UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ tổng hợp tại kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khóa XIII

Thứ Năm, 09/07/2015, 10:14 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIII, UBND tỉnh đã trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng hợp. Trang Thông tin Điện tử đăng tải kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri xung quanh các vấn đề: Chế độ, chính sách, kinh tế và đời sống; giao thông, thủy lợi và các chương trình, dự án trọng điểm tại địa phương; trật tự an toàn xã hội.

I. Về chế độ, chính sách, kinh tế và đời sống

1. Bản Nậm Là, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé có có 75 hộ đồng bào dân tộc Mông định cư đã lâu năm, mặc dù cách trung tâm huyện chưa đầy 5km, cho đến nay bản vẫn chưa có đường giao thông, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa. Hàng ngày người dân phải đi đường đất, lội qua suối nên rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bản bị cô lập với trung tâm huyện và các bản khác, nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc đi lại học tập của các em học sinh. Cử tri xã Mường Nhé đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện sớm quan tâm đầu tư xây dựng cầu, đường kiên cố để nhân dân đi lại thuận lợi. 

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Việc cử tri kiến nghị đầu tư xây dựng cầu, đường kiên cố vào bản Nậm Là, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé là chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư xây dựng mới cầu, đường kiên cố vào bản Nậm Là là khá lớn, trong khi khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương rất hạn chế nên UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ xem xét ưu tiên đầu tư khi đủ điều kiện về nguồn lực.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đi lại, UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản số 2014/UBND-GT ngày 01/6/2015 đề nghị Bộ Giao thông vận tải đưa danh mục đầu tư cầu bản Nậm Là, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé vào danh mục Dự án đầu tư cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số thuộc Dự án LRAMP bằng vốn vay của ngân hàng thế giới và đã được Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng thế giới chấp thuận đầu tư trong giai đoạn 2015-2018; yêu cầu UBND huyện Mường Nhé bố trí kinh phí sự nghiệp giao thông, chỉ đạo UBND xã và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện duy tu, bảo dưỡng hàng năm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

x
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri

 

2. Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống giai đoạn 2011 – 2015 được triển khai thực hiện tại tỉnh từ năm 2012 với số vốn Trung ương phân bổ 36 tỷ đồng làm đường giao thông và cầu treo qua suối. Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, đến nay sắp hết thời gian của Đề án, nhưng tiến độ thi công một số công trình rất chậm như: Cầu treo đến bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ thi công gián đoạn, kéo dài; đường giao thông Pa Thơm - Huổi Moi xã Pa Thơm, huyện Điện Biên đang tạm dừng thi công. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành công trình bàn giao đưa vào sử dụng, đảm bảo quyền lợi cho người dân được thụ hưởng chính sách.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay, Đề án đã triển khai thực hiện 03 dự án gồm: Đường giao thông (giai đoạn I) bản Lả Chà; Cầu treo bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Mường Nhé; Đường giao thông Pa Thơm – Huổi Moi (giai đoạn I) xã Pa Thơm, huyện Điện Biên. Trong đó, công trình cầu treo bản Lả Chà, xã Pa Tần huyện Nậm Pồ đã thi công xong đang tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; công trình đường giao thông Pa Thơm - Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên đã thi công được 6,5/11,3km và đang phải dừng thi công do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Để có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án trên; ngày 03/3/2015, lãnh đạo UBND tỉnh cùng với các ngành liên quan đã đi kiểm tra thực tế và họp bàn các giải pháp tháo gỡ; ngày 02/4/2015, UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản số 1153/UBND-CN, giao Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Ban dân tộc tỉnh, UBND huyện Điện Biên tập trung giải quyết các vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để tiếp tục thi công công trình nhằm sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng; đồng thời yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chậm tiến độ các nội dung của đề án. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc Chủ đầu tư (Ban Dân tộc tỉnh) phối hợp với các đơn vị liên quan có các biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình. 

