"Gửi lời xin lỗi" để bước tiếp tương lai

Thứ Sáu, 12/09/2014, 17:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - “Gửi lời xin lỗi” là chủ đề viết thư mà Trại giam Nà Tấu (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng trên địa bàn xã Nà Tấu, huyện Điện Biên) triển khai cho hơn 1.000 phạm nhân đang thi hành án phạt tù tại đây. Trong vòng 6 tháng (từ tháng 3 -  tháng 8/2014), Ban Giám thị Trại giam đã nhận được 988 bức thư của phạm nhân. Lối hành văn, câu từ có thể đơn giản hay trau chuốt nhưng hầu hết các phạm nhân đều bày tỏ sự ăn năn, day dứt về hành vi phạm tội mình đã gây ra và mong được bị hại, thân nhân bị hại… tha thứ; pháp luật khoan hồng để sớm trở về với gia đình, xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, Ban Giám thị Trại giam cho biết, có đến 50% số thư của phạm nhân gửi về cho thân nhân gia đình người bị hại. Mỗi bức thư mang một ý nghĩa, hoàn cảnh khác nhau, đối tượng nhận thư cũng phong phú. Hầu hết, các lá thư đều bày tỏ sự ân hận về những hành vi, việc làm tội lỗi mình dù biết, có thể không nhận được tha thứ, nhưng, tất cả họ đều tin rằng khi đã nói lên được 2 từ “xin lỗi” chân thành, cũng làm vơi đi những mặc cảm tội lỗi. Đó cũng là niềm khích lệ để họ vững bước trên con đường hướng thiện, hoàn lương, để bước tiếp đến tương lai.

c v
Hai trong số rất nhiều những bức thư mà các phạm nhân tại Trại giam Nà Tấu viết với theo chủ đề "gửi lời xin lỗi".

 

Trong bộ quần áo sọc đen, sọc trắng rộng thùng thình, đang tích cực tăng gia lao động sản xuất theo quy định của phân trại, phạm nhân Lý Séo Cú (đội 12, trại giam Nà Tấu) với giọng nói lập bập: “Thưa… thưa cán bộ, cháu phạm tội mua bán người, bị kết án 7 năm 6 tháng tù giam. Được Ban Giám thị trại giam tổ chức viết thư xin lỗi, cháu đã viết thư gửi lời xin lỗi đến bị hại Và Thị Chía (bản Hồ Chim 1, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà) rồi, mong được chị Chía và gia đình chị Chía tha thứ cho”. Đọc bức thư Cú gửi cho chị Chía, phải mất hồi lâu tôi mới dịch và hiểu hết được câu từ mà Cú viết. Nội dung bức thư khá đơn giản, nhưng đều toát lên được ý sám hối, mong muốn được tha thứ để có cơ hội làm lại cuộc đời. Trong thư Cú viết: “… nhưng bên (bây) giờ tôi viết đơn này quan trọng nhất là tôi muốn gia đình và bên thiệt hại thăm (tha) thứ cho tôi… và tôi biết tôi làm sai với chị Và Thị Chía và tôi mong chị và gia đình thăm (tha) thứ những việc đã qua cho tôi để sau này tôi trở về địa phương tôi sẽ rút kỉ nghiện (kinh nghiệm) và không có ý đó, và tôi sẽ thay đổi và có ích cho xã hội, không như ngày đã qua…”. Trước đó, năm 2012, Cú lợi dụng thủ đoạn vờ tán tỉnh, yêu đương chị Và Thị Chía, khi đã lấy được lòng tin của Chía, Cú đã lừa bán Chía sang Trung Quốc làm gái mại dâm.

Không dám hi vọng người nhận thư sẽ tha thứ cho mình, phạm nhân có dáng vẻ gầy gò, nhỏ thó – Vũ Thành Chung (thuộc đội 11, Trại giam Nà Tấu) quyết tâm đặt bút viết thư tạ lỗi với người mẹ – bà Phan Thị Sử (trú tại đội 7, xã Thanh An, huyện Điện Biên) chỉ vì 5 lần 7 lượt không nghe lời mẹ, buôn bán trái phép chất ma túy. Khác với lá thư của phạm nhân Lý Séo Cú, những câu văn trong lá thư với tựa đề “lời con muốn nói” của Chung được chau chút tỉ mỉ, từ ngữ trôi chảy. Chung viết: “Mẹ ơi, vậy mà đã 2 năm 5 tháng 17 ngày, kể từ ngày thêm một lần nữa con lại không nghe lời mẹ, để con lại dấn thân vào con đường lao lí với mức án 7 năm 6 tháng mà tòa đã tuyên phạt con. So với những người phải lĩnh án chung thân hay tử hình thì mức án của con chẳng đáng kể gì, nhưng đối với con nó như tiếng sét bên tai bởi ở cái tuổi của con (Vũ Thành Chung, SN: 1978) không ít người đã thành đạt ở mọi địa vị trong xã hội hay ít ra họ cũng có một gia đình êm ấm để mỗi khi đi đâu hay làm gì thì họ cũng luôn nhớ về tổ ấm của họ dù chỉ là bé nhỏ. Nhưng còn con thì sao, một kẻ không nghề, không nghiệp, không vợ con. Vì vậy mà đã có những lúc con muốn buông xuôi tất cả nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến điều đó là hình ảnh mẹ lại hiện về trong con lại làm con từ bỏ ý định ngu dại đó đi… Và giờ đây, hơn lúc nào hết, con luôn có một tư tưởng ổn định, sức khỏe tốt, luôn hoàn thành định mức được giao, đó cũng là mục tiêu con luôn phấn đấu để sớm được tái hòa nhập cộng đồng và được ở bên mẹ, chăm sóc mẹ, dù biết mẹ chẳng mong chờ gì ở con…”.

