Chung một "ngôi nhà"

Thứ Tư, 06/01/2016, 07:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Một ngày đầu năm 2016, chúng tôi ghé thăm ký thúc xá lưu học sinh Lào tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh để tìm hiểu, lắng nghe những chia sẻ trong cuộc sống, học tập cũng như sinh hoạt của các em. Là Phó trưởng ban quản lý Lưu học sinh Lào tại Trung tâm, thầy Lò Mai Sơn hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng của các em, từ trong học tập, cuộc sống cho đến những ước mơ về tương lai sau này. Thầy Sơn cho hay: Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận từ 75 - 90 lưu học sinh Lào để giảng dạy tiếng Việt. Khi mới sang Việt Nam, tất cả các em đều bỡ ngỡ, xa lạ và nhớ nhà. Nhưng với tình cảm tập thể thầy cô giáo dành cho các em, bao khó khăn cũng dần được tháo gỡ. Khoảng cách giữa thầy trò ngày càng xích lại gần hơn. Kết thúc mỗi khóa học, tất cả các em đều nói thông thạo tiếng Việt. Đó là niềm vui của không chỉ lưu học sinh Lào mà cả đội ngũ giáo viên chăm sóc, dạy dỗ các em.

Cùng thầy Lò Mai Sơn, chúng tôi đến dãy ký túc xá của lưu học sinh Lào. Bước vào căn phòng gọn gàng, ngăn nắp, thấy các em đang chăm chú học bài, thầy Sơn nở nụ cười nói: Ở đây, mỗi phòng có 6 em; 90 em được sắp xếp ở 15 phòng. Các em sống rất đoàn kết, ý thức tự giác học tập cao. Thấy thầy giáo và người lạ vào phòng, lưu học sinh đứng dậy chào rõng rạc bằng tiếng Việt khiến chúng tôi nhớ lại lời nói của thầy Lò Mai Sơn: “Khóa học tiếng Việt tại đây chỉ 10 tháng, song hầu hết chỉ 6 – 7 tháng là các em nói rõ và viết được tiếng Việt”. Tâm sự với em Nang Bua Phết Chăn Thạ La, được biết, sau khi kết thúc chương trình học phổ thông ở Phoong Sa Ly thì được sang Việt Nam học. Cũng như các bạn khác lúc mới nhập học ở Trung tâm, xa quê nhà, lại không biết tiếng Việt Nam nên cảm thấy lạc lõng. Cả các món ăn cũng khác khẩu vị. Nhưng được các thầy cô ân cần chỉ bảo, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng nên cảm giác đó dần tan biến. Nang Bua Phết Chăn Thạ La chia sẻ: Nhiều lúc em thấy nhớ nhà lắm. Những lúc ấy, thầy cô như đọc được suy nghĩ, rồi an ủi, động viên kịp thời. Em nhận ra rằng, dạy dỗ chúng em không chỉ về kiến thức mà thầy cô còn dành hết những tình cảm không thể diễn tả được bằng lời. Với em và tất cả các bạn học sinh Lào đang sinh sống và học tập tại đây đều xem Điện Biên, đất nước Việt Nam là ngôi “nhà chung”, là quê hương thứ hai của mình.

c
Một tiết học của Lưu học sinh Lào tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh

 

Còn với em Thạo A Nụ Xít Sụ Văn Nạ Phô đến từ tỉnh Luông Pra Băng, nhiều lúc nhớ nhà chỉ muốn khóc một mình nhưng tình cảm của con người Việt Nam khiến nỗi nhớ đó vơi đi phần nào. Cũng là một trong những người năng động, học tốt, tiếp thu bài nhanh được bạn bè, thầy cô quý mến, Thạo A Nụ Xít Sụ Văn Nạ Phô bộc bạch: Trước khi sang Việt Nam em sợ sẽ không hoàn thành được khóa học vì được biết học tiếng Việt rất khó. Thế nhưng khi đặt chân đến đây, từ tình cảm của người Việt Nam, sự gần gũi, hết lòng quan tâm, yêu thương của Ban Giám đốc Trung tâm, thầy cô giảng dạy tiếng Việt, em đã cố gắng, nỗ lực, quyết tâm học thật tốt. Với em, thầy cô như người cha, người mẹ thứ 2 của mình. Thạo A Nụ Xít Sụ Văn Nạ Phô cũng tâm sự thêm dự định cho tương lai: “Sau khi kết thúc khóa học, em sẽ đăng ký học tập tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên để sau này trở về xây dựng quê hương, đất nước”.

Đến với Điện Biên, mỗi học sinh Lào đều mang theo cảm xúc và có những tình cảm riêng. “Không chỉ mến khách, gần gũi... Điện Biên còn là nơi thú vị để tham quan, du lịch. Từ các di tích lịch sử đến những danh lam thắng cảnh, tất cả đều rất tuyệt” - Bạn Nang Sỏn Xay Phết Sổm Phu đến từ tỉnh U Đôm Xay chia sẻ. Nang Sỏn Xay Phết Sổm Phu cũng cho rằng, các món ăn ở Việt Nam rất ngon. Sau khi kết thúc khóa học tại Trung tâm và chuyên ngành tại trường chuyên nghiệp tỉnh, có cơ hội sẽ trở lại thăm Điện Biên, đi du lịch tại các tỉnh, thành trên quê hương Việt Nam.

Những chia sẻ, tâm sự của lưu học sinh Lào tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên giúp chúng tôi hiểu hơn tình cảm của thầy cô dành cho lưu học sinh Lào; càng hiểu hơn tình cảm sâu sắc của các em đối với Điện Biên cũng như quê hương Việt Nam. Có thể nói, tình hữu nghị Việt - Lào được tô thắm thêm bởi sự gắn kết keo sơn, không ngừng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiếp tục bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đúng như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Tình cảm yêu thương, gắn bó của thầy trò ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh là một trong những minh chứng thuyết phục./.

 

Văn Quyết
 

.