Điện Biên

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xóa thôn, bản "trắng" đảng viên

Thứ Tư, 19/10/2016, 17:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Năm 2016, là năm mở đầu cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2015 - 2020 đó là: “Hằng năm, kết nạp 2.000 đảng viên; giảm 15-20%/năm số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ”. Do vậy, việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tập trung xóa thôn, bản còn “trắng” Đảng viên trên địa bàn tỉnh là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Tính đến tháng 10/2016, Đảng bộ tỉnh Điện Biên có 638 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), trong đó có 224 đảng bộ cơ sở, 414 chi bộ cơ sở và 2.534 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 34.191 đảng viên. Toàn tỉnh hiện còn 71 thôn, bản “trắng” đảng viên; 325 thôn, bản có đảng viên đang sinh hoạt ghép.

Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ còn 95 thôn, bản “trắng” đảng viên; 328 thôn, bản có đảng viên đang phải sinh hoạt ghép, chủ yếu tập trung chủ yếu ở thôn, bản có đông đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tại những xã biên giới, khó khăn thuộc các huyện hiện đang thực hiện Đề án 30a của Chính phủ.

1
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra mục tiêu phấn đấu hằng năm, có 45-50% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; kết nạp 2.000 đảng viên; giảm 15-20%/ năm số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ.

 

Xác định thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII: “Hằng năm, có 45-50% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; kết nạp 2.000 đảng viên; giảm 15-20%/năm số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ”. Với quyết tâm nỗ lực tập trung xóa thôn, bản “trắng” đảng viên để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đã được Tỉnh ủy Điện Biên cụ thể hóa với 2 nội dung chủ yếu là chú trọng phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có tổ chức đảng và tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Chi bộ, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở những nơi này.

Đồng chí Phan Bá Hùng, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác phát triển đảng viên, nhất là kết nạp Đảng viên ở cơ sở thuộc các huyện biên giới, khó khăn đã được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng.

Để thực hiện tốt nội dung này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban thường vụ Tỉnh ủy, ban hành Nghị quyết Chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 23-5-2016 về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020”; trong đó, chú trọng về công tác phát triển đảng viên mới ở những địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống”.

Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, số lượng đảng viên mới kết nạp tính đến 30/9/2016, toàn tỉnh đã kết nạp được 1.873 đảng viên (đạt 93,65% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra); thành lập mới 75 Chi bộ độc lập, thu hẹp diện Chi bộ sinh hoạt ghép so với đầu nhiệm kỳ (riêng quý III/2016 kết nạp mới 739 đảng viên). Đầu năm 2016, toàn tỉnh còn 95 thôn, bản “trắng” đảng viên, thì đến tháng 10/2016 chỉ còn 71 bản, xóa được 24 bản “trắng” đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực vượt bậc của các cấp ủy Đảng, với nhiều cách làm hay sáng tạo với những mô hình điển hình trong công tác xây dựng củng cố tổ chức đảng và phát triển đảng viên, điển hình như các Đảng bộ: huyện Mường Nhé, huyện Điện Biên, Mường Ảng…Ở một số nơi cấp ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, ra Nghị quyết về phát triển đảng viên, tổ chức đảng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS còn “trắng” đảng viên và tổ chức Đảng; cùng với đó là có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong cấp ủy, cho những đảng viên có kinh nghiệm trực tiếp theo dõi, hướng dẫn cấp ủy Chi bộ, các tổ chức đoàn thể để thực hiện tốt công tác này.

Ở những địa bàn chưa có Chi bộ, chưa đủ đảng viên để thành lập Chi bộ thì thực hiện việc bố trí đảng viên là người địa phương đang công tác tại cơ quan xã chuyển chính thức về dự sinh hoạt với chi bộ tại nơi cư trú. Từ đó đã tạo được sự gắn kết mối quan hệ giữa đảng viên đang công tác tại xã với đảng viên và Nhân dân nơi cư trú, tạo sự đồng thuận, thống nhất và sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Là huyện tiêu biểu làm tốt công tác này, đồng chí Nguyễn Quang Sáng, TUV, Bí thư huyện ủy Mường Nhé cho biết: “Việc xóa bản “trắng” đảng viên đã khó, thì việc xoá bản chưa có tổ chức đảng còn khó hơn nhiều. Bởi vì, trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế chính là “rào cản” gây khó khăn nhất trong việc xóa bản “trắng” đảng viên và tổ chức Đảng.

Bên cạnh đó, chất lượng lãnh đạo của một số chi bộ chưa cao do năng lực lãnh đạo hạn chế, thiếu kinh nghiệm cũng là “rào cản” trong quá trình phát triển tổ chức Đảng và đảng viên. Hơn nữa, theo điều lệ Đảng, các đối tượng kết nạp đảng phải học hết bậc THCS, không vi phạm chính sách dân số (không sinh con thứ 3) trong khi hầu hết người DTTS ở các xã, bản vùng cao biên giới có trình độ văn hoá còn thấp, đa số đều có từ 3-4 con trở lên. Ngoài ra, chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở còn yếu; chưa tập hợp được đoàn viên, hội viên tham gia nên chưa phát hiện, tạo nguồn quần chúng ưu tú cho Đảng.

Nhưng với sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng bộ, từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Mường Nhé đã xóa được 20 bản “trắng” đảng viên, giảm tỷ lệ bản “trắng” đảng viên từ 36 xuống còn 18/118 bản (tỷ lệ dưới 16%) vượt chỉ tiêu so với mục tiêu Nghị quyết đề ra”.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu cho BTV Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để thực hiện tốt công tác xây dựng đảng, trong đó chú trọng công tác phát triển đảng viên tại các thôn, bản còn “trắng” đảng viên, “trắng” tổ chức đảng và những thôn, bản còn phải sinh hoạt ghép.

Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 05-KH/BTCTU của Ban tổ chức Tỉnh ủy trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 23-5-2016 của Tỉnh ủy về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020”. Từ đó, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giúp cho các chi, đảng bộ tích cực thực hiện mục tiêu xóa thôn, bản “trắng” đảng viên, tạo sự chuyển biến về chất trong hoạt động Chi bộ ở cơ sở./.

 
 

Phong Lâm

.