Cất tiếng nói cho cà phê Điện Biên

Thứ Sáu, 14/06/2019, 08:14 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đến với Điện Biên, mọi du khách đều biết đến những nông đặc sản nổi tiếng như lúa gạo Mường Thanh, cà phê Mường Ảng. Chất lượng cà phê Mường Ảng có hương vị đặc trưng riêng quyến rũ khó có loại cà phê nào sánh được. Việc xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng đang được cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và Nhân dân địa phương nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho cây cà phê Mường Ảng vẫn đang còn có ý kiến khác nhau trong việc xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng thành thương hiệu cà phê Điện Biên.

Mường Ảng, vùng chuyên canh cây cà phê của tỉnh Điện Biên, có thể nói đây là thủ phủ sản phẩm nổi tiếng của cây công nghiệp cà phê huyện nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung. Mỗi năm huyện Mường Ảng xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế trung bình từ 2.500 đến 6.000 tấn cà phê, chiếm 80% tổng sản lượng cà phê được sản xuất ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

1
Mỗi năm huyện Mường Ảng xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế trung bình từ 2.500 đến 6.000 tấn cà phê

 

Là một người có rất nhiều năm công tác gắn bó với mảnh đất Mường Ảng, ông Bùi Minh Thế nguyên Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy, nguyên là một cán bộ gắn bó lâu năm với vùng đất nông trường Mường Ảng và nay là một công dân của thị trấn huyện lỵ này trực tiếp cùng với bà con nông dân trồng cây cà phê.

Ông rất băn khoăn trăn trở với việc làm sao nhanh chóng xây dựng được thương hiệu cho cây cà phê của huyện Mường Ảng, với mục tiêu và đích hướng đến là làm sao tiêu thụ được sản phẩm cà phê với giá cả tốt nhất, tránh tình trạng được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa hoặc bị tư thương ép giá, để góp phần hình thành được vùng cà phê chuyên canh bền vững. Từ đó, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân yên tâm đầu tư trồng cây cà phê và sống được bằng cây cà phê.

Ông Bùi Minh Thế, người dân khối 4 Thị trấn Mường Ảng cho biết: Theo quan điểm cá nhân đối với việc xây dựng thương hiệu cây cà phê tôi thấy rất là cần thiết, thông qua xây dựng thương hiệu mang lại hiệu quả cao, khi mà xây dựng thương hiệu từng vùng miền thì đều có thương hiệu riêng mình.

Nhưng mà đối với thương hiệu cây cà phê nói chung, huyện Mường Ảng nói riêng thì mục tiêu cuối cùng chúng ta tiêu thụ được cà phê và làm cho người trồng cà phê yên tâm. Do vậy theo quan điểm cá nhân chúng ta nên xây dựng thương hiệu cây cà phê Điện Biên tại sao như vậy: Điện Biên là vùng đất lịch sử, gắn với các địa danh cũng như Điện Biên có nhiều nơi trồng cà phê và đều trồng một loại cà phê ARABICA cả. Do vậy chúng ta nên xây dựng chung một thương hiệu cây cà phê Điện Biên.

1
Cây cà phê phát triển và cho sản phẩm tốt trên đất Mường Ảng


Đồng hành cùng với bà con nông dân trồng cây cà phê, Công ty Cà phê Việt Bắc cũng có mặt tại huyện Mường Ảng ngay từ những ngày đầu chia tách và thành lập huyện tháng 4/ 2007. Công ty Việt Bắc chủ yếu là thu mùa sản phẩm cà phê cho bà con nông dân rồi xuất khẩu ra thị trường Quốc tế.

Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao mức sống cho cán bộ nhân viên trong đơn vị, Công ty đã chủ động xây dựng một hệ thống nhà xưởng, kho chứa, sân bãi để chế biến cà phê tại chỗ, đồng thời, Công ty đã đầu tư hệ thống máy móc theo hệ thống một Lai, một đầu rửa, một máy tách quả, một máy bắn sắc màu, một máy sàng tuyển từ 16 đến 22mm, 3 máy xát vỏ trấu công suất 60 tấn quả tươi/ ngày và đơn vị đã thu mua hơn 70% sản phẩm cà phê quả tươi cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Mường Ảng.

Việc sơ chế cà phê nguyên liệu thô tại địa phương đã nâng cao được giá thành sản phẩm khi xuất khẩu. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Công ty Việt Bắc khi xuất khẩu cà phê muốn được giá thì Công ty vẫn phải phối trộn cùng với các sản phẩm cà phê của các tỉnh Tây Nguyên như: Đắc Lắc, Gia Lai, Đắc Nông, Kon Tum do cà phê Mường Ảng chưa có thương hiệu cụ thể và chỉ dẫn địa lí để nâng cao chất lượng phẩm cấp.
 
