Mường Chà đẩy mạnh khai hoang ruộng nước

Thứ Bảy, 20/07/2013, 17:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mường Chà là huyện vùng cao, phần lớn nhân dân trong huyện là thuần nông, gieo trồng các cây màu trên nương là chủ yếu. Do diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại không cao. Xác định việc phát triển diện tích lúa nước sẽ giúp bà con nông dân sản xuất bền vững, năng suất ổn định, trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của nhân dân, Mường Chà đã đẩy mạnh vận động phong trào khai hoang, phục hóa, kiến tạo ruộng bậc thang, mở rộng diện tích trồng lúa nước. Nếu thực hiện được việc này sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu về lương thực và thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề trên cũng không hề đơn giản!

vc
Trong 5 năm trở lại đây, huyện Mường Chà đã tổ chức khai hoang được 30 ha ruộng nước

Trước đây, gia đình anh Quàng Văn Sáng ở bản Púng Giắt 2, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà chỉ có 700 m2 ruộng nước do Nhà nước cấp. Trong khi đó, 7 miệng ăn của gia đình cũng chỉ biết trông chờ vào bấy nhiêu diện tích lúa. Hàng năm, gia đình đều thiếu ăn, nhất là vào thời điểm giáp hạt. Đến năm 2002, sau khi đã tìm hiểu và khảo sát thực tế, vợ chồng anh đã quyết tâm tổ chức khai hoang để làm ruộng nước. Nhờ sự cần cù, chịu khó của vợ chồng anh và một số hộ dân trong bản đã cải tạo mấy nghìn mét vuông đất dốc thành ruộng bậc thang để trồng lúa. Đến nay, gia đình anh Quàng Văn Sáng đã tổ chức khai hoang được 2.000 m2 ruộng bậc thang trồng lúa nước. Trước thì ruộng chỉ cấy được 1 vụ, sau thời gian cải tạo, tiến hành dẫn nước vào ruộng, nên gia đình anh đã thực hiện cấy 2 vụ lúa mỗi năm. Theo anh Sáng cho biết thì mỗi vụ, gia đình anh thu về hơn 1 tấn thóc từ diện tích khai hoang, năng suất hơn 50 tạ/ha. Chính từ việc khai hoang, nâng cao sản lượng thóc mà gia đình anh Sáng cũng không phải lo thiếu lương thực nữa.

Cách đây gần chục năm, toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình ông Lý A Pháng - người dân bản Pu Ca, xã Sa Lông, huyện Mường Chà cũng chỉ là lòng suối cạn, hoang hóa không ai ngó ngàng tới. Ông Pháng cho biết: Do thiếu đất sản xuất nên bản thân ông đã tìm cách phục hóa để mở rộng diện tích sản xuất ruộng nước. Ban đầu, ông đã mạnh dạn thuê máy ủi về san mặt bằng. Những lúc rảnh rỗi ông lại vận động vợ con cùng nhặt đá sỏi ở lớp bề mặt ruộng. Gia đình ông đã mở rộng thêm được 3.000 m2 ruộng bậc thang. Mới đầu do lớp đất mùn còn ít nên năng suất lúa chưa cao, ông đã tăng cường thu gom lá, thân cây để làm phân xanh. Cùng với đó là việc dẫn nước từ đầu nguồn về, dần dần chờ lớp đất phù sa phía trên đầu nguồn trôi vào ruộng. Đến nay, toàn bộ diện tích khai hoang được của gia đình ông đã trở thành khu đất màu mỡ. Mỗi năm gia đình ông cấy được 2 vụ lúa. Đồng thời, nhờ mạnh dạn đưa giống mới có năng suất cao vào gieo trồng và chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà năng suất lúa của gia đình đã tăng lên qua các năm. 

Mường Chà là huyện vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ gia đình nghèo còn cao. Phần lớn nông dân sống bằng sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, bà con canh tác chủ yếu trên nương rẫy. Thực tế cho thấy, thiếu đất sản xuất chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao ở huyện Mường Chà. Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phong trào khai hoang, phục hóa ruộng nước ở huyện Mường Chà đang được người dân hăng hái hưởng ứng, góp phần mở rộng diện tích canh tác trên địa bàn.   

Phong trào khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang ở Mường Chà đã có từ lâu. Đặc biệt, những năm gần đây, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với sự nỗ lực của đồng bào, hàng năm nhân dân trong huyện đã khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang được nhiều diện tích để trồng lúa nước. Trong 5 năm trở lại đây, huyện Mường Chà đã tổ chức khai hoang được 30 ha ruộng nước. Điển hình trong việc khai hoang là nhân dân các xã: Pa Ham, Sa Lông, Si Pa Phìn, Mường Mươn và Mường Tùng.

bvb
Cùng với việc đẩy mạnh khai hoang, phục hóa ruộng nước huyện Mường Chà cũng đầu tư xây dựng nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi

Để việc khai hoang, phục hóa ruộng nước được hiệu quả và có tính bền vững cao, trong những năm vừa qua, huyện Mường Chà đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước tưới được đảm bảo ổn định và bền vững cho những diện tích mới khai hoang, phục hóa. Bên cạnh đó, các xã, bản trên địa bàn huyện cũng đã tăng cường quản lý, đảm bảo sử dụng nguồn nước tưới hợp lý ở mỗi vụ sản xuất. Các địa phương cũng quan tâm tới việc tu sửa, nạo vét kênh mương để nguồn nước tưới đảm bảo ổn định trong toàn vụ sản xuất.

Phong trào khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang của bà con nông dân trên địa bàn huyện là nền tảng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đây sẽ là tiền đề thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, đảm bảo đời sống, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở Mường Chà.

Cùng với việc vận động bà con nông dân đẩy mạnh khai hoang ruộng nước, mấy năm gần đây, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Mường Chà đã vận động nhân dân chấm dứt tình trạng tự do phát triển nương rẫy trên đất rừng, song đây lại là vấn đề không hề đơn giản. Bởi từ nhiều đời nay, nông dân ở đây vẫn quen với tập quán sản xuất trên nương. Ở nhiều nơi trong huyện, tình trạng người dân chặt phá rừng làm nương vẫn còn diễn ra. Để thay đổi tập quán sản xuất cho nông dân, đi đôi với việc đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ nước tưới; đầu tư hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp khuyến khích nông dân phát triển diện tích khai hoang, vấn đề quan trọng hơn cả là tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho nông dân trong quan niệm và phương thức sản xuất nông nghiệp./.

 

Minh Thịnh

.