Tìm ra nguyên nhân hại dong riềng ở Nà Tấu

Thứ Năm, 12/11/2015, 09:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vừa qua, Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã đề cập vấn đề thời gian gần đây, trên một số diện tích trồng dong riềng ở xã Nà Tấu (huyện Điện Biên) xuất hiện loại cây lạ (người dân gọi là cây “độc dong”) mọc xen lẫn vào các gốc dong riềng, ảnh hưởng sự phát triển, năng suất của cây dong riềng.

Được biết, ngay sau đó, cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên đã phối hợp với Trạm Bảo vệ Thực vật huyện đến kiểm tra, phân tích nguyên nhân khiến dong riềng bị héo chết. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, chưa xác định được tên gọi, nguồn gốc của loại cây lạ, cũng như nguyên nhân dong riềng bị chết mà bước đầu nhận định loại cây này có thể có khả năng sản sinh độc tố kìm hãm sự phát triển của dong riềng khiến cây bị chết héo.

Sau khi có kết quả phân tích, nghiên cứu, chúng tôi đến Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Điện Biên để tìm hiểu chính xác hơn về loại cây lạ, cũng như nguyên nhân khiến cây dong bị chết. Trao đổi với ông Trần Sỹ Quân, Trạm phó Trạm Bảo vệ Thực vật huyện được biết: Ngay sau khi khảo sát tại một số nương dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu; kiểm tra, lấy mẫu củ dong riềng bị chết kèm với cây lạ, cán bộ của Trạm đã tiến hành nghiên cứu bằng cách trồng thử nghiệm mẫu củ dong riềng bị chết héo trong điều kiện độ ẩm, nhiệt độ... như ngoài tự nhiên để tìm ra nguyên nhân. Đồng thời, gửi mẫu cây xuống Viện Bảo vệ Thực vật để phân tích, nghiên cứu để sớm tìm biện pháp khắc phục.

x
Hình ảnh nấm bệnh khiến cây dong riềng bị héo chết qua kính hiển vi điện tử.

 

Với những nỗ lực phân tích, nghiên cứu, mới đây, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện đã sử dụng kính hiển vi phân tích mẫu thí nghiệm, đã tìm được nguyên nhân dẫn đến dong riềng héo chết là do nấm bệnh (chưa rõ chủng, loại). Kết quả nghiên cứu tại trạm giống với kết quả nghiên cứu của Viện Bảo vệ Thực vật. Qua đó, có thể khẳng định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng dong riềng héo chết ở xã Nà Tấu không phải do cây lạ mà do nấm bệnh làm cho củ dong bị thối nên thân cây mới héo dần, gốc bẹ ngả màu vàng úa làm cây bị đổ và chết khô.

Ông Nguyễn Sỹ Quân cho biết thêm: Loại cây lạ này xuất hiện nhiều trên nương và mọc lên giống như những loại cỏ dại bình thường khác. Với đặc điểm ưa mọc ở những nơi có độ ẩm cao như gốc cây dong riềng, nên người dân lầm tưởng cây dong chết là do cây lạ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thì loại cây lạ không có khả năng sản sinh độc tố kìm hãm sự phát triển của dong riềng nên không phải là nguyên nhân khiến cây dong bị chết. Song để cây lạ không ăn hết chất dinh dưỡng, cạnh tranh phát triển với cây dong, người dân cần tích cực làm cỏ, vun xới đất hay phun thuốc trừ cỏ. Còn đối với nấm bệnh làm thối củ dong được xác định xuất hiện từ trong mầm giống của cây dong riềng, nhưng không thể quan sát bằng mắt thường mà phải sử dụng kính hiển vi điện tử để quan sát. Loại nấm bệnh này vốn có sẵn trong giống dong. Những năm đầu canh tác, nấm bệnh không phát sinh do chưa thích nghi với môi trường tự nhiên ở nơi trồng mới. Với những diện tích canh tác trồng dong từ 3 năm trở lên, khi gặp điều kiện thuận lợi thì nấm bệnh sẽ phát sinh, còn những diện tích mới canh tác thường không xuất hiện.

Để cây dong riềng không bị chết héo vì nấm bệnh, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện yêu cầu người trồng dong riềng bảo quản giống trong điều kiện thông thoáng, không nên ủ đống mà cần phải làm giàn, giá để nấm bệnh không có điều kiện phát triển. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc theo đúng quy trình, kỹ thuật khi xuống giống như: trồng cây theo rạch đường đồng mức; sử dụng thân cây, lá dong phủ lên gốc dong riềng làm giảm tỷ lệ rửa trôi chất dinh dưỡng trong đất và cần phải tích cực vun xới, làm cỏ, bón phân theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.

Trong thời gian tới, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Điện Biên sẽ phối hợp với Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là hướng dẫn biện pháp bảo quản giống chống nấm bệnh và các loại bệnh hại dong khác; giúp người trồng dong riềng ở Nà Tấu yên tâm phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững.

 

Phạm Quang
 

.