UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

Thứ Sáu, 10/07/2015, 15:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trang Thông tin Điện tử tiếp tục đăng tải việc UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp tại kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh, về các vấn đề: Công ty Cao su và công tác quản lý bảo vệ rừng; vệ sinh môi trường; y tế và giáo dục; địa giới hành chính, quản lý đất đai và đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư.

IV. Về Công ty cây cao su và công tác quản lý bảo vệ rừng

1. Công ty Cao su Điện Biên vận động 93 hộ dân của bản Mường Toong 1, 2, 3 góp đất trồng cây cao su từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa đo đạc quy chủ xác định diện tích đất đó cho các hộ. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, Công ty Cao su Điện Biên sớm đo đạc, quy chủ và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nhân dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Ngày 18/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 4422/UBND-NN về việc giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên và Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé đối với các hộ đã góp đất trồng cây cao su nhưng chưa được đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính; theo đó đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé thực hiện việc rà soát, kiểm tra diện tích đã trồng cây cao su nhưng chưa được đo đạc lập bản đồ để triển khai thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 năm 2015.

Sau khi hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Mường Nhé khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé Điện Biên thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân của bản Mường Toong 1, 2, 3 để thực hiện góp đất và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.

c

 

2. Cử tri xã Na Sang, huyện Mường Chà kiến nghị: Hiện nay việc trồng cây cao su, do hàng năm việc phun các loại hóa chất, thuốc trừ cỏ, lá cây cao su rụng rất độc làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân sống ở khu vực trồng cây cao su; chi trả dứt điểm số tiền người dân được hưởng do góp đất trồng cây cao su. Để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, đề nghị Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Mường Chà, Công ty Cao su và các ngành chức năng sớm xuống kiểm tra thực địa và có giải pháp khắc phục đường nước, đồng thời chi trả số tiền người dân được hưởng do góp đất trồng cây cao su.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Tại kỳ họp thứ 9 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, UBND tỉnh đã trả lời kiến nghị này của cử tri; theo kết quả kiểm tra, phân tích của Viện Kỹ thuật Hóa Sinh - Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật - Bộ Công an, các chỉ tiêu: Độ màu (Co-Pt ở PH = 7); Chất rắn lơ lửng; Nhu cầu 0xy hóa học (COD), Nhu cầu 0xy sinh hóa (BOD5); Sắt (Fe); Chì (Pb); Đồng (Cu); Kẽm (Zn); Crom VI (Cr6+) đều đạt tiêu chuẩn, không ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, các ngành chức năng, tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các Công ty Cổ phần Cao su thực hiện nghiêm túc các quy trình theo quy định trong quá trình trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

3. Qua giám sát của nhân dân và MTTQ các cấp huyện Mường nhé, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 159 vụ vi phạm chặt phá rừng làm nương, trong đó đã xử lý 36 vụ, chưa xử lý 123 vụ. Nguyên nhân do các cơ quan chức năng của huyện chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là cơ quan Kiểm lâm và chính quyền các cấp chưa kiên quyết xử lý việc phá rừng ở địa phương. Để giữ lại lá phổi và rừng đầu nguồn còn lại của tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Mường Nhé cùng các cơ quan chức năng xuống kiểm tra thực địa và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng trái pháp luật.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Trong 6 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn huyện Mường Nhé đã xảy ra  157 vụ vi phạm chặt phá rừng làm nương; trong đó, đã xử lý 36 vụ, chưa xử lý 121 vụ. Nguyên nhân chưa xử lý được là do: Diện tích rừng bị phá vượt mức xử lý vi phạm hành chính, đã chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện để tiếp tục điều tra, làm rõ truy cứu trách nhiệm hình sự (02 vụ); người vi phạm là dân di cư tự do, chưa có hộ khẩu thường trú, lai lịch không rõ ràng; khi vi phạm khai báo với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng tên và địa chỉ giả nên cần có thời gian để xác minh, làm rõ (119 vụ). Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Mường Nhé khẩn trương xác minh, làm rõ các vụ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

V. Về vệ sinh môi trường

1. Cử tri xã Na Ư, huyện Điện Biên kiến nghị: Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp (Hưng Long, Hoàng Anh, Công ty cổ phần xi măng Điện Biên) khai thác đá xây dựng trên địa bàn, thải ra nhiều bụi, đất, đá làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Điện Biên và các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng này.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Xây dựng, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan kiểm tra, tình hình hoạt động khai thác khoáng sản; việc chấp hành các cam kết về môi trường của các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các đơn vị có sai vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