Nắm bắt kịp thời tâm lý, sở thích của người tiêu dùng và mức độ sản lượng tiêu thụ cà phê của người dân trong tỉnh, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hải An do ông Trương Văn An làm Giám đốc là người tiên phong trong lĩnh vực chế biến cà phê công nghệ cao, thành phẩm rang xay ở dạng bột với quy mô chế biến khoảng 20 tấn sản phẩm/1 năm để cung cấp cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh nước giải khát trên địa bàn trong tỉnh.

1
Các cơ sở chế biến cà phê hiện nay trên địa bàn đều có quy mô nhỏ theo công nghệ chế biến ướt và không xử lý chất thải đúng quy trình

 

Ông Trương Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Hải An – Mường Ảng cho biết: Trước đây người Pháp cũng đã mang cà phê lên trồng tại đây. Chính vì thế khi khảo sát để đưa sản phẩm cà phê ra thế giới là tốt rồi. Cái thứ 2 là khi mang đến thương hiệu cây cà phê Điện Biên quảng bá của nó nhanh rộng, ai đến Điện Biên cũng muốn mang một sản phẩm của Điện Biên về khi đó Điện Biên có một thương hiệu mang tên của tỉnh nhà về quảng bá tiệu thụ sản phẩm.

Tôi nghĩ nó sẽ thúc đẩy hơn nhiều thương hiệu cà phê Mường Ảng. Cái bất lợi là khi xây dựng thương hiệu cà phê Điện Biên toàn bộ trong qúa trình từ những năm trước trở lại đây mình đều tập trung xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng và bây giờ mình xây dựng thương hiệu cà phê Điện Biên coi như mình làm lại từ đầu.

Phát triển cây cà phê huyện Mường Ảng thời gian qua mới chỉ quan tâm đến vùng nguyên liệu, chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chọn lựa giống, trồng, chăm sóc vườn cây, thu hoạch, chế biến, bảo quản, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chưa được người trồng cà phê quan tâm đúng mức.

Chất lượng cà phê còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Việc thu hái chưa đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Các cơ sở chế biến cà phê hiện nay trên địa bàn đều có quy mô nhỏ theo công nghệ chế biến ướt và không xử lý chất thải đúng quy trình, nhiều cơ sở chế biến chưa đầu tư máy sấy mà phơi trên nền sân bê tông.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Từ nay, đến năm 2020 huyện đang tập trung xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng, góp phần nâng cao vị thế và sức mạnh của sản phẩm trên thị trường và sức cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng giá trị, uy tín của sản phẩm

Quảng bá và giới thiệu cà phê Mường Ảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ và một số ấn phẩm, tạp chí; nâng cao số người hiểu biết nhận thức về sở hữu trí tuệ nói chung và thương hiệu tập thể, khả năng tự bảo vệ quyền của người sản xuất, người sử dụng đối với sản phẩm.

1
Sản phẩm Cà phê Mường Ảng

 

Mường Ảng phấn đấu đến năm 2020 có diện tích cà phê khoảng 4.200ha, sản lượng bình quân 13.500 tấn cà phê trấu/năm; 75% diện tích cà phê được trồng cây che bóng, trong đó 35% diện tích được trồng các loại cây che bóng có giá trị kinh tế cao; mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cà phê cho khoảng 1.000 nông dân/năm

Triển khai áp dụng TCVN 4193:2005 cho 100% sản lượng càphê; tiếp tục phổ biến bộ nguyên tắc chung 4C, bộ tiêu chuẩn UTZ cho người trồng cà phê; khoảng 70% sản lượng cà phê bán ra được giao dịch thông qua Hội Cà phê Mường Ảng; xây dựng vườn cà phê theo hướng vườn cà phê sạch khoảng 75% diện tích.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hiệp có quan điểm cá nhân khi được trao đổi nên xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng hay thương hiệu cà phê Điện Biên, thì ông rất đồng tình ủng hộ với phương án xây dựng thương hiệu cà phê Điện Biên. Bởi vì, khi xây dựng thương hiệu cà phê Điện Biên sẽ mở rộng được quy mô diện tích, sản lượng của các vùng nguyên liệu của cả tỉnh như: Cà phê huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé mà trong đó vùng cà phê chủ lực của huyện Mường Ảng đã chiếm tới 90% diện tích sản lượng.

Việc xây dựng được thương hiệu cà phê Điện Biên, sẽ thu hút được các nhà đầu tư và các hộ nông dân họ yên tâm làm cây cà phê; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê một cách bài bản khoa học.


                                                                       

 

Quang Phong –Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN

.