Nậm Pồ nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

Chủ Nhật, 11/11/2018, 16:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là cầu nối và phương tiện không thể thiếu trong việc đưa pháp luật đến gần hơn với mọi người dân. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền PBGDPL đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Nậm Pồ tích cực triển khai thực hiện, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Ông Chảo Lao San ở bản Huổi Cơ Dao, xã Nà Hỳ, đến trụ sở UBND xã để được cán bộ tư pháp xã tư vấn, giải quyết các giấy tờ tuỳ thân của ông và con gái ông. Ông Chảo Lao San hiện nay không có các giấy tờ tuỳ thân như: Chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, do đã bị mất trong một vụ hoả hoạn. Vấn đề ông gặp phải bây giờ là bản thân ông mang 3 cái tên khác nhau.

Trong sổ hộ khẩu là Chảo Xuân Vũ; trong học bạ của con gái là Chảo A San, nhưng tên thật của ông là: Chảo Lao San. Nguyên nhân dẫn đến ông có 3 tên trong các hồ sơ, giấy tờ khác nhau là vì: Ông không biết chữ và khi làm thủ tục, giấy tờ thì phải đi nhờ người khác làm thay; mặt khác, do phong tục của dân tộc Dao là mỗi người thường có 2 tên, một tên khai sinh và một tên thường gọi.

1
Ông Chảo Lao San ở bản Huổi Cơ Dao, xã Nà Hỳ, đến trụ sở UBND xã để được cán bộ tư pháp xã tư vấn, giải quyết các giấy tờ tuỳ thân của ông và con gái ông.

 
Trường hợp của ông Chảo Lao San phản ánh một thực trạng khá phổ biến trong giải quyết các thủ tục hành chính tại các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, trình độ dân trí còn hạn chế. Cũng bởi vậy nên trong nhiều trường hợp, người dân bị mất quyền lợi chính đáng hoặc vi phạm pháp luật mà bản thân vẫn không hay biết. Cụ thể như việc khai sinh, khai tử không đúng thời hạn; tình trạng phá rừng, xâm canh, xâm cư tự do; vượt biên trái phép; bị ảnh hưởng bởi các luận điệu tuyên truyền sai trái.
 
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao dân trí, từ đó làm nền tảng bền vững để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong công tác này, huyện Nậm Pồ đã lựa chọn nhiều hình thức, biện pháp, nội dung đa dạng, phù hợp với từng địa bàn và đối tượng để tuyên truyền.

Công tác trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh, mở rộng mạng lưới câu lạc bộ, tổ và các cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại các xã. Các tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 100% việc phát sinh. Thông qua công tác hoà giải đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Phòng Tư pháp huyện - Cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên phối hợp với UBND các xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến PL tới người dân. Để thu hút được đông đảo người dân tham gia, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức trao đổi, đối thoại trực tiếp với người dân theo hình thức hỏi - đáp.

1
Qua tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân các xã biên giới về pháp luật, góp phần giữ vững an ninh vùng biên giới

 

Những vấn đề mà người dân vướng mắc sẽ được đưa ra bàn bạc và được giải đáp tại chỗ, từ đó đã giúp cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn. Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp trên địa bàn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan, đoàn thể huyện đã tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp tại các xã cho gần 300 người; phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện các chuyên đề về: Giao thông đường bộ; tình trạng mua bán người; ma túy; tảo hôn; sức khỏe sinh sản ở 1 trường học với 700 em học sinh tham gia và tại 2 bản với gần 200 lượt người hưởng ứng.

Phối hợp tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm về lĩnh vực trật tự an toàn xã hội cho hơn 1.800 học sinh; phát 4.600 tờ rơi. Các cơ quan đoàn thể phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật tại các xã được hơn 600 cuộc với hơn 40.000 lượt người. Hoạt động xây dựng tủ sách pháp luật được thực hiên tại 15/15 xã. Ngoài ra, hoạt động hòa giải được quan tâm, đã hòa giải thành công 34 vụ việc.
 
Một biện pháp đã và đang mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Nậm Pồ là, đã phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hàng năm, Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Dân tộc và các phòng, ban chức năng trên địa bàn huyện tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ này, nội dung chủ yếu về Bộ Luật Hình sự; Luật Phòng, chống Ma túy; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Giao thông đường bộ và công tác dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Thông qua các hội nghị này, vai trò gương mẫu của đội ngũ người có uy tín được phát huy trong vận động quần chúng nhân dân bài trừ các hủ tục, sống theo nếp sống văn minh, nâng cao hiểu biết, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.Họ đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái.

Các lực lượng: Quân đội; Công an; Bộ đội Biên phòng, đóng chân trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn đường biên, mốc giới; vận động Nhân dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình “Tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các thôn, bản.
 
Huyện Nậm Pồ có 8/15 xã biên giới với 5 đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn. Nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân các xã biên giới về pháp luật, góp phần giữ vững an ninh vùng biên giới. Các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, tranh thủ sự ủng hộ của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín cùng tham gia công tác tuyên truyền.

Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quản lý Nhà nước như: Luật Hành chính, Hình sự, Dân sự, Kinh tế; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; các hiệp định, hiệp nghị, quy chế về biên giới; các nghị định của