3. Hiện nay toàn quốc đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Luật đất đai năm 2013, dù đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện, nhưng trên địa bàn tỉnh việc quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên và môi trường, nhất là việc thực thi các chính sách pháp luật, thủ tục hành chính về đất đai như thu hồi đất, bồi thường tái định cư, việc giao đất, giao rừng cho người dân còn nhiều bất cập, hạn chế, tiến độ thực hiện rất chậm. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường, các ngành chức năng và địa phương tăng cường trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và xã hội.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Để triển khai Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã phường, thị trấn tổ chức hội nghị, tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2013 với nhiều hình thức phong phú, tập trung giới thiệu những nội dung đổi mới của Luật, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành quy định hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, diện tích tối thiểu được phép tách thửa và mức đất xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh; quy định chi tiết một số nội dung về bồi thường hỗ trợ và tái định cư, đơn giá bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng, cây trồng và vật nuôi trên đất khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; bảng giá đất và quy định áp dụng bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2019; quy định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2015; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 trình phê duyệt theo quy định, làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, đến nay có 10/10 huyện, thị xã, đã được phê duyệt Kế hoạch.

Tuy nhiên việc triển khai một số nội dung theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn chậm như: việc thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, xác định giá đất. Nguyên nhân là do quy trình, thủ tục thực hiện các nội dung công việc trên có nhiều thay đổi; mặt khác các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời, do đó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành chức năng và địa phương tằng cường các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân và xã hội.

II. Về giao thông, thủy lợi và các chương trình, dự án trọng điểm tại địa phương

1. Cử tri huyện Mường Nhé, Nậm Pồ kiến nghị: Việc triển khai thực hiện Đề án 79 của Chính phủ về sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn 2 huyện từ năm 2012, tiến độ thực hiện rất chậm, đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa được thanh toán dứt điểm tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, nhiều điểm bản chưa bố trí được đất sản xuất, dẫn đến tình trạng người dân có nguy cơ bị đói khi chuyển về nơi ở mới. Nhân dân kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Mường Nhé và các cơ quan chức năng cần sớm quan tâm thanh toán dứt điểm tiền đền bù, giải phóng mặt bằng và bố trí đất sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án để nhân dân sớm ổn định cuộc sống lâu dài.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 79, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, thường xuyên tổ chức giao ban để tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án; sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án 79, tình hình dân cư trên địa bàn thực hiện Đề án đã tương đối ổn định, điều kiện sinh hoạt đi lại, phát triển sản xuất của nhân dân trong vùng được cải thiện, đã bố trí sắp xếp ổn định, hỗ trợ phát triển sản xuất ổn định đời sống, định canh định cư tại 159 bản trên địa bàn 2 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ; 80% dân số ở các bản trong vùng dự án đã được sử dụng nước sinh hoạt tập trung; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7,29% (vượt mục tiêu mỗi năm bình quân giảm 5% hộ nghèo của Đề án đề ra).

Tuy nhiên, do có sự thay đổi về Luật Đất đai, định mức đền bù giải phóng mặt bằng, quy định về công tác lập, phê duyệt các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng có thay đổi nên chưa đảm bảo theo tiến độ đề ra. Đến nay, mới thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) được 15 điểm bản, đạt 51,7% so với kế hoạch; đang tiến hành lập phương án hỗ trợ, đền bù GPMB các điểm bản còn lại. Để  đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành của tỉnh tăng cường xuống huyện để hỗ trợ 2 huyện trong việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí dân cư theo Đề án. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 79 đã nảy sinh khá nhiều chính sách hỗ trợ, ổn định dân cư chưa có tiền lệ, nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, UBND tỉnh đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh nội dung, thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020, trong đó có các kiến nghị về các chính sách hỗ trợ đời sống, sản xuất (như chính sách hỗ trợ gạo, hỗ trợ sản xuất...); UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai rà soát hoàn thành trong tháng 7 để báo cáo các Bộ, ngành Trung ương thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Chủ đầu tư, UBND các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ khẩn trương thực hiện, thanh toán dứt điểm tiền đền bù, giải phóng mặt bằng và bố trí đất sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

2. Cử tri xã Chiềng Đông và xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo kiến nghị: Cầu treo bản Hốc Bắc qua suối Nậm Mùn, xã Mường Mùn và cầu treo bản Pom Sinh xã Chiềng Đông được đầu tư xây dựng từ năm 2002, sau 12 năm sử dụng   đã hư hỏng hoàn toàn, đến nay không được sửa chữa, nâng cấp. Không có cầu người dân các bản trên không có đường để đi lại và vận chuyển nông sản, nhất là với các em học sinh việc đến trường rất khó khăn khi mùa mưa đến. Nhân dân thiết tha đề nghị UBND tỉnh, Sở giao thông vận tải và các các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh đầu tư xây cho Pom Sinh và Hốc Bắc chiếc cầu treo kiên cố để nhân dân đi lại thuận lợi. 

