Hàng giả tung hoành - nỗi lo thật của người tiêu dùng

Thứ Hai, 15/06/2015, 16:15 [GMT+7]

Hàng giả tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng người tiêu dùng, tuy nhiên việc xử lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục vụ buôn bán, sản xuất hàng giả từ những mặt hàng như phân bón, thực phẩm cho đến thuốc chữa bệnh.

Hàng giả tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng người tiêu dùng, tuy nhiên việc xử lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, thực phẩm chức năng giả vẫn xuất hiện tại hầu hết các tỉnh trên cả nước. Các đối tượng sản xuất thực phẩm chức năng giả, bao bì giả, thậm chí cả tem chống hàng giả. Do là mặt hàng có giá thành cao, nên các đối tượng làm hàng giả thường tập trung vào loại mặt hàng này, với thủ đoạn tinh vi phức tạp. Có trường hợp hàng giả làm ở nước ngoài, sau đó nhập lậu về Việt Nam để tiêu thụ.

Điển hình như mới đây, Phòng cảnh sát kinh tế phối hợp cùng Phòng cảnh sát môi trường, Công an Thành phố Hà Nội đã tiến hành khám xét khẩn cấp Công ty TNHH đầu tư phát triển y tế và hóa chất VQ Tech, ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội do Trần Như Quỳnh làm giám đốc, thu khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng giả, với nhiều nhãn mác nước ngoài hiệu: Sữa ong chúa Costar, Royal Jelly, Omega 3...

Tại Cơ quan cảnh sát điều tra, Trần Như Quỳnh khai nhận hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ tháng 10/2014 đến nay. Theo Trung tá Kiều Hữu Việt, Phó đội trưởng Đội chống hàng giả, hàng lậu, Phòng cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội thì các đối tượng này dùng thủ đoạn thành lập công ty với chức năng kinh doanh thực phẩm chức năng, có đăng ký kinh doanh và công bố chất lượng sản phẩm tại Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng sau đó đặt in tem nhãn làm hàng giả tung ra thị trường.

Để khám phá, xử lý vi phạm làm hàng giả, lực lượng công an hiện gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có công tác giám định vì chỉ riêng một thành phần giám định đã mất 2 triệu đồng.

Một vụ điển hình khác, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp cùng với lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra nhà máy sản xuất phân bón - Công ty cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận Phong tại địa chỉ khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai phát hiện hơn 1 tấn phân bón, hóa chất mang thương hiệu Madein USA làm giả chính hãng.

Ông Trần Hùng, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương cho biết, vi phạm làm phân bón giả xảy ra nhiều địa phương, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, mưu sinh của người nông dân, tuy nhiên sự phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn chưa chặt chẽ.

"Chúng tôi thống kê tất cả vụ việc xử lý hàng giả vấn đề đưa ra truy tố, xét xử chưa được nhiều. Vì vậy chúng ta phải xem xét vấn đề ấy đủ sức răn đe chưa. Cũng có những bất cập, khó khăn  cho các lực lượng khi khám phá điều tra xử lý các đối tượng làm phân bón giả, đặc biệt là khâu tiêu hủy. Thì khi tiêu hủy thì không phải ai cũng tiêu hủy được vì rất độc hại, chỉ có những đơn vị đủ chức năng thì mới tiêu hủy"- ông Trần Hùng nói.

Nạn hàng giả diễn ra hết sức phức tạp ở nước ta, nhiều vụ việc điển hình như trưng cất mỡ nước từ mỡ thải, bì lợn thối nhập khẩu để làm nem chua, thậm chí thuốc chữa tai biến cũng bị các đối tượng làm giả, gây ảnh ưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng số vụ việc được khởi tố vẫn còn hạn chế và chưa được xử lý mạnh tay./.

 

Theo VOV
 

.