Đấu tranh với chất cấm trong nông sản như chống ma túy

Thứ Năm, 05/11/2015, 22:11 [GMT+7]

Cần phải đấu tranh với những hành vi sản xuất, lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm trong sản phẩm nông nghiệp như đấu tranh chống ma túy.

Tại hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, các đại biểu cho rằng người tiêu dùng đang hoang mang trước các thông tin về việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chứa các chất cấm. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng qua, 55 đoàn thanh tra đã ban hành 1.200 quyết định xử phạt hành chính, với số tiền hơn 21 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng…

Đáng lưu ý là phát hiện 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu hủy tại chỗ hơn 13kg hóa chất Vàng Ô, tịch thu 20kg bột màu trắng nghi là chất cấm Sabutamol….

Các đại biểu cho rằng các sự cố về an toàn thực phẩm thời gian qua chưa được kịp thời xác minh, kiểm chứng đã gây hoang mang cho người dân và làm giảm khả năng tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông lâm thủy sản. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương các cấp và ngành nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ trong xử lý các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong rau, quả, chè, thịt, thủy sản…

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nêu ý kiến: Lạm dụng chất cấm như chất tạo nạc Sabutamol hoặc là Vàng Ô tạo màu vàng da trên gia cầm là hành động phạm pháp cần phải lên án. Đây là những chất cấm sử dụng, bên cạnh việc sử dụng chất này gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng thì còn vi phạm gian lận thương mại lừa dối người tiêu dùng. Vì vậy cần phải đấu tranh với những hành vi sản xuất lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm này như là đấu tranh với buôn bán, sử dụng chất ma túy.

Từ nay đến năm, các đại biểu đề nghị  cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của chất cấm đến sức khỏe người dân, thiệt hại đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Ngành nông nghiệp ưu tiên nhân rộng các mô hình sản xuấttheo chuỗi giá trị nông sản an toàn, phát triển thị trường sản phẩm an toàn có xác nhận tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh nông sản có giá trị gia tăng và an toàn….

Đến nay, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được 72 mô hình chuỗi cung ứng rau, thịt và thủy sản an toàn với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước./.

 

Theo VOV
 

.