Khó khăn trong duy trì mô hình nuôi vịt an toàn sinh học ở Tả Phìn

Thứ Năm, 21/11/2013, 17:28 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tả Phìn là một trong các xã của huyện Tủa Chùa được hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình 135 giai đoạn II. Trong thời gian vừa qua, huyện Tủa Chùa đã triển khai mô hình mô nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn các thôn Háng Sung I, Háng Sung II... Bước đầu mô hình đã thu được kết quả nhất định, tuy nhiên khả năng duy trì và nhân rộng mô hình này lại khó thực hiện được.

v

Chúng tôi đến Tả Phìn vào đúng mùa gặt, cả xã khoác lên mình sắc vàng tươi của lúa chín. Đây đó, những người phụ nữ Mông đang thoăn thoắt gặt những bông lúa nặng trĩu trên những bậc thang vàng. Là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tủa Chùa, đời sống của bà con nhân dân Tả Phìn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do trình độ dân trí không đồng đều, bà con chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất, hiệu quả sử dụng vốn và các công trình đầu tư chưa cao. Thêm vào đó, khí hậu diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của bà con. Đường giao thông đi lại chủ yếu là đường đất, ở một số thôn người dân vẫn còn phải đi bộ từ nhà ra trung tâm xã. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã là 60,2%, hộ cận nghèo 12,9%, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất là rất cần thiết đối với bà con nhân dân.

Từ trước đến nay người dân chăn nuôi vịt theo tập quán thả rông trên ao hoặc đồng ruộng khi đã thu hoạch xong lúa nhằm tận thu lượng lúa rơi vãi và cua, ốc. Việc chăn thả như thế sẽ tốn nhiều công quản lý, chăm sóc và chỉ tận dụng được trong giai đoạn ngắn. Mặt khác, phương pháp này rất dễ phát sinh dịch bệnh. Do vậy, giải pháp chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường sẽ đáp ứng được những yêu cầu cấp bách trong giai đoạn phát triển hiện nay. Khi mô hình nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học thuộc chương trình hỗ trợ sản xuất 135 giai đoạn II được Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Tủa Chùa triển khai trên địa bàn xã, nhằm phục vụ sản xuất phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nên được đông đảo bà con đồng tình ủng hộ. 75 hộ gia đình ở thôn Háng Sung I, Háng Sung II được cấp gần 1.900 vịt giống để nuôi. Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện cũng tổ chức tập huấn cho các hộ gia đình này về tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi vịt bầu cánh trắng, cách theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của đàn vịt, vận động người dân làm chuồng trại, máng ăn, uống cho đàn vịt… Ngoài ra, mỗi hộ còn được cấp thức ăn và vácxin tiêm phòng vịt. Anh Mùa A Đông – cán bộ khuyến nông xã Tả Phìn tâm sự: Kinh tế gia đình của người dân ở đây còn rất khó khăn nên chuồng trại sơ sài, thức ăn và thuốc thú y không đủ. Do vậy, khi mô hình nuôi vịt thịt theo phương pháp an toàn sinh học được triển khai, bà con rất vui mừng. Bởi họ vừa được cấp giống, cấp thức ăn, vácxin tiêm phòng vừa được học cách chăm sóc giúp đàn vịt phát triển nhanh, ít dịch bệnh. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã thu được một số kết quả nhất định. Các hộ tham gia nắm được kiến thức về an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vịt ở mức cao nhất, tạo ra sản phẩm sạch và không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ các hộ có tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng tiếp thu và tuân thủ quy trình kỹ thuật, thực hiện đúng những điều đã cam kết như đảm bảo yêu cầu về nhiệt độ, thức ăn, nước uống, đảm bảo công tác vệ sinh thú y, quy trình phòng bệnh đúng kỹ thuật… nên tỷ lệ vịt sống khá cao. Qua đó, phần nào đã tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật mới, với cách làm ăn mới, từ đó góp phần thay đổi nhận thức và tập quán chăn nuôi lạc hậu, phụ thuộc vào thả rông. Người dân biết cách úm và chăm sóc vịt bầu cánh trắng cho năng suất cao, các loại thức ăn cho tăng tỷ trọng nhanh. Việc nuôi vịt an toàn sinh học này không tốn nhiều công chăm sóc, vốn ít; nó giúp người dân loại bỏ nhiều nguy cơ tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh; giúp hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vì vậy, mô hình này cần được nhân rộng. Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng mô hình này gặp phải không ít khó khăn.

v
Giống và hướng ra cho sản phẩm đang là những trở ngại cho con vịt an toàn sinh học ở vùng cao Tả Phìn.


