Điện Biên: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Thứ Tư, 08/07/2015, 10:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với đặc thù là tỉnh miền núi, đời sống của đồng bào các dân tộc chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trong những năm gần đây tỉnh ta đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích các cơ quan chuyên môn cũng như bà con nông dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Sự nỗ lực của những người làm công tác chuyển giao khoa học, công nghệ cũng như bà con nông dân, đã làm nên đổi thay bước đầu trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Đây là động lực để tỉnh thực hiện các mục tiêu lâu dài vềa xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Là tỉnh có 8/10 huyện, thị, thành phố nằm trên khu vực địa hình đồi núi dốc, đất ruộng ít ỏi, nên sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục khó khăn này trong những năm gần đây tỉnh ta thực hiện chủ trương quy hoạch vùng sản xuất, tìm giống cây, con mới phù hợp với từng vùng đất, giúp cho nhiều địa phương thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập. Để có được những thay đổi đáng mừng này, đã có sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống cây trồng và chuyển giao khoa học, công nghệ, cùng với sự quyết tâm của bà con nông dân.

Sau nhiều chuyến khảo nghiệm và thực hiện thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp trên khu vực các xã, huyện vùng cao như xã Tỏa Tình, Tênh Phông của huyện Tuần Giáo, các xã phía Bắc của huyện Tủa Chùa, Công ty cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên và một số đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp, đã tham mưu cho tỉnh và trực tiếp bắt tay vào việc nhân rộng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Kết quả cho thấy công tác khảo nghiệm của các đơn vị này đã giúp cho địa phương phát hiện được những giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tiêu biểu như mô hình trồng cây cà phê, cây táo mèo ở xã Tỏa Tình, mô hình trồng sa nhân, thảo quả ở xã Tênh Phông và mô hình sản xuất chè chất lượng cao ở các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa. Hiện nay các loại cây trồng vốn được phát hiện và nhân rộng từ mô hình khảo nghiệm này, đã và đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân một số xã vùng cao. Các mô hình khảo nghiệm được nhân rộng, cũng góp phần phá vỡ tình trạng độc canh cây lương thực kém hiệu quả ở vùng có điều kiện sản xuất khó khăn. Công tác nghiên cứu, khảo nghiệm và tuyển chọn giống cây trồng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục Công ty cổ phần Giống Điện Biên thực hiện trong nhiều năm nay.

Ông Phạn Ngọc Toàn – Giám đốc Công ty cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên cho biết: Trong giai đoạn vừa qua Công ty đã sản xuất trên 80 % lượng giống cung ứng trên địa bàn toàn tỉnh, thông qua sản xuất giống tại chỗ đã tạo điều kiện cho hàng vạn nông dân trong tỉnh tham gia sản xuất giống, ngoài sản xuất giống tại chỗ Công ty còn tham gia rất nhiều đề tài dự án, công nghệ cấp tỉnh cấp nhà nước nhiều đề tài dự án rất giá trị như dự án sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu tại Điện Biên.

Có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, từ lâu bà con nhân dân vùng lòng chảo Điện Biên đã được tiếp cận với các biện pháp canh tác tiến bộ. Cơ cấu cây trồng ở khu vực này hiện nay khá đa dạng. Sản xuất lương thực, hoa màu không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Đây là thời điểm thích hợp để đưa các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng. Mô hình sản xuất thành công nhất hiện nay ở vùng lòng chảo là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao.

Hai giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7, được Công ty giống nông nghiệp Điện Biên khảo nghiệm, phát triển từ những năm 1985 – 1990, nay đã trở thành hai giống lúa chính đưa vào sản xuất lúa gạo thương hiệu Điện Biên. Để xây dựng được thương hiệu lúa gạo Điện Biên chất lượng cao, trong suốt 30 năm qua, những người làm công tác nghiên cứu khảo nghiệm và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất lúa gạo của Điện Biên, đã dày công tìm hiểu và thực hiện các biện pháp duy trì, phục tráng và nhân giống lúa thuần chủng.

