Trồng rừng phòng hộ năm 2014

Khó thực hiện vì vốn phân bổ muộn!

Thứ Hai, 06/10/2014, 18:45 [GMT+7]

Điện Biên TV - Rừng phòng hộ không chỉ bảo vệ nguồn nước, hạn chế thiên tai mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, trồng mới rừng phòng hộ là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, bất cập nên mùa trồng rừng năm 2014 kết thúc hơn 1 tháng nhưng diện tích trồng mới rất khiêm tốn so với kế hoạch giao (hơn 30%).
    
Năm 2014, toàn tỉnh có 3 đơn vị được giao nhiệm vụ trồng rừng phòng hộ tập trung, đó là: Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Điện Biên, Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Mường Chà và Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo với tổng diện tích 296ha. Trong đó, ban quản lý dự án rừng phòng hộ của huyện Điện Biên và Mường Chà đảm nhiệm kế hoạch nhiều nhất, mỗi ban trồng 100ha, còn lại Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo trồng 96ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, duy nhất chỉ có Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo trồng 101,2ha, vượt kế hoạch giao 5,2ha. Còn lại 2 ban của huyện Điện Biên và Mường Chà kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ vẫn còn nằm… trên giấy!

b
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm kiểm tra chất lượng cây giống trước khi giao cho người dân.


Là đơn vị duy nhất hoàn thành vượt kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ năm 2014, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Đảm bảo kế hoạch trồng rừng, Ban đã chủ động gieo ươm trên 200.000 cây thông từ hơn 1 năm trước. Theo đó, 100% thông giống đưa vào trồng vụ này đều sau ươm 18 tháng, chiều cao từ 50cm trở lên. Cùng với đó, Ban đã cử cán bộ xuống từng địa bàn vận động nhân dân đăng ký trồng rừng, xác định diện tích, loại đất đưa vào trồng. Trên cơ sở kế hoạch giao, toàn bộ diện tích trồng mới, Ban tập trung trồng tại xã Quài Tở để thuận lợi cho việc bảo vệ, chăm sóc về sau. Tuy nhiên, quá trình vận động nhân dân trồng rừng gặp không ít khó khăn, bởi thời điểm bắt đầu trồng rừng, Ban chưa nhận được quyết định phân bổ vốn mà chỉ có kế hoạch giao khối lượng từ cuối năm 2013. Song nhờ làm tốt việc vận động, nên người dân tích cực tham gia trồng mới. Vì vậy, sau gần 2 tháng bắt tay vào trồng, toàn bộ diện tích trồng mới đã hoàn thành trước ngày 20/6 với tổng diện tích 101,2ha. Ông Nguyễn Duy Minh tâm sự: “Quyết tâm trồng rừng thì vận động nhân dân làm vậy thôi, chứ thực lòng chúng tôi vừa làm vừa… run. Vì trong trường hợp không được phân bổ vốn năm 2014 thì Ban cũng chưa biết lấy tiền đâu để trả cho người trồng rừng theo quy định!”
    
Theo bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó phụ trách Chi cục Lâm nghiệp, mùa trồng rừng trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ cuối tháng 5 và thường kết thúc vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, trồng rừng là cả quy trình phải chuẩn bị đất, cây giống, đặc biệt là đối với cây giống phải gieo ươm trước đó ít nhất nửa năm, thậm chí có loại phải gieo ươm trước 1,5 năm mới đủ tiêu chuẩn đưa vào trồng. Đơn cử, đối với thông - loại cây chủ lực trồng rừng phòng hộ, trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt ở tỉnh ta thì sau ươm 18 tháng mới đảm bảo để đưa vào trồng. Dù Chi cục rất tích cực chỉ đạo, đôn đốc các ban quản lý dự án rừng phòng hộ được giao kế hoạch trồng mới vận động nhân dân trồng rừng, lập hồ sơ thiết kế đảm bảo đúng địa điểm, đối tượng đất quy hoạch rừng phòng hộ. Nhưng trên thực tế, kế hoạch giao vốn trồng rừng tập trung của Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững năm 2014 do Trung ương phân bổ chậm, nên công tác trồng mới gặp khó khăn. Lật tìm văn bản, quyết định giao vốn thực hiện trong cả tập hồ sơ dày cộp liên quan đến công tác trồng rừng, bà Hiền phân tích: Theo Quyết định số 522 của UBND tỉnh về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững năm 2014 ngày 11/7, tức là quyết định được ban hành khi mùa trồng rừng đã bắt đầu hơn 1 tháng dẫn đến các đơn vị không có cơ sở để thực hiện công tác trồng mới, khi mà đơn vị không hoàn thành kế hoạch giao Chi cục cũng không thể xử lý!
    
Bà Đặng Thị Thu Hiền lý giải, có vốn thì các ban quản lý dự án rừng phòng hộ mới chủ động được kế hoạch gieo ươm cây giống hoặc ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất cây giống. Và khi được giao vốn thì các ban cũng mới đủ cơ sở để vận động nhân dân trồng rừng, vì không thể chỉ hô hào vận động… suông, trong khi đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Cũng theo Quyết định 522 của UBND tỉnh, năm 2014 hạng mục trồng rừng phòng hộ được phân bổ hơn 2,45 tỷ đồng nhưng do giao muộn sẽ dẫn đến nghịch lý tiền có nhưng… khó tiêu, trong khi trồng rừng phòng hộ là nhiệm vụ cần được quan tâm hàng đầu thì lại không thể thực hiện.

 

Minh Thùy

.