức, phần nào đáp ứng được nhu cầu thông tin, tuyên truyền, nghiên cứu và góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân nhân trong tỉnh.

Tuy nhiên, việc phát triển tự phát, không theo quy hoạch, nhằm mục đích lợi nhuận thuần túy nên các cơ sở phát hành xuất bản phẩm chủ yếu được thành lập và hoạt động tại các địa bàn: thành phố Điện Biên Phủ, trung tâm các huyện, thị xã và khu tập trung đông dân cư…

b
Mạng lưới xuất bản phẩm mới chỉ tập trung tại các địa bàn thuận lợi, đông dân cư mà chưa chú trọng tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa.


Bên cạnh đó, với đặc thù là một tỉnh miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển… thì việc đầu tư, duy trì mạng lưới phát hành xuất bản phẩm tại các huyện, thị xã gặp không ít khó khăn. Điều đó đã dẫn đến tình trạng sách không tới được với người dân tại nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 2 huyện chưa có cơ sở phát hành xuất bản phẩm là huyện Nậm Pồ và huyện Mường Nhé. Mặt khác, nhiều cơ sở phát hành xuất bản phẩm hiện nay còn vi phạm các quy định về việc kinh doanh xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp.

Trước tình hình trên, hàng năm Sở TT&TT đều tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ cho Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã, thành phố quản lý các cơ sở phát hành trên địa bàn theo quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan như Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương)… thanh, kiểm tra các cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với 46 lượt tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn thành phố và 3 huyện, thị, lực lượng chức năng đã phát hiện 17 cơ sở chưa thực hiện đúng các quy định và tịch thu gần 288 xuất bản phẩm vi phạm; thực hiện đình chỉ in, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy và đình chỉ kinh doanh xuất bản phẩm thuộc loại lưu hành nội bộ, xuất bản phẩm không có hóa đơn chứng từ hợp pháp... Ngoài ra, thông qua hoạt động thông tin và tuyên truyền nhằm khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản phẩm, như: thực hiện việc biên tập, biên dịch sách, báo, tạp chí, băng đĩa có nội dung sang tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng... và hỗ trợ, thực hiện dự án đưa sách đến với đồng bào tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thông qua các điểm bưu điện văn hóa xã.

Trước những đổi mới của nền kinh tế thị trường, trong thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả phục vụ nhân dân của các điểm phát hành xuất bản phẩm và tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ chế thông thoáng để các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy hoạt động xuất bản... Bên cạnh đó, thiết nghĩ mỗi đơn vị xuất bản cần chủ động vạch ra chiến lược đầu tư, phát triển hoạt động kinh doanh của mình để từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu và thị hiếu của độc giả.

 

Lý Như Quỳnh

.