Vịt là loài thủy cầm có tập tính bơi lội dưới nước và tìm bắt mồi để làm thức ăn. Thức ăn của vịt là những loài động vật phù du, tôm, tép, cua, ốc và các loại côn trùng … Với tập tính này, vịt sẽ bơi lội tự do trong ao hay đồng ruộng. Vịt có thói quen ăn xong là bơi lội và rỉa lông. Do nuôi chăn thả và bơi lội tự do nên vịt có khuynh hướng uống nước ngay nơi tắm và bơi lội. Vì vậy, môi trường nước trên ao, đồng ruộng đang chăn thả vịt phải sạch, không bị nhiễm bẩn. Đặc biệt là không bị ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Do vịt tìm bắt mồi có sẵn trong đồng ruộng nên việc bổ sung thêm thức ăn cho vịt cũng không đáng kể. Tuy nhiên, với đặc điểm là xã vùng cao, Tả Phìn đang đối mặt với việc thiếu nước. Ngay cả ở khu trung tâm xã cũng đang thiếu nước nhất là vào mùa khô. Vì vậy, để duy trì việc nuôi vịt trong ao, đồng ruộng có nước là rất khó khăn. Là một trong những hộ tham gia mô hình tại xã Tả Phìn, anh Sùng A Nhè cho biết, trước đây chưa có mô hình anh cũng đã nuôi vịt nhưng là giống vịt cỏ nên chậm lớn. Hơn nữa, nuôi vịt theo phương thức truyền thống là chăn thả tự do nên đàn vịt hay mắc bệnh, nhiều lứa nuôi chết cả đàn. Từ khi được tham gia mô hình khuyến nông, được tham gia các lớp tập huấn, anh đã biết cách chăm sóc, phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi… Vì vậy đàn vịt của gia đình anh Nhè nhanh lớn, chi phí thuốc thú y, thức ăn giảm hẳn. Tuy nhiên, để nuôi được đàn vịt này thì khó khăn không phải là nhỏ, bởi theo anh Nhè do thiếu nước nên anh thường xuyên phải đi gánh nước về để duy trì lượng nước trong ao cho đàn vịt, rất vất vả.

Trong đại đa số người dân, vấn đề ý thức trong chăn nuôi của bà con vẫn chưa cao. Với bà con, nhằm tận dụng phụ phẩm rơi vãi trong sản xuất nông nghiệp và cua, ốc có sẵn trên đồng ruộng nên tập quán chăn nuôi vịt thả rông vẫn diễn ra thường xuyên. Tập quán chăn nuôi ở nông thôn có khuynh hướng tự phát, nhỏ lẻ, xây dựng chuồng trại tạm bợ hoặc ở những vị trí không an toàn, không đúng với yêu cầu kỹ thuật. Các hộ chăn nuôi liền kề bên mương, rãnh cùng với nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt gia đình. Điều này làm cho nguy cơ nhiễm bệnh và dịch bệnh dễ xảy ra. Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm, thủy cầm vẫn chưa được khống chế triệt để mà nó có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, để tiếp tục giữ vững nghề chăn nuôi vịt truyền thống nhưng vẫn đảm bảo về an toàn dịch bệnh thì người chăn nuôi cần nắm bắt được những tiến bộ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi đảm bảo tính an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao là rất cần thiết và cấp bách. Hầu hết người dân đều cho biết trước đây nuôi vịt thả rông tự do nên khá vất vả, tỷ lệ hao hụt cao, vịt phát triển không đồng đều, vịt hay mắc bệnh. Nhưng nuôi theo cách mới này chỉ cần 1 người chăm sóc, không cần phải đi xa, đặc biệt là đảm bảo an toàn dịch bệnh. Sau khi được tập huấn kỹ thuật về quy trình chăn nuôi vịt an toàn sinh học và áp dụng đúng quy trình, đàn vịt phát triển tốt, không có dịch bệnh.

Có thể nói, bà con nhân dân xã Tả Phìn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học hầu như không có tác động hay ảnh hưởng gì đến môi trường. Khả năng duy trì và nhân rộng mô hình này gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến nguyên nhân chủ quan là do người dân chưa mạnh dạn trong chăn nuôi, chưa kết hợp việc nuôi và xuất bán ra thị trường quay vòng vốn để duy trì đàn vịt. Sau khi đến độ xuất chuồng, vịt hầu như không được đem bán mà chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Thêm vào đó, Tả Phìn không có chợ, chỉ có chợ Tả Sìn Thàng nằm cách đó khoảng 7 cây số nên đây cũng là một trở ngại không nhỏ. Do không có thị trường, người dân thường bị người thu mua ép giá nên hiệu quả kinh tế không cao. Ngoài ra, khi mô hình này kết thúc, các hộ gia đình nếu muốn tiếp tục nuôi lại không biết mua giống đạt tiêu chuẩn ở đâu, nên họ tự mua giống không rõ nguồn gốc, nhiều trường hợp người dân mua về nuôi vịt không lớn hoặc bị bệnh chết. Ngoài mô hình nuôi vịt an toàn sinh học, 25 hộ nghèo trên địa bàn 2 thôn Tả Phìn 2 và Là Xa đang được triển khai mô hình nuôi vịt. Mỗi hộ được hỗ trợ 40 con. Hiện vịt đang sinh trưởng và phát triển tốt. Mong rằng mô hình này sẽ được duy trì và góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Qua mô hình trên cho thấy, người dân đã tiếp cận được quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học, có cách nhìn khác hơn về việc chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông dân được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu kỹ thuật mới để có thể tự áp dụng chăn nuôi trên quy mô rộng. Mô hình cũng góp phần chuyển đổi dần hình thức chăn nuôi thả rông gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh sang chăn nuôi tập trung có kiểm soát và an toàn dịch bệnh, ít tốn công lao động. Tuy nhiên, các cấp chính quyền cần có chính sách khuyến khích phát triển ngành chăn nuôi gắn với đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập ổn định, giúp cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn để phục vụ việc đi lại, sản xuất và vận chuyển nông sản hàng hóa cho người dân… Có như vậy mới thực hiện đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao đời sống của người dân.

 

Lường Hương – Trọng Lâm

.