c
Phạm nhân Lý Séo Cú tích cực lao động, cải tạo tốt để mong sớm trở về với gia đình, xã hội.

 

Chung là một trong 15 phạm nhân có thành tích xuất sắc trong đợt viết thư “gửi lời xin lỗi”, được Ban Giám thị trại giam khen thưởng. Lần theo địa chỉ mà Chung cung cấp, chúng tôi có mặt tại đội 7, xã Thanh An. Phải mất thời gian hỏi thăm, chúng tôi mới tìm được nhà bà Phan Thị Sử. Trong căn nhà trống rỗng, không có tài sản gì đắt tiền, chúng tôi hỏi: bà đã nhận được thư của con trai mình chưa? bà Sử trả lời có vẻ ngạc nhiên: Thư gì. Các anh bảo thư gì?. Có lẽ vì lý do gì đó bà Sử chưa nhận được thư của con trai mình. Bởi vì hiện nay, tất cả thư của các phạm nhân đều đã được cán bộ trại giam gửi đến theo địa chỉ do phạm nhân cung cấp. Tuy nhiên, bức thư Chung viết gửi cho mẹ, chúng tôi đã kịp “copy” bằng máy ảnh từ Trại giam và đọc cho bà Sử nghe (bà Sử không thể đọc vì mắt bà đã mờ, tay run vì căn bệnh liệt tủy sống 18 năm nay). Nghe chúng tôi đọc, những giọt nước mắt ngắn dài lăn trên khuôn mặt khắc khổ của bà, nhưng dường như đó là những giọt nước mắt vui mừng, bởi sau những lần ra tù vào tội, giờ đây con trai bà đã biết hướng thiện. Trong thư Chung viết: “… trong con bây giờ không còn bóng tối nào che lấp trước mặt, con luôn nhìn thấy những ánh sáng rạng ngời chỉ cần mẹ cho con cơ hội…”.

Trên đây chỉ là hai trong hàng nghìn tình cảm xúc động mà phạm nhân ở Trại giam Nà Tấu gửi gắm đến thân nhân, bị hại và những cơ quan tổ chức mà họ thấy mình có lỗi. Đến nay, Trại giam Nà Tấu đã bắt đầu nhận được những bức thư hồi âm nhờ chuyển đến tay phạm nhân. Hầu hết, những bức thư hồi âm đều thể hiện tấm lòng vị tha của gia đình, người thân, bị hại... Kèm theo đó là những lời động viên các phạm nhân yên tâm cải tạo tốt. Hy vọng rằng, đó sẽ là động lực để các phạm nhân yên tâm cải tạo, sớm trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.

Trao đổi về ý nghĩa chương trình này, Thượng tá Tô Thế Vũ, Phó Giám thị Trại giam Nà Tấu chia sẻ: Viết thư “gửi lời xin lỗi” là một hình thức giáo dục mang đậm chất nhân văn, tính giáo dục đối với các phạm nhân; là cầu nối nhằm xóa mờ nỗi đau cho người bị hại, thân nhân người bị hại và hơn nữa chính những phạm nhân cũng phần nào giảm bớt day dứt, yên tâm cải tạo. “Gửi lời xin lỗi” giúp phạm nhân nhận thức được những sai lầm do mình đã gây ra cho người khác. Qua đó, làm vơi đi cảm giác tội lỗi, những ám ảnh đè nặng bấy lâu nay trong lòng, trong suy nghĩ của phạm nhân, giúp họ tự tin hơn, yên tâm học tập, lao động, cải tạo tiến bộ để sớm trở về tái hòa nhập gia đình, xã hội.

Trong những bức thư gửi lời xin lỗi này, nhiều phạm nhân do trình độ văn hóa thấp nên nét chữ còn nguệch ngoạc, thiếu dấu, sai lỗi chính tả nhưng tất cả câu từ đều chân thành, mộc mạc, thể hiện sự hối cải, sự ân hận về những hành vi mình gây ra. Và đằng sau những bức thư ấy, những lời xin lỗi ấy, là những cuộc đời đang dần hồi sinh...

 

Văn Tâm

.