d
Cánh đồng sản xuất lúa siêu nguyên chủng của Trại giống lúa Điện Biên

Cánh đồng sản xuất lúa siêu nguyên chủng của Trại giống lúa Điện Biên. Toàn bộ khu vực rộng gần 10 ha chỉ trồng giống lúa Bắc thơm số 7. Quy trình sản xuất giống siêu nguyên chủng bắt buộc người sản xuất phải thực hiện việc loại tạp trong từng giai đoạn khác nhau. Những hạt giống siêu nguyên chủng được chọn lựa tại đây sẽ được tiếp tục đưa vào quy trình sản xuất giống nguyên chủng, giống xác nhận và đưa vào sản xuất đại trà. Mỗi năm Trại giống lúa Điện Biên sản xuất được khoảng 400 tấn giống lúa nguyên chủng và giống xác nhận, phục vụ gieo cấy tại khu vực lòng chảo Điện Biên. Để đảm bảo cung ứng giống chất lượng cao cho vùng lòng chảo và các địa phương khác trên toàn tỉnh, Trại giống lúa Điện Biên đã liên kết sản xuất giống xác nhận với nông dân ở các xã Thanh An, Thanh Chăn, Thanh Yên. Thanh Chăn là xã có diện tích sản xuất giống xác nhận lớn nhất trong khu vực. Riêng đội 1 Thanh Chăn có tới 21 ha sản xuất giống xác nhận, liên kết với Trại giống lúa Điện Biên. Nông dân Điện Biên giờ đây không chỉ là chủ nhân của thương hiệu gạo Điện Biên, mà còn trở thành những người có vai trò quan trọng duy trì và phục tráng giống lúa siêu nguyên chủng chất lượng cao.

Gần đây nông dân ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh còn phát triển  mô hình sản xuất, kinh doanh nấm quy mô hộ gia đình, có hiệu quả kinh tế khá. Nghề trồng nấm trở thành nghề mới, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng của ngành trồng trọt nhờ sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp.

d
Trồng nấm ăn và tới đây là phát triển nghề trồng nấm dược liệu, đang là mô hình kinh tế được bà con nông dân tỉnh Điện Biên quan tâm. Đây là kết quả bước đầu của quá trình nghiên cứu, thử nghiệm trồng các loại nấm trên địa bàn tỉnh Điện Biên, mà Trung Nấm Điện Biên là đơn vị đóng vai trò chủ đạo

Mô hình sản xuất nấm rơm quy mô nhỏ của gia đình chị Lò Thị Bình, bản Noong Ứng, xã Thanh An, huyện Điện Biên. Được Trung tâm nấm Điện Biên chuyển giao công nghệ, chị Bình đã tận dụng khoảng đất trống của gia đình để trồng nấm rơm. Với diện tích nhỏ chưa đầy 10m2, chị Bình làm được 8 đến 10 luống nấm. Thời vụ thu hái nấm rơm khá ngắn, chỉ khoảng 7 đến 10 ngày, tuy nhiên loại nấm này lại có thể trồng quanh năm, nên hết vụ nấm này bà con nông dân có thể trồng ngay vụ kế tiếp. Đầu tư ít, hiệu quả cao, lại không lãng phí phụ phẩm nông nghiệp và bảo vệ môi trường, nghề trồng nấm rơm đang được đông đảo bà nông dân quan tâm.

Bên cạnh nghề trồng nấm rơm, gần đây nông dân ở khắp các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh ta cũng rất hào hứng với nghề trồng Nấm Sò. Hàng năm Trung tâm Nấm Điện Biên chuyển giao công nghệ và cung cấp hàng triệu bịch giống nấm cho khắp các địa bàn trong tỉnh. Nấm Sò do chính nông dân Điện Biên sản xuất đã có mặt ở nhiều huyện, thị, thành phố trong tỉnh như: huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay… Nói về tính kinh tế của việc trồng Nấm Sò, bà Lò Thị Pấng, một nông dân trồng Nấm Sò quy mô hộ gia đình ở bản Noong Ứng, xã Thanh An cho biết: Khâu chăm sóc Nấm Sò không khó rất đơn giản, một ngày tưới 2 lần buổi sáng tầm 8 đến 9 giờ, buổi chiều tầm 4 giờ. Ngày nào dâm mát thu hoạch được nhiều ra nấm nhiều, ngày nào nắng được tầm 5 đến 6 cân.

Có thể nói những năm gần đây chủ trương đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các nghiên cứu, thử nghiệm mới, không chỉ giúp tỉnh tìm ra nhiều loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của các khu vực khác nhau. Những nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo này, còn giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn và sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, cung cấp cho thị trường. Đây chính là động lực để tỉnh ta xây dựng nền sản xuất nông nghiệp với cơ cấu đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

 

 

    Minh Giang – Anh Tuấn

.