Tiếp thêm niềm tin cho dân tộc rất ít người

Chủ Nhật, 21/06/2015, 16:34 [GMT+7]
Điện Biên TV - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 2123/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người” trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em và học sinh, từ đó góp phần tiếp thêm niềm tin, tạo nền móng vững chắc trong sự nghiệp phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người...
 
Nâng bước học sinh tới trường
 
Chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh (HĐNĐ) thực hiện chuyến giám sát về Đề án “Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người” giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh. Chuyến hành trình của đoàn công tác ngược ngàn gần 200km từ trung tầm TP. Điện Biên Phủ đến huyện Mường Nhé, phóng tầm mắt dọc hai bên đường nhìn những ngôi trường mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp, chúng tôi như cảm nhận được sự nhọc nhằn và nghị lực phi thường của những giáo viên quanh năm cắm bản, bám trường, bám lớp miệt mài gieo con chữ ươm mầm cho trẻ em vùng cao, đặc biệt là việc chăm lo việc học cho con em các dân tộc rất ít người. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Từ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp trồng người ở vùng cao. Đến nay, hệ thống cơ sở vật chất ở các trường điểm bản có dân tộc rất ít người sinh sống được quan tâm đầu tư xây dựng về trường, lớp, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho việc dạy và học của học sinh vùng cao. Qua đó, tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo cho trẻ em, học sinh thuộc các dân tộc rất ít người; mở ra cơ hội học tập trong môi trường giáo dục tốt...
x
Đoàn giám sát Ban Dân tộc tỉnh (HĐND) kiểm tra hệ thống cơ sở vật chất tại điểm Trường Tiểu học bản Nậm Sin, xã Chung Chải.

 

Đến thăm và kiểm tra tại các điểm trường thuộc huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, Đoàn công tác ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mang lại môi trường sư phạm, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh dân tộc rất ít người. Mường Nhé có 2 dân tộc rất ít người là dân tộc Cống và Si La sinh sống chủ yếu tại bản Nậm Kè, xã Nậm Kè và bản Nậm Sin, xã Chung Chải với tổng số dân là 616 người. Trong đó, dân tộc Cống là 386 người; dân tộc Si La 230 người. Năm học 2014 - 2015, huyện có 169 học sinh dân tộc Cống và Si La theo học tại 3 cấp gồm: Mầm non, tiểu học, THCS. Hệ thống trường lớp được xây dựng khang trang với quy hoạch về đất đai và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; xây mới các phòng học, nhà công vụ, công trình vệ sinh... Đồng thời, trẻ em và học sinh dân tộc rất ít người được quan tâm về học tập, rèn luyện và hưởng các chế độ chăm sóc nuôi dưỡng để có trình độ văn hóa và đào tạo học nghề; trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, THCS dân tộc rất ít người thuộc diện hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ học tập.
 
Trưởng bản Nậm Sin Lý Hồng Sơn cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên đời sống của người dân cũng dần ổn định; con cháu dân tộc Si La được học ở lớp học khang trang, sạch đẹp. Nhiều em được ưu tiên đi học các lớp cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh.
 
Hiệu quả của Đề án “Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người” đã và đang từng bước hiện thực hóa ước mơ, nâng bước trẻ em tới trường, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc rất ít người...
 
Sẻ chia bằng những việc làm thiết thực
 
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, trên địa bàn tỉnh có 4 dân tộc rất ít người gồm: Dân tộc Mảng, Bố Y, Cống và Si La với tổng số dân là 1.023 người, chủ yếu là dân tộc Cống và Si La với 1.019 người. Các dân tộc rất ít người sống rải rác tại các huyện Mường Chà, Điện Biên, Mường Ảng, Mường Nhé... Năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh có 400 học sinh dân tộc rất ít người theo học tại các trường trên địa bàn tỉnh (trong đó 126 trẻ mầm non, 153 học sinh tiểu học, 96 học sinh THCS, 25 học sinh THPT). Thực hiện Đề án UBND tỉnh đã phê duyệt 1 dự án đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các điểm trường vùng dân tộc rất ít người với tổng mức đầu tư 17.734 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG giáo dục. Quy mô đầu tư gồm: 3 phòng học mầm non, 6 phòng học tiểu học, 5 phòng công vụ và các hạng mục phụ trợ tại 4 điểm trường mầm non và tiểu học thuộc các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên. Giai đoạn 2011 - 2015 đã hỗ trợ về học tập cho trẻ em, học sinh, sinh viên với tổng kinh phí là 3.755,8 triệu đồng. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với cán bộ giáo viên và học sinh tại các xã, bản vùng dân tộc rất ít người về sự cần thiết phải đầu tư phát triển giáo dục; chỉ đạo các cơ sở giáo dục ưu tiên tuyển sinh dân tộc rất ít người vào các trường phổ thông DTNT cấp huyện, tỉnh không phải thi tuyển; ưu tiên tuyển sinh học sinh dân tộc rất ít người theo học cử tuyển các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, 100% trẻ em và học sinh thuộc diện hộ nghèo được hưởng các chế độ chính sách dành cho dân tộc rất ít người; sau khi tốt nghiệp THPT được ưu tiên cử tuyển, xét tuyển đặc biệt vào các trường, khoa dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp... trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi được học 2 buổi/ngày (theo chương trình giáo dục mầm non mới).
 
Có thể nói, Đề án “Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người” đã và đang tạo nên những gam màu tươi sáng, trong bức tranh tổng thể về sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ cơ sở, bảo tồn và phát triển các dân tộc rất ít người./.
 
Sầm Phúc
 
 
.