Mùa cà phê không chín điểm…

Thứ Tư, 06/01/2016, 17:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Người trồng cà phê Mường Ảng vừa trải qua đợt sóng gió; vụ góp đất “ăn chia” với Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa bị đổ bể, khiến nhiều người dân lao đao theo vòng xoáy thị trường và phía Công ty làm ăn thua lỗ. Năm nay, người dân Mường Ảng bớt “đau” bởi mùa cà phê chín rộ. Nỗi vất vả của người trồng cà phê cuối cùng cũng đơm hoa kết trái. Tôi vui mừng nhiều cho sự giàu có đi lên của chính mảnh đất quê hương mình. Bởi một mùa cà phê không chín điểm… ở nơi này.

Tôi đặt chân lên huyện Mường Ảng trời vừa chạng vạng sương sa. Trung tuần tháng 12 tiết trời se lạnh, cái lạnh miền viễn biên như tuôn ra từ ruột núi, kèm theo mùi ngai ngái, hung húc, nhặng đắng của vỏ cà phê tươi người dân tận dụng ủ làm phân bón gốc… Anh bạn đi cùng tôi nói: Mùa này đến Mường Ảng mà không ngửi thấy mùi ngai ngái từ vỏ cà phê thì mới thực sự buồn.

Năm nào, cà phê chín đỏ, trái đều thì mới biết năm đó cà phê được mùa, khi ấy người dân trồng cà phê mới thực sự vui mừng ra mặt. Có năm hoa nở đều, đẹp nhưng gặp phải đợt mưa lớn ngay từ đầu năm cộng với gió Lào hay nắng nóng kéo dài thì gương mặt người làm cà phê ở đây sẽ trở nên héo hắt.  

Ở xứ sở này người ta làm việc như con sóc, mới đêm qua cà phê còn trên nương rẫy, sáng hôm sau đã chất đầy trong lu cở, đổ giữa nhà. Chúng tôi dừng chân nghỉ qua đêm trong nhà một người dân tộc Mông. Bên chén rượu đón khách nồng cay sóng sánh thêm nhiều vỡ vụn, bởi những câu chuyện vui buồn về cây cà phê mà họ đã gắn bó bấy lâu. Chỉ đến khi, mặt trăng trôi về bên kia sườn núi thì câu chuyện cây cà phê không còn là tâm điểm. Tất thảy lặng thinh chìm vào không gian, mặc sức cho hương cà phê lan tỏa. Để rồi khi tôi tỉnh dậy, giữa nền nhà những núi cà phê đỏ au đã chất đầy.

Tôi hỏi anh Lầu A Lử, bản Củ, xã Ảng Nưa: “Năm nay anh được mấy tấn? Mình được gần 30 tấn quả tươi thôi!” Thế được bao nhiêu tiền, tôi hỏi tiếp: “Đợi vợ mình về nhà hỏi đã. Cái này mình không nhớ.” – Rồi anh đỏ mặt gãi đầu cười hiền như con gái.

c
Người dân Mường Ảng đang thu hái cà phê

 

Năm nay, cà phê Mường Ảng trúng vụ. Tổng sản lượng cà phê Mường Ảng năm 2015 đạt 35.000tấn/299ha/tổng số diện tích cà phê đang cho thu hoạch. Đây là con số đáng mừng cho người dân trồng cà phê Mường Ảng. Song cà phê Mường Ảng cũng có chung số phận như bao sản phẩm nông nghiệp khác của người nông dân. Cả năm đau đáu vụ mùa, nhưng rồi lại phải trông đợi thị trường. Cà phê tươi Mường Ảng năm nay giao động từ 5.000 - 5.500đồng/kg. Theo nhẩm tính của anh Lử thì việc thuê người thu hái đã mất 2.000 đồng/kg, cộng thêm với phân bón, công chăm sóc thì rõ ràng người làm vườn đang phải bù lỗ... Ai cũng biết, để có hạt cà phê nằm gọn trong kho nhà không phải như bài toán cộng. Người làm vườn một nắng hai sương từ trồng, bón phân, chăm sóc, làm bồn, tưới tiêu… cuối cùng trừ chi phí cũng mất đi 50% tổng doanh thu. Có ai lao tâm khổ tứ với cây cà phê mới hiểu được nỗi vất vả thăng trầm của người làm vườn khi cây cà phê mất mùa và rớt giá.

