Vượt hàng trăm nam sinh, cô gái sinh 1996 thành nữ thủ khoa cảnh sát

Thứ Năm, 11/10/2018, 07:40 [GMT+7]

Vượt qua hàng trăm nam sinh, Lê Thị Thùy Linh (SN 1996) đã trở thành thủ khoa kép của Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2018.
 
“Cảm xúc của em lúc này y hệt như 4 năm trước khi biết tin mình đỗ thủ khoa đầu vào của Học viện Cảnh sát khối A1, được khoác lên mình bộ cảnh phục màu xanh áo lính, được chạm tay tới ước mơ cống hiến để giữ bình yên cho đất nước”, Lê Thị Thùy Linh xúc động chia sẻ khi nhận bằng khen thủ khoa xuất sắc do TP Hà Nội trao tặng.
 

1
 Lê Thị Thùy Linh, thủ khoa kép Học viện Cảnh sát Nhân dân.



Lê Thị Thùy Linh (SN 1996, huyện Nông Cống, Thanh Hoá) sinh viên lớp B11 – khóa D40, chuyên ngành Điều tra tội phạm về trật tự xã hội chất lượng cao, khoa Cảnh sát điều tra vừa trở thành thủ khoa đầu ra Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2018 với điểm số 9,16/10. Linh là nữ thủ khoa kép của Học viện khi vừa là thủ khoa đầu vào và thủ khoa đầu ra của trường.

Chia sẻ thêm về cảm xúc khi một lần nữa trở thành thủ khoa, Linh hồi hộp: “Khi nhận được kết quả thủ khoa của Học viện Cảnh sát Nhân dân em thấy rất vui và hạnh phúc. Nhưng sau niềm vui ấy, em cũng nhận thấy những trách nhiệm trên vai mình. Bản thân em cũng sẽ phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với những gì bản thân đã bỏ ra và sự kì vọng của mọi người”.

Kể về cơ duyên đến với Học viện Cảnh sát Nhân dân, Linh vui vẻ cho biết: “Ngay từ khi còn nhỏ, em đã rất hay xem phim Cảnh sát hình sự và ngưỡng mộ hình ảnh của các nữ chiến sỹ cảnh sát vừa xinh đẹp vừa mạnh mẽ, dũng cảm và cá tính. Sau này, khi đã tìm hiểu kỹ hơn về ngành nghề, em càng cảm thấy yêu thích ngành này hơn và khao khát được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh".
 
Bước chân vào Học viện Cảnh sát, Lê Thị Thùy Linh là 1 trong số 82 “bông hồng” hiếm hoi, trên tổng số 1.000 học viên của Học viện. Thời điểm mới vào trường, nữ sinh cũng đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn và áp lực: “Đây là lần đầu tiên em sống xa nhà, còn chưa quen với nhịp sống theo đúng giờ giấc được quy định. Việc huấn luyện rất nghiêm khắc từ 7h -11h sáng, buổi chiều từ 13-17h. Thời điểm em nhập học là cuối tháng 8, đầu tháng 9 nên trời vẫn còn nắng hanh hao”.

Tuy vậy, nữ thủ khoa cũng thừa nhận rằng mình may mắn khi luôn nhận được sự giúp đỡ, dìu dắt của những anh chị khóa trước, thầy cô giáo cũng như sự động viên từ gia đình. “Là những bóng hồng hiếm hoi tại môi trường đa phần là nam giới, nên cũng có nhiều cái vui. Em được các bạn quan tâm, nhường nhịn, nhất là vào các ngày lễ đặc biệt của chị em phụ nữ, các bạn đều có rất nhiều trò vui. Đến giờ có thể nói, em đã có một thời kì sinh viên, một thanh xuân rực rỡ”, Linh chia sẻ.

Không ngại khó để làm về buôn lậu

Điểm khóa luận tốt nghiệp đạt 10/10 là một trong những yếu tố quan trọng giúp Linh trở thành Thủ khoa của Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2018. Linh cho biết, hầu hết sinh viên khóa trước khi về Thanh Hóa thực tập đều chọn nghiên cứu 2 vấn đề nổi cộm của địa phương là hàng giả và gian lận thương mại do có nhiều vụ án, nhiều tư liệu. Nhưng Linh lại chọn theo về vấn đề Điều tra tội phạm buôn lậu trên TP Thanh Hóa của Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa.
 
Số vụ buôn lậu bị khởi tố ở Thanh Hóa mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, do đó thầy giáo và công an tỉnh đều nói rằng khó khăn khi nghiên cứu.

“Xác định nếu làm cái người khác đã làm thì dễ trùng lặp, em quyết tâm làm sản phẩm của riêng mình. Bắt đầu thực hiện đề tài từ tháng 6, em tìm đọc hồ sơ các vụ buôn lậu lớn, nhờ cán bộ công an địa phương kể lại quá trình điều tra, giải thích những điều chưa hiểu hết. Mặc dù tiếng Anh tương đối tốt những em vẫn thấy áp lực vì vận dụng kiến thức chuyên sâu để chuyển nghĩa.

Ngày bảo vệ khóa luận, em là thí sinh cuối cùng nên hơn 12h trưa mới được đứng trước hội đồng báo cáo đề tài bằng tiếng Anh. Hơn 1 tiếng thuyết trình, trả lời vấn đáp của hội đồng chấm khóa luận, cuối cùng em cũng thở phào vì kết quả ngoài mong đợi khi đạt điểm 10”, Linh hào hứng kể lại.

Nữ thủ khoa cho biết, em luôn nghĩ rằng, sự chăm chỉ, ham mê với công việc học tập và nghiên cứu là yếu tố quan trọng để có kết quả học tập tốt.

Tuy nhiên, với phương châm không trở thành “mọt sách” sau 4 năm đại học, Linh rất tích cực tham gia các phong trào đoàn, các chương trình hoạt động của trường để bản thân năng động và có thêm những kỹ năng mềm, phục vụ cho công việc sau này.

Cũng nhờ những nỗ lực không ngừng, Lê Thị Thùy Linh đã nhận được những phần thưởng xứng đáng như: giấy khen của Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, của Hội Phụ nữ Bộ công an, của Ban Chấp hành đoàn TNCS HCM, Giám đốc HV Cảnh sát Nhân dân và rất nhiều cấp khác. Lê Thị Thùy Linh đã có tới 3/4 năm đạt danh hiệu học viên xuất sắc./.

 

 

Theo Nguyễn Trang/VOV

.