2. Hiện nay, theo thống  kê của Chi cục Thú y, toàn tỉnh có 234 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó 20 điểm giết mổ trâu, bò; 171 điểm giết mổ lợn và 44 điểm giết mổ gia cầm. Theo quy định của Luật vệ sinh an toàn thực phẩm 100% các điểm giết mổ đều không đạt tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh, xả trực tiếp nước thải phân gia súc, gia cầm ra khu dân cư hoặc ra sông, suối gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh rất cao và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ở nhiều khu dân cư. Cử tri và nhân dân thành phố Điện Biên Phủ kiến nghị UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các khu giết mổ tập trung đảm bảo quy chuẩn, có như vậy mới đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống được dịch bệnh.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý II năm 2015 để triển khai thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành; UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn chỉnh nội dung quy hoạch, hồ sơ, thủ tục và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Trước mắt, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra để các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ vệ sinh chung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

VI. Về Y tế và giáo dục

1. Cử tri huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Nậm Pồ kiến nghị: Trạm y tế ở các xã mới được chia tách, hầu hết chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiếu thốn về thiết bị y tế và giường nằm cho bệnh nhân, đa số phải hoạt động nhờ trụ sở UBND xã, do đó chỉ khám chữa bệnh đơn giản, còn lại cho bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên, gây khó khăn cho nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh và Sở Y tế quan tâm đầu tư xây dựng trạm xá để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Để đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn các xã mới chia tách và thành lập, ngày 05/8/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-UBND về việc thành lập 18 trạm y tế tại các xã mới thành lập trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đồng thời chủ động bố trí, huy động, vận động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị tại các trạm y tế này. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên đến nay mới bố trí kinh phí đầu tư cho 08/18 trạm y tế từ các nguồn vốn hỗ trợ, viện trợ của EU, của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), nguồn vốn Chương trình giảm nghèo theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; còn lại 10/18 trạm y tế tại các xã mới được chia tách và thành lập chưa huy động được kinh phí để đầu tư.

UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri và giao UBND các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Nậm Pồ xây dựng kế hoạch ưu tiên đầu tư, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài chính, Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng tiếp 10 trạm y tế còn lại trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, UBND tỉnh giao UBND các huyện trên phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, rà soát, có kế hoạch hỗ trợ, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động tối thiểu của các trạm y tế xã nêu trên.

2. Cử tri huyện Nậm Pồ kiến nghị: Các xã Nậm Nhừ, Nậm Tin, Nậm Chua và Vàng Đán được thành lập từ năm 2012 nhưng đến nay chưa thành lập trường THCS, hiện con em của các xã này đang phải học ở trường THCS của các xã lân cận, đi lại khó khăn, nơi ở, học tập thiếu thốn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của các cháu. Đề nghị UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo sớm cho phép thành lập trường THCS của các xã này để tạo điều kiện cho đến trường học tập được thuận lợi.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Tại Điều 10 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc ban hành Điều lệ trường THCS, THPT, THPT nhiều cấp học, quy định: Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập đối với trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS.

Ngày 20/01/2013, UBND tỉnh có Văn bản số 218/UBND-VX về việc rà soát, sắp xếp lại trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo đó, đối với các huyện, xã mới chia tách, thành lập theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ, việc chia tách thành lập mới các cơ sở giáo dục cần phải xây dựng Đề án với yêu cầu cấp thiết và chỉ thực hiện chia tách, thành lập mới các đơn vị trường học khi có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nguồn học sinh.

Bên cạnh đó, theo Chỉ tiêu hướng dẫn về phát triển sự nghiệp giáo dục năm 2015 kèm theo Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý năm 2015; năm 2015 huyện Nậm Pồ được giao chỉ tiêu tổng số có 15 trường THCS, trong đó có các trường thành lập mới nhưng phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nguồn học sinh. Riêng trường THCS Nậm Tin đang chuẩn bị đầu tư theo dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ năm 2015.

UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Nậm Pồ căn cứ nguồn học sinh trên từng địa bàn, các quy định về điều kiện thành lập trường THCS và chỉ tiêu kế hoạch giao của tỉnh để nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất các trường THCS, trường phổ thông dân tộc bán trú theo các Chương trình, Dự án đang triển khai tại huyện và sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; trên cơ sở đó chỉ đạo hoàn thiện việc lập, phê duyệt Đề án và ưu tiên lựa chọn, quyết định thành lập trường theo lộ trình và theo quy định hiện hành.