Tôi đem câu chuyện giá cà phê chia sẻ với người đứng đầu, Bí thư Huyện ủy Trần Thanh Hà, gan ruột: Công bằng mà nói, những năm qua, cây cà phê Mường Ảng đã cho chúng tôi nhiều bài học kinh nghiệm phát triển nông sản trên địa bàn. Trước mắt, chúng tôi duy trì, phát triển diện tích cà phê hiện có bằng cách, rà soát lại toàn bộ diện tích cây cà phê đã trồng và năm 2016 huyện sẽ không mở rộng diện tích trồng mới cà phê. Cùng với đó, quy hoạch vùng nguyên liệu để hỗ trợ người dân phát triển gồm: Giống cây, phân bón, kỹ thuật và giá thu mua, cước vận chuyển trong vài năm đầu. Hướng lâu dài, huyện sẽ phải xin chủ trương xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Mường Ảng và khuyến khích, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư... Dự kiến sẽ đặt 4 nhà máy xát vỏ cà phê tại các xã có nhiều diện tích cà phê như: Ngối Cáy, Nậm Lịch, Ảng Tở và thị trấn để cải thiện chất lượng cà phê.

Ngừng giây lát, anh chùng giọng kể: Người dân Mường Ảng mấy năm qua cũng được và mất nhiều từ cây cà phê. Năm nay, người trồng cà phê được mùa nhưng lại rớt giá. Hiện, 31.000 đồng/kg cà phê chấu thì rõ ràng người dân lỗ nặng. Ví như cà phê Sơn La chỉ 3kg cà phê tươi sẽ được 1kg cà phê chấu, nhưng riêng Mường Ảng phải 5kg cà phê tươi mới được 1kg cà phê chấu. Bởi cà phê Mường Ảng quả mọng, vỏ dầy nên hạt nhỏ, nặng nước; được cái chất lượng cà phê Mường Ảng vượt trội hơn so với một số vùng lân cận. Như vậy, chỉ cần nhẩm tính sơ sơ người dân Mường Ảng đã bị mất 10 nghìn đồng/1kg cà phê chấu. Đó! Cái đó... là chúng ta phải tính cho dân. Làm sao đưa kỹ thuật hỗ trợ người dân để không mất đi 2kg chênh lệch vì chất lượng làm ra cà phê chấu. Chưa kể thêm việc vận chuyển xa sẽ khiến chất lượng cà phê kém, kéo theo giá thành sẽ hạ.

Song suy xét cho tận cùng thì chính những người trồng cà phê ở Mường Ảng đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trên địa bàn, từ việc thu hái quả đến việc chặt cành, tỉa dặm, làm cỏ, bón phân... Đây chính là nguồn thu chính của lực lượng lao động phổ thông tại địa bàn. Chỉ tính riêng việc thuê hái cà phê 2.000 đồng/kg quả, nhân lên với tổng sản lượng của toàn huyện 35.000 tấn, thì số nhân công nhận được tiền hái cà phê tương đương với con số 70 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận này không chính quyền nào mang lại cho dân mà chính những người trồng cà phê mang lại cho họ nguồn thu ấy. Vậy thì không có lý do gì để chúng tôi không tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển cây cà phê cũng như việc ban hành các chính sách giúp đỡ người dân phát triển cây cà phê tại huyện mình.

Đến đây thì chúng tôi như vỡ òa ra một chân lý...! Anh bạn tôi đi cùng vỗ đùi cha chả: Ông này không biết có trồng cà phê không mà nói hay thật. Có lẽ, chỉ những ai tâm huyết với cây cà phê, gắn bó với cây cà phê mới hiểu được nỗi gian truân vất vả của người trồng cà phê: từ lúc trồng, chăm bón cho đến lúc cà phê thành thương phẩm. Biết bao giọt mồ hôi đổ xuống cho vườn cà phê sai hoa, trĩu quả. Cả những đêm thở dài, trở mình khi nghe đài báo thời tiết chuyển mùa nắng nóng, lo cho cây cà phê được mùa, giữ giá.

Chúng tôi chia tay Mường Ảng trong buổi chiều rất đẹp. Trên đỉnh đèo Tằng Quái, tia nắng cuối ngày vàng vọt đổ dài trên con dốc. Mùi vỏ cà phê ngai ngái quyến hương bay theo triền gió. Vườn cà phê nhà ai chín muộn vẫn đỏ ối trên lưng đèo. Chúng tôi thầm cầu mong cho Mường Ảng mùa cà phê sau “chín rộ” cả trong lòng người làm vườn, để nụ cười không còn gượng gạo khi mỗi lần chúng tôi hỏi đến giá cà phê và cả những nỗ lực của huyện, sẽ mãi là động lực để người làm vườn không quay lưng phụ bạc với cà phê./.

 

Trần Hương
 

.