Người dân không mặn mà trồng mới cà phê

Thứ Năm, 13/08/2015, 10:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau vài ba niên vụ liên tiếp cà phê rớt giá, đầu ra không ổn định, người trồng cà phê trên địa bàn toàn tỉnh chỉ tập trung duy trì, chăm sóc diện tích đã trồng, không mấy mặn mà với việc mở rộng trồng mới.

d
Người dân bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) kiểm tra sâu bệnh trên cây cà phê.

Là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi để phát triển cây cà phê, huyện Tuần Giáo hiện có 526,9ha, trong đó có hơn 220ha đã cho thu hoạch, nhưng việc trồng mới gặp nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Vùng quy hoạch trồng cà phê của huyện là Quài Cang, Quài Nưa và thị trấn Tuần Giáo. Hiện nay, huyện đang đề nghị bổ sung xã Tỏa Tình vào quy hoạch để thuận lợi cho người dân được hưởng chính sách theo Quyết định 02 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn. Theo kế hoạch, năm 2015 huyện Tuần Giáo trồng mới 50ha cây cà phê nhưng do giá cà phê xuống thấp đã ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng diện tích trồng mới của người dân. Năm 2015, tại vùng trọng điểm phát triển cây cà phê của huyện là Quài Nưa, Quài Cang không có hộ dân đăng ký trồng mới; còn tại xã Tỏa Tình, một số hộ trồng mới nhưng do không đăng ký diện tích từ đầu năm nên huyện không bố trí kinh phí hỗ trợ mua cây giống. Giá cà phê xuống thấp, tỉnh lại chưa có chính sách trợ giá, bao tiêu sản phẩm mà chỉ hỗ trợ 50% giá cây giống cho diện tích trồng mới và trồng giặm thì rất khó để bà con thực hiện.

Xã Tỏa Tình hiện có 185ha cà phê, trong đó phần lớn là diện tích trồng  giai đoạn 2012 - 2014, đến năm 2015 diện tích người dân đăng ký trồng mới giảm nhiều. Theo thống kê của xã, người dân trồng mới khoảng 60ha nhưng đến thời điểm này chỉ lác đác một số hộ đào hố, lấp phân. Ông Vừ Gà Nếnh, bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình có hơn 3ha cà phê bước vào giai đoạn thu hoạch cho biết: Giá cà phê xuống thấp hơn so với mọi năm nhưng thuận lợi là địa bàn tiếp giáp với tỉnh Sơn La nên vượt đèo Pha Đin là mang được cà phê xuống bán cho tư thương dưới đó, giá nhỉnh hơn so với bán cho tư thương ở Mường Ảng. Năm nay giá cà phê xuống thấp, hơn 5.000m2 nương gia đình dự kiến chuyển sang trồng cà phê trong năm nay sẽ tạm dừng để tập trung chăm sóc, đầu tư cho diện tích cà phê đã trồng. Gia đình ông Mùa A Dùa, bản Hua Sa B tự ươm cây cà phê giống để trồng gần 1,2ha và bán cho bà con trong vùng. Do ảnh hưởng giá cà phê xuống thấp nên năm nay số cây ươm cũng được điều chỉnh giảm nhiều so với năm trước để tránh tình trạng dư thừa cây giống. Ông Dùa cho biết: Giá cà phê năm 2014 khoảng 38.000 - 40.000 đồng/kg cà phê trấu, tôi dự đoán người dân giảm diện tích trồng mới trong năm nay nên cũng chỉ ươm gần 10.000 cây, giá xuất bán tại vườn là 1.000 đồng/cây.

Tại Mường Ảng - vựa cà phê của tỉnh, dù được giao kế hoạch trồng mới trong năm 2015 là 200ha, nhưng người dân cũng chỉ đăng ký trồng 103ha và đến thời điểm này mới chỉ hơn 70ha được đào hố.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Giá cà phê tư thương thu mua trên địa bàn hiện chỉ bằng khoảng 70% giá bán niên vụ trước, trong khi giá vật tư, phân bón, nhân công đều tăng. Mặt khác, người trồng cà phê khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện do thủ tục khép chặt hơn sau khi Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng phá sản. Chỉ hơn tháng nữa thôi cà phê Mường Ảng bước vào chính vụ nếu giá không khởi sắc thì cuộc sống của hàng nghìn người trồng cà phê trên địa bàn sẽ càng khó khăn.

Theo một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài việc ban hành chính sách đặc thù cho cây cà phê, tỉnh xem xét bố trí kinh phí để quảng bá, giới thiệu sản phẩm giúp người dân. Cùng với đó là có chính sách liên kết, giới thiệu đối tác đủ tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê để bao tiêu sản phẩm... giúp người trồng cà phê yên tâm đầu tư phát triển.

 


 Minh Thùy

.