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Thực hiện Đề án đầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê toàn bộ các vị trí cần thiết phải đầu tư cầu dân sinh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đầu tư.

Đến nay, các Bộ ngành trung ương đã thống nhất đầu tư 63 cầu dân sinh thiết yếu trên địa bàn tỉnh Điện Biên (gồm 23 cầu treo và 40 cầu cứng trong đó có cầu treo Pom Sinh) bằng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới. Đối với cầu từ bản Hốc Bắc (bản Hốc) sang bản Hỏm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Tuần Giáo phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cầu kiên cố trong giai đôạn 2016 - 2020.

3. Công trình thủy lợi Huỗi Giống xã Na Ư, huyện Điện Biên do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm chủ đầu tư và nhà thầu đã thực hiện xây dựng xong, nhưng cho đến nay công trình vẫn không vận hành sử dụng được. Nhân dân xã Na Ư đề nghị  Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho kiểm tra cụ thể, để sớm đưa công trình vào sử dụng phục vụ nhân dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri xã Na Ư huyện Điện Biên về hiệu quả và chất lượng của Công trình thủy lợi Huổi Rống do đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên đã chủ trì phối hợp với UBND huyện Điện Biên và các cơ quan chức năng của huyện tiến hành kiểm tra công trình; tại thời điểm kiểm tra, công trình còn nguyên trạng, không bị hư hỏng do tác động của con người. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa công trình vào sử dụng nhưng không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, kết hợp với mưa lũ kéo dài đã gây sạt lở đất bồi  đắp lòng kênh ở một số vị trí, dọc tuyến kênh có cây đổ lấp dẫn đến ách tắc dòng chảy, nước không chảy về được đồng ruộng, ảnh hưởng đến quá trình canh tác của nhân dân.

Để khắc phục, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức phát dọn cây cối dọc tuyến. Đồng thời tiến hành khảo sát lại toàn bộ công trình, lập dự toán và đang tổ chức gia cố các vị trí ta luy âm sạt, trượt đất; khắc phục 03 điểm rò rỉ nước trên tuyến ống nhựa PVC; gia cố cửa cống cuối tuyến; thay thế các tấm nắp đậy kênh bị hư hỏng; làm hệ thống biển cảnh báo tuyến ống ngầm. Dự kiến việc sửa chữa công trình sẽ hoàn thành trước ngày 31/7/2015.

Về nội dung này, UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các huyện, thị xã, thành phố nói chung và huyện Điện Biên nói riêng cần tăng cường công tác chỉ đạo tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ các công trình công cộng phục vụ lợi ích của nhân dân.

III. Về trật tự an toàn xã hội

Qua giám sát và phản ánh kiến nghị của cử tri huyện Mường Nhé và một số địa phương, hiện nay tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc, một số phụ nữ rời khỏi địa bàn nơi cư trú không rõ nguyên nhân và có chiều hướng gia tăng gây lo lắng trong nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng trên.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc Mông, Thái tại một số địa bàn như: Mường Chà, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ. Qua rà soát, nắm tình hình của lực lượng chức năng đã phát hiện 168 trường hợp phụ nữ, trẻ em hiện vắng mặt tại địa bàn nghi bị mua bán; phát hiện 20 vụ mua bán người, mua bán trẻ em với 56 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc (trong đó 6 tháng năm 2015 là 8 vụ, 17 nạn nhân).

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác phòng chống tội phạm mua bán người, cụ thể: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 01/11/2013 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người”; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 26/03/2012 phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; kế hoạch số 3634/KH-UBND ngày 09/12/2013 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU của Tỉnh ủy. Hằng năm, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người. Kết quả trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 20 vụ, 37 đối tượng phạm tội mua bán người và mua bán trẻ em, làm rõ 56 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc, giải cứu, tiếp nhận 26 nạn nhân bị mua bán.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là cấp xã nơi trực tiếp quản lý dân cư, đồng thời tăng cường lực lượng xuống các tuyến, địa bàn trọng điểm, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người.

UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người, nhằm làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, tích cực lên án, tố giác tội phạm mua bán người.

(Còn nữa)

BBT
 

.