Chè Tuyết Shan - Cây xóa đói giảm nghèo ở Tủa Chùa

Thứ Sáu, 06/11/2015, 08:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ tiềm năng và giá trị kinh tế của cây chè Tuyết Shan, trong những năm gần đây bằng những chính sách quan tâm đặc biệt huyện Tủa Chùa đã đầu tư chăm sóc và trồng mới hàng trăm ha để mở rộng diện tích vùng chè nguyên liệu, đây đang được coi là cây xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân vùng chè.

s
Chè Tuyết Shan - Cây xóa đói giảm nghèo ở Tủa Chùa

 

Theo số liệu thống kê, hiện nay huyện Tủa Chùa có gần 600ha diện tích chè, trồng tập trung ở các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn và Sính Phình. Trong đó có gần 30ha với 8.400 cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương ngoài việc bảo tồn, gìn giữ gốc chè cổ thụ, huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các phòng chức năng và các xã tập trung trồng, chăm sóc và triển khai hỗ trợ từ dự án phát triển cây chè trên địa bàn huyện. Theo dự án, UBND huyện sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ gạo, giống, phân bón cho các hộ. Nhờ đó từ năm 2011 đến nay, huyện Tủa Chùa đã trích ngân sách trợ giá 3 nghìn đồng/1kg chè búp tươi nhằm đảm bảo ổn định giá thu mua, khuyến khích các hộ tích cực thu hái tối đa sản lượng, bảo vệ và chăm sóc tốt diện tích chè hiện có, đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè với quy trình sản xuất chè an toàn, đa dạng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Chu Xuân Trường – Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa cho biết: Trong những năm qua được sự quan tâm của tỉnh tạo nhiều cơ chế chính sách thuận lợi để phát triển cây chè Tuyết Shan cho bà con nông dân huyện Tủa Chùa. Cây chè Tuyết Shan thực sự đã mang thương hiệu cho người dân Tủa Chùa đặc biệt việc phát triển trồng cây chè đã đem lại nhiều thu nhập cho bà con từ đó nhiều hộ gia đình xóa đói giảm nghèo

s
Hiện nay, mỗi 1kg chè búp tươi được thu mua với giá 13 nghìn đồng, với diện tích chè như hiện nay, người dân các xã của huyện đã có nguồn thu nhập từ cây chè Tuyết Shan.

 

Hiện nay, các mô hình trồng và chăm sóc chè đã cho thu hoạch và dần mang lại hiệu quả ở nhiều xã thuộc vùng dự án. Điển hình như xã Sín Chải, đây là một trong những địa phương có diện tích lớn, được đánh giá là vùng phát triển mạnh về trồng, chăm sóc và thu nhập chè Tuyết Shan. Hiện xã có gần 95 ha với trên 3.100 cây chè cổ thụ. Sản lượng chè búp tươi hàng năm thu hái được trên 10 tấn. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm và quyền lợi của người dân, cùng với việc phát triển diện tích trồng, huyện Tủa Chùa đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè và hỗ trợ 3 nghìn đồng/1kg chè búp tươi cho người dân. Mỗi 1kg chè búp tươi được thu mua với giá 13 nghìn đồng, với diện tích chè như hiện nay, người dân các xã của huyện đã có nguồn thu nhập từ cây chè Tuyết Shan.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tủa Chùa lần thứ 17 nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra: Tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè lên thêm 200ha. Đồng thời, duy trì thực hiện các chính sách hỗ trợ giúp người dân gắn bó, tiếp tục trồng, phát triển và chăm sóc tốt diện tích chè hiện có. Hiệu quả từ cây chè Tuyết Shan đã khẳng định hướng đi đúng, không chỉ giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, tận dụng những thế mạnh của địa phương mà còn đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân ở các xã vùng chè của huyện Tủa Chùa./.

 


                    Chí Công

.