Điện Biên vượt khó vươn lên

Thứ Tư, 02/09/2020, 08:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám lan tỏa mạnh mẽ tới Nhân dân Điện Biên, Lai Châu, có ý nghĩa quan trọng, mở ra thời kì mới trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và dân chủ của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đã 75 năm trôi qua, trải qua nhiều gian khổ, hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ngày nay đồng bào các dân tộc Điện Biên lại cùng đoàn kết xây dựng quê hương ngày một đổi mới.

Nằm trên dải biên giới Tây Bắc - Việt Nam, Điện Biên là tỉnh duy nhất có đường biên giới giáp hai nước Lào và Trung Quốc. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước. Năm 1945, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 11 năm đó Thực dân Pháp quay trở lại Lai Châu.

Từ đó, với sự dẫn dắt của các lực lượng cách mạng, Nhân dân Lai Châu tiếp tục đứng lên tiến hành kháng chiến chống Thực dân Pháp theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ. Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 vang dội toàn cầu, đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, chấm dứt ách đô hộ của Thực dân Pháp trên đất nước ta, đem tới hòa bình, độc lập trên toàn miền Bắc. Đã nhiều thập niên trôi qua, trên mảnh đất còn ghi nhiều dấu ấn lịch sử, đồng bào các dân tộc Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng năm xưa, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.

1
Đến với xã Pú Nhung trong những năm gần đây, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày.

Những năm 1948-1949, hai xã Pú Nhung và Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo được chọn làm căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Mông nơi đây đã khiến cho Thực dân Pháp nhiều phen khốn đốn. Cũng từ đây phong trào cách mạng phát triển rộng khắp Điện Biên, Lai Châu và đưa đến thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.

Đến với xã Pú Nhung trong những năm gần đây chúng tôi thấy cuộc sống của người dân Pú Nhung đang đổi thay từng ngày. Là vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, sản xuất gặp nhiều khó khăn, những năm qua đồng bào các dân tộc xã Pú Nhung được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Hộ nghèo có động lực vươn lên, trẻ em được đến trường. Điều kiện sống ngày một tốt hơn, đồng bào Mông Pú Nhung cũng chủ động tìm tòi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện đất đaim khí hậu để phát triển kinh tế.

Anh VỪ A PÁO, Bản Xá Tự, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo cho biết: Năm nay bản giảm được 2 hộ nghèo, Đảng Nhà nước cũng đầu tư làm đường, đỡ phức tạp cho bà con đi lại. Bây giờ Nhà đưa các chế độ xóa đói giảm nghèo, như vừa rồi hỗ trợ trồng xoài được hơn 15 ha, bà con cũng đưa vào trồng. Mọi năm thì dân ở đây hoa màu làm nhiều như ngô, sắn, mía, dứa đi bán hàng ngày.

Trồng ngô, sắn, mía, dứa, sa nhân theo hướng sản xuất hàng hóa, thu nhập của người dân Pú Nhung ngày càng được nâng lên. Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, tuyến đường trục xã và cả các đường nội bản của Pú Nhung tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp, đồng bào Pú Nhung thêm vui mừng, phấn khởi. Bà con nhân dân đồng thuận với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp xóa đói, giảm nghèo và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, là điều quan trọng giúp vùng đất từng là căn cứ cách mạng xưa đổi thay từng ngày. Năm 2020, xã Pú Nhung đã và đang hoàn thiện được nhiều công trình hạ tầng thiết yếu. Xã phấn đấu hết năm 2020 sẽ đạt thêm 4 tiêu chí nông thôn mới.

Ông VỪ SÁY SÙNG, Bí thư Đảng ủy xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo cho biết: Thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây Đảng ủy rất tích cực chỉ đạo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới vận động bà con sản xuất, vận động đầu tư các công trình giao thông, trường học, trạm y tế. Cho đến nay xã Pú Nhung về cơ bản có đầy đủ các công trình hạ tầng cơ sở, đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Xã sẽ phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí nữa.

Không chỉ xã vùng cao Pú Nhung đang có nhiều đổi thay, có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, khắp các bản làng từ vùng thấp tới vùng cao Điện Biên đều đang có những bước chuyển mình tích cực. Phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ, nơi được lựa chọn lập điểm tái định cư cho hàng nghìn hộ dân trong Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La hơn 10 năm về trước, nay có thật nhiều thay đổi. Bản làng, xóm phố đông vui, kinh tế phát triển, bà con bản địa và bà con tái định cư sống cạnh nhau, họ cùng nhau đoàn kết, sẻ chia khó khăn giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế.

1
Một góc bản Noong Bua trong ngày Tết độc lập

Cuộc sống ấm no trên khu đô thị mới tái thiết, khiến người dân nơi đây thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ông Lò Văn Muôn là người bản địa, vốn sinh sống cùng gia đình tại khu vực Noong Bua từ sau năm 1954. Nhớ lại chuyện kể về Noong Bua xưa kia và những gì ông từng chứng kiến suốt một thời tuổi trẻ, ông thấy Noong Bua ngày nay đã đổi khác quá nhiều. Không chỉ thay đổi về các công trình hạ tầng thiết yếu, ông còn đang được chứng kiến sự thay đổi về tư duy sản xuất và điều kiện kinh tế của người dân Noong Bua hôm nay.

Ông LÒ VĂN MUÔN, Bản Noong Bua, phường Noong Bua,  thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Bản Noong Bua chuyển về đây từ năm 1954, có 14 hộ, khai phá, làm ruộng, cày cấy thủ công, bà con chỉ làm một vụ mùa thôi. Đời sống bà con thì chính thức đổi thay từ năm 89-90 đến bây giờ. Bản từ 14 hộ đến nay đã có gần 150 hộ gia đình, ba dân tộc sinh sống cùng nhau. Tuy đất bị thu hồi nhiều cho Nhà nước phát triển đô thị, nhưng cuộc sống của bà con tuyệt vời rồi, không làm ruộng vẫn đủ ăn. Bà con đi chợ, kinh doanh dịch vụ. Riêng bản Noong Bua thì không có hộ nghèo.

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao Điện Biên phấn đấu đưa kinh tế - xã hội tỉnh ngày một đi lên. Trong khoảng một thập niên trở lại đây, vận dụng tốt các nguồn đầu tư, Điện Biên đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, dịch vụ du lịch, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.

Giai đoạn 2016 – 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 8,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt trên 27 triệu đồng/người/năm ; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp, giảm tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Ba năm liền từ 2016 đến 2018, thu ngân sách địa phương đều đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Trong 3 năm trở lại đây, thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ nông sản của Điện Biên đã có bước đột phá. Toàn tỉnh hiện có 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân. Các sản phẩm đặc trưng như: Lúa gạo Điện Biên, chè Shan Tuyết Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng đang được xây dựng trở thành các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu trên toàn quốc.

Hiện Dự án cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất lúa gạo đặc sản của Điện Biên được quan tâm đầu tư, đang góp phần khẳng định hơn nữa thương hiệu gạo Điện Biên, tạo nguồn thu cho nông dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Điện Biên vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, coi đây nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho biết: Để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, trước tiên chúng tôi rà soát quy hoạch 3 loại rừng để thu hút doanh nghiệp vào trồng rừng kinh tế và khu vực nằm trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, như huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và cánh đồng Mường Thanh huyện Điện Biên, có điều kiện để phát triển hàng hóa. Chính phủ đã có Nghị định 57 và thông tư 04 tháo gỡ Quyết định 210 trong giai đoạn trước. Đây là thuận lợi để chúng ta thu hút đấu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

1
Một góc thành phố Điện Biên Phủ

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, Điện Biên còn khai thác tốt tiềm năng và lợi thế về du lịch, mở ra các tuyến, các điểm du lịch giàu sức thu hút như: Tuyến du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang – Mường Phăng ; tuyến du lịch cao nguyên đá Tủa Chùa ; du lịch sông nước thị xã Mường Lay ; du lịch vùng ngã ba biên giới Sín Thầu – Mường Nhé. Nhiều doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch, làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch tỉnh ngày càng phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Năm 2019, 2020 là hai năm kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên nói riêng và toàn quốc nói chung chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên trong khó khăn bà con các dân tộc Điện Biên vẫn đoàn kết một lòng, tin tưởng vào Đảng và Chính phủ, tiếp tục nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới theo lộ trình.

Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt trên hơn 5.330 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực 6 tháng đầu năm ước đạt trên 122.000 tấn. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 180 tỷ. Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững và Nông thôn mới, được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả, trọng tâm là triển khai thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã cơ bản đạt chuẩn ; 24 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và số tiêu chí bình quân các xã trên địa bàn tỉnh đạt là 11 tiêu chí/xã.

Với tinh thần đoàn kết, sẻ chia và với sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc Điện Biên với chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, quê hương Điện Biên hôm nay đang ngày một đi lên. Làm cho đời sống Nhân dân ấm no, công bằng, dân chủ được thực hiện, an ninh trật tự và chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, đó là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Điện Biên hôm nay. Đó cũng là mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong thời kì mới.
 

 

Minh Giang – Tiến Thế/DIENBIENTV.VN

.