Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy đến với người dân

Thứ Sáu, 17/01/2014, 17:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới đông dân tộc sinh sống, có tỷ lệ người nghiện ma túy cao nhất, nhì trong cả nước, trong đó người nghiện ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là có rất nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều mắc nghiện. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thì hầu hết số người nghiện này chiếm tới trên 90% là nông dân.
 
Huyện Mường Ảng được chia tách và thành lập theo Nghị định 135 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2007. Từ khi mới được chia tách trên địa bàn huyện mới có 253 người nghiện, đến nay con số đó đã tăng lên 657 người. Trước thực trạng người nghiện ma túy ngày càng tăng cao và trẻ hóa về độ tuổi, trong đó đáng lưu tâm là có cả người nghiện trong độ tuổi vị thành niên và phụ nữ. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện đã phối hợp các ngành chức năng liên quan, tiến hành điều tra, rà soát số người nghiện ma túy để lập hồ sơ quản lý; tiến hành tổ chức nhiều đợt cho người nghiện đi cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện 05 của tỉnh. Đồng thời tổ chức nhiều đợt cai nghiện tại cộng đồng cho người nghiện ma túy có nhu cầu và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để hạn chế, ngăn ngừa và kéo giảm tình trạng mắc các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma túy.   

Tại Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội huyện Điện Biên Đông, cán bộ nhân viên của đơn vị đang tập trung triển khai các phương án xây dựng, thành lập các câu lạc bộ sau cai nghiện để từng bước đi vào hoạt động làm sao cho có hiệu quả cao. Theo số liệu thống kê của Trung tâm, trong năm 2012 và 2013, đơn vị đã rà soát và tiến hành đưa đi cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh 150 người, tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tại các xã Keo Lôm, Chiềng Sơ, Luân Giói và Mường Luân được 150 người.

n
Những đứa trẻ mồ côi, những người phụ nữ đơn thân, những ngôi nhà tuềnh toàng... là những hệ lụy đau lòng do ma túy gây ra ở nhiều địa phương của Điện Biên


Song song với công tác điều trị cắt cơn cho người nghiện ma túy, Trung tâm còn chủ động phối hợp cùng với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, đặc biệt là tác hại của ma túy nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng từ bỏ được ma túy. Trong năm 2013, Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội huyện Điện Biên Đông đã mở 5 lớp tập huấn cho hơn 300 lượt người là trưởng các thôn, bản về Luật phòng, chống ma túy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực sự quan tâm sâu sát, giải quyết công ăn việc làm, tạo điều kiện cho vay vốn, tiến hành thành lập các câu lạc bộ sau cai tại địa phương dung nạp các đối tượng sau cai và những người nghiện ma túy đến sinh hoạt tạo một sân chơi bình đẳng trong xã hội; phối hợp tuyên truyền vận động mọi người dân trong địa bàn giảm kì thị để người nghiện sau cai hòa nhập với cộng đồng.

Trong thời gian qua, huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền hỗ trợ pháp luật trực tiếp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giúp cho đồng bào nâng cao nhận thức và có ý thức chấp hành thực hiện pháp luật đề ra. Tuy nhiên, do điều kiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với với người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra còn phải kể đến những phong tục tập quán lạc hậu, tình trạng du canh du cư, chặt phá rừng, nạn tảo hôn, một bộ phận người dân không biết chữ nên nhận thức, trình độ hiểu biết về pháp luật rất hạn chế dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật không nghiêm. Chính vì vậy, trên địa bàn huyện vẫn còn điểm nóng, tụ điểm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy. Hiện tại huyện có hồ sơ quản lý 1.060 người nghiện (dân tộc Mông 529 người, dân tộc Thái 409 người, dân tộc Khơ Mú 28 người, dân tộc Lào 67 người và dân tộc Kinh 11 người), trong đó có 920 người ở độ tuổi lao động. Số người nghiện ma túy và tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép các chất ma túy chưa có chiều hướng giảm đang là những thách thức đòi hỏi sự bắt tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật phòng, chống ma túy trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

b
Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội Luật gia tỉnh Điện Biên.


Bà Nguyễn Thu Huyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Điện Biên Đông, cho biết: Để tệ nạn ma túy được đẩy lùi, xác định công tác tuyên truyền là mặt trận không thể thiếu trong công tác phòng chống ma túy, huyện đã chú trọng cả bề rộng lẫn chiều sâu chuyển tải bằng nhiều kênh hoạt động đa dạng phong phú, từng bước tiếp cận với đặc điểm của từng vùng dân cư. Các ngành, các đoàn thể thường xuyên mở lớp tập huấn tuyên truyền viên giỏi để làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền ở cơ sở. Bên cạnh đó, huyện phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng nhiều hình thức. Qua đó quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều tin tố giác tội phạm, có nhiều tin liên quan đến ma túy, giúp công an triệt phá nhiều ổ nhóm tụ điểm phức tạp về ma túy.

Trên khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, chúng ta vẫn bắt gặp những mảnh đời bất hạnh, hàng ngàn phụ nữ đơn thân làm chủ hộ gia đình; hàng trăm đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ bơ vơ không nơi nương tựa; những bản làng vắng bóng đàn ông là hệ lụy của vấn nạn ma túy đang là những thách thức không nhỏ đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Xuất phát từ thực tế đó, từ nhiều năm qua, Hội Luật gia tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nông dân nông thôn và phát triển cộng đồng của Hội Luật gia Việt Nam; phối hợp với các Phòng Tư pháp, Hội đồng giáo dục pháp luật, Trung tâm trợ giúp pháp lí và các ngành liên quan như: Công an, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị, Trung tâm dạy nghề; các câu lạc bộ pháp luật thôn, bản ở các huyện: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Ảng... trong 5 năm đã tổ chức 60 buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động cho các thôn bản của 40 xã, thị trấn. Đến nay đã có 85,5% người dân được tuyên truyền giáo dục pháp luật chung, đặc biệt là Luật phòng, chống ma túy và 100% cán bộ cơ sở am hiểu các văn bản pháp luật chuyên ngành. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nên nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, được nâng cao nhận thức, đã am hiểu về luật và thực thi theo luật, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 

Quang Phong – Trọng Lâm

.