Triển vọng cải tạo vườn tạp từ giống nhãn chín muộn

Thứ Sáu, 03/07/2015, 15:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ông Trần Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) cho biết: Hiện toàn xã Thanh Chăn có hơn 4.000 cây nhãn cho năng suất, chất lượng quả thấp, giá bán cũng không cao do thoái hóa và chín tập trung. Năm 2011, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), xã Thanh Chăn triển khai cho nhiều hộ dân đăng ký ghép thử nghiệm giống nhãn chín muộn thay thế các giống nhãn nước, nhãn thóc có chất lượng quả thấp.

Kết quả là giống nhãn chín muộn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm đầu triển khai ghép thử nghiệm chỉ có vài hộ tham gia ghép với hơn 10 cây nhãn gốc. Có nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả của giống nhãn này nên chỉ ghép nửa cây. Sau thấy nhãn chín muộn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn đăng ký ghép cải tạo vườn nhãn gia đình với giá 15 nghìn đồng/mắt ghép. Năm 2014, cán bộ khuyến nông xã Thanh Chăn tiến hành ghép thêm 135 cây nhãn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám cơ sở, hướng dẫn người dân thực hiện việc trồng, ghép và chăm sóc cây theo đúng quy trình kỹ thuật. Cũng trong năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cắt cành, chăm bón giống nhãn muộn cho hơn 50 người là trưởng thôn, trưởng bản, cán bộ khuyến nông xã và đại diện các hộ dân trồng nhãn trên địa bàn. Qua đó, người dân có cơ hội tìm hiểu về mô hình ghép cải tạo vườn nhãn bằng giống nhãn chín muộn ở một số địa phương tiến hành ghép có kết quả khả quan như: Sơn La, Hưng Yên... Theo dự kiến, tháng 10/2015, người dân trong xã sẽ đốn cành và đến tháng 4/2016 sẽ tiếp tục tiến hành ghép hơn 3.000 mắt nhãn chín muộn cho 150 cây nhãn gốc trong toàn xã.

x
Cây nhãn chín muộn của gia đình ông Đặng Đình Công, đội 10B, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên ra quả nhiều và to, chất lượng quả tốt.

 

Giống như các hộ dân khác trong xã, trước đây, vườn nhãn của gia đình ông Đặng Đình Công, đội 10B, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) trồng tạp nham nhiều giống nhãn khác nhau, hầu hết là nhãn thóc, nhãn nước. Sau vài năm thu hoạch, vườn nhãn cho năng suất, chất lượng quả thấp, giá bán chẳng được bao nhiêu, thậm chí không bán được vì quả quá nhỏ, cùi mỏng, hạt to. Năm 2011, ông Công tham gia ghép giống nhãn chín muộn trên những gốc nhãn chất lượng kém trong vườn nhà. Được sự hướng dẫn cách chăm sóc cây theo từng giai đoạn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay các gốc ghép trong vườn nhãn của gia đình ông Công đã cho ra trái. Với lượng quả nhiều và to, ước tính tới kỳ thu hoạch sẽ cho năng suất không dưới 50kg/gốc. Với giá bán 40 nghìn đồng/kg như thời điểm năm 2014, gia đình ông Công dự tính sẽ thu nhập hơn 1 triệu đồng/cây, sau khi đã trừ chi phí.

Anh Hoàng Văn Đại, đội 10A, thôn Thanh Hồng là chủ hộ được chọn triển khai mô hình ghép nhãn cho biết: 5 năm trước đây, cả vườn nhãn mấy chục cây của gia đình đến vụ thu hoạch chỉ được hơn 1 tạ, mà chất lượng quả rất kém. Năm 2013, cán bộ khuyến nông xã vận động đốn cây, ghép mắt nhãn chín muộn, anh Đại có phần băn khoăn về hiệu quả của giống nhãn này. Qua tìm hiểu những hộ dân đã trồng giống nhãn chín muộn được biết là loại nhãn này có chất lượng quả tốt, hiệu quả kinh tế cao, anh Đại đã đăng ký ghép thử 3 cây, đến nay, cây ghép phát triển tốt chuẩn bị ra quả. Năm 2014, anh Đại tiếp tục đăng ký để được ghép 10 cây, góp phần nhân rộng giống nhãn mới trên địa bàn xã./.

 

Phạm Quang
 

.