Tinh thần, khí phách Điện Biên Phủ mãi là động lực để Điện Biên đi lên cùng đất nước

Thứ Hai, 05/05/2014, 09:00 [GMT+7]

Điện Biên TV - Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, địa hình chủ yếu đồi núi, là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, là đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực. Điện Biên là địa phương giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, địa danh nổi tiếng với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, nhất là sau 60 năm kể từ khi trận chiến Điện Biên Phủ giành thắng lợi (07/5/1954-07/5/2014), nhân dân các dân tộc Điện Biên luôn khằng định tinh thần đoàn kết, yêu nước, cần cù trong lao động, thông minh sáng tạo trong sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu và đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhất là sau khi chia tách, thành lập tỉnh đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, tốc độ tăng GDP giai đoạn 2006 - 2010 đạt 11,6%/năm, giai đoạn 2011 - 2013 đạt 9,64%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông - lâm nghiệp; các ngành sản xuất chủ yếu phát triển ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, đến nay, gần 100% số xã có đường ô tô đến được trung tâm, 72,6% dân cư khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 88% dân cư thành thị sử dụng nước sạch sinh hoạt... Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, đảm bảo an sinh xã hội. Các vấn đề xã hội bức xúc được chỉ đạo triển khai có kết quả, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo. Đời sống của nhân dân nâng lên, bộ mặt đô thị, diện mạo nhiều vùng nông thôn có chuyển biến rõ nét. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại mở rộng, khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng trên một số nội dung. Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cùng với thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, phòng, chống tham nhũng, lãng phí... thực hành tiết kiệm.

v
Điện Biên hôm nay (Nguồn: Internet).


Những thành tựu nổi bật đã đạt được của tỉnh có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, có yếu tố đặc biệt quan trọng là: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ; tăng cường quan hệ hợp tác phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Bộ chính trị: Điện Biên với các tỉnh, thành trong cả nước, cả nước với Điện Biên; bước đầu thu hút một số nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp tìm đến Điện Biên như một địa chỉ đầu tư đáng tin cậy không chỉ về vị trí địa lý, cơ chế chính sách đầu tư thuận lợi, thông thoáng, mà còn vì mến mộ, thân thiện, tình cảm với mảnh đất và con người Điện Biên... để tạo môi trường thuận lợi, phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, nâng cao đời sông nhân dân.

Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn nhất cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa vững chắc, quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng đang có xu thế chậm lại (năm 2013 đạt 8,55%); chưa có những giải pháp đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tiến độ triển khai một số chương trình, dự án còn chậm, kém hiệu quả. Trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực bất cập. Đời sống của một bộ phận khá lớn đồng bào vùng cao, biên giới gặp nhiều khó khăn. Y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ chưa đáp ứng so với yêu cầu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định chính trị. Tình trạng dân di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập ''Vương quốc Mông'', buôn bán vận chuyển các chất ma túy... diễn biến phức tạp.

Tình hình trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, như: Điện Biên là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, xa trung tâm, địa bàn khó khăn, hiểm trở; nguồn lực đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế. Hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền chưa ngang tầm nhiệm vụ. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả thấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức năng lực hạn chế, trách nhiệm chưa cao. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi, có lúc chưa đồng bộ, thiếu chủ động.

Với những thành tựu đã đạt được trong 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn xác định việc phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ là hết sức quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành công trong công cuộc xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp. Đây cũng là lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cựu chiến binh, bà con các dân tộc tỉnh Điện Biên là phải đem tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ vào công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên giàu mạnh; phải làm sao để mỗi làng, bản, công trường, nhà máy, đơn vị đều có tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

b
Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đang từng ngày nỗ lực vươn lên đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.


Xây dựng Điện Biên phát triển là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đảng bộ tỉnh luôn nhận thức sâu sắc vị thế của mình, cần năng động và sáng tạo phát huy tiềm năng, thế mạnh và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của các địa phương trong cả nước để có bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Phấn đấu đến năm 2015 đưa Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, tăng cường công tác đối ngoại; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống di tích lịch sử Điện Biên Phủ gắn với đầu tư phát triển du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Trong những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (2010 -2015), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tập trung tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:  

Một là, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, quy hoạch rõ các vùng, ngành, từ đó xác định các đột phá để xây dựng và phát triển. Trong đó, triển khai và thực hiện thật tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng các huyện 30a, vùng biên giới để thu hút đầu tư phát triển, nhất là trong các lĩnh vực trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế và chế biên nông - lâm sản, trồng các loại cây công nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vu.

Hai là, phát triển kinh tế - xã hội, phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, các vùng tôn giáo, dân tộc; tăng cường liên kết, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các công trình phục vụ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các công trình về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế. Mở rộng quan hệ đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển.

Ba là, cùng với việc phát triển kinh tế đi đôi với việc chăm lo các mặt văn hóa - xã hội; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; tập trung đẩy mạnh thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thông qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và các hình thức sản xuất mới; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác y tế, giáo dục và khoa học công nghệ.

Bốn là, nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là đào tạo nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc ít người, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ cấp xã.

Năm là, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; khắc phục, sửa chữa ngay những hạn chế, khuyết điểm. Đẩy mạnh phát triển đảng ở các thôn, bản chưa có tổ chức đảng và đảng viên; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ và những thành tích đạt được sau 60 năm, tạo khí thế và phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, thiết thực trên các lĩnh vực của cuộc sống xã hội.

Sức mạnh tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động to lớn, mạnh mẽ, thiết thực, toàn diện tới các mặt của đời sống xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để Điện Biên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mình. Sức mạnh tinh thần ấy, trước hết được thể hiện ở việc biết phát huy nội lực, khai thác tiềm năng lợi thế; chủ động, sáng tạo, tinh thần giám nghĩ, giám làm, giám chịu trách nhiệm, sâu sát cơ sở; kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Muốn vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mà trực tiếp là người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo; tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện; phát huy truyền thống đoàn kết. Cùng với những bài học rút ra từ những thành công và hạn chế trong tổ chức thực hiện, chúng ta sẽ nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng vững mạnh, mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và của đồng bào, chiến sỹ cả nước.
 

 

Nguyễn Vân Chương

.