VII. Về địa giới hành chính, quản lý đất đai và đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư

1. Việc mâu thuẫn mất đoàn kết do tranh chấp đất đai giữa nhân dân bản Hua Sát xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo và bản Nặm Chan III xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng đã kéo dài từ khi chia tách huyện (năm 2007) diễn biến ngày càng phức tạp, làm mất an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 2 xã. Để đảm bảo tình đoàn kết và trật tự an toàn của nhân dân 2 bản, đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND hai huyện Tuần Giáo và Mường Ảng sớm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp trên để nhân dân yên tâm sản xuất, ổn dịnh cuộc sống lâu dài.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Điểm tranh chấp đất đai giữa nhân dân bản bản Hua Sát, xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo và bản Nặm Chan III, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng đã được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung giải quyết nhiều lần, đã đưa ra nhiều phương án để giải quyết, đến nay đã bước đầu đạt được sự đồng thuận của nhân dân 2 bản.

Để giải quyết có hiệu quả các điểm tranh chấp địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh nói chung, việc việc tranh chấp địa giới hành chính giữa 2 bản Hua Sát và Nậm Chan III nói riêng; trong thời gian qua cùng với việc thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở hiệp thương thống nhất phương án giải quyết giữa 2 huyện, 2 xã và nhân dân 2 bản Hua Sát và Nậm Chan III, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ, các ngành liên quan phối hợp với UBND 2 huyện Tuần Giáo và Mường Ảng giải quyết bước đầu có hiệu quả điểm tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính nói trên (theo báo cáo của lãnh đạo huyện Tuần Giáo).

Trong thời gian tới để giải quyết dứt điểm tranh chấp trên, yêu cầu UBND huyện Tuần Giáo và Mường Ảng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân giữ nguyên hiện trạng, không để nhân dân lấn chiếm, tranh chấp đất đai làm phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn.

Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể nhân dân tích cực tham gia vận động, tuyên truyền để các đoàn viên, hội viên tuân thủ các quy định về địa gới hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ xác định. 

2. Cử tri xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng kiến nghị: Dự án xây dựng hồ chứa nước Ẳng Cang tiến độ thi công chậm, việc bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng chưa phù hợp, vì vẫn áp giá đền bù năm 2010 thấp hơn nhiều so với hiện nay. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư bản Mánh Đanh kéo dài, thiếu nước sinh hoạt, đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân tại nơi ở mới. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm bố trí nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ, trước mắt ưu tiên nguồn vốn chi trả dứt điểm việc đền bù, giải phóng mặt bằng và việc thi công các hạng mục thiết yếu tại khu tái định cư để nhân dân yên tâm, sớm ổn định cuộc sống.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Dự án Hồ chứa nước Ẳng Cang được phê duyệt tại Quyết định số 1487/QĐ-UB ngày 06/12//2007 của UBND tỉnh với tổng mức đầu tư là 181 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP; điều chỉnh tại Quyết định số 1852/QĐ-UB ngày 13/10/2009 với tổng mức đầu tư là 355 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã được bố trí 235 tỷ đồng; khối lượng hoàn thành ước đạt 45%. Do việc lập dự án thiếu khách quan, không sát thực tế nên sau khi dự án được quyết định đầu tư đã điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên quá lớn (dự kiến trên 560 tỷ đồng); mặt khác thời gian thực hiện dự án kéo dài, nhiều nội dung phát sinh nên dự án chưa thực hiện xong việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Trong khi vốn TPCP không bố trí phần tăng quy mô của dự án (do hết hạn mức); nguồn vốn cân đối ngân sách của tỉnh không có. UBND tỉnh đã kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí vốn cho dự án để tiếp tục thực hiện, tuy nhiên đến nay chưa được Trung ương chấp thuận.

Về việc đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công các hạng mục thiết yếu tại khu tái định cư, đến nay đã  triển khai san gạt được 2 khu tái định cư số 1, số 2 và đã di chuyển 20 hộ/54 hộ gia đình trong khu vực lòng hồ lên khu tái định cư mới, tuy nhiên vẫn còn 34 hộ chưa di chuyển được vì chưa giải phóng mặt bằng, lý do dự án chưa được điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư nên chưa có cơ sở để chi trả và di chuyển các hộ dân vào khu tái định cư (nội dung này ban đầu dự kiến khoảng 15 tỷ đồng; nay đề nghị tăng lên trên 126 tỷ đồng). Sau khi dự án được điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư sẽ chi trả hết số tiền còn lại và di chuyển các hộ dân lên khu tái định cư mới.

Ngày 07/4/2015, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án; trong đó đã giao các Sở, ngành, UBND huyện Mường Ảng rà soát quá trình tổ chức thực hiện; khối lượng, dự toán để xác định tổng mức đầu tư của dự án; phần vốn đã bố trí, phần vốn còn thiếu để cân đối, bố trí cho dự án (nội dung này, UBND tỉnh đã giao cụ thể tại văn bản số 1260/UBND-NN ngày 09/4/2015).

Đây là những việc tồn tại lâu cần báo cáo Trung ương, UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện Mường Ảng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tháo gỡ cho địa phương.

(Hết)

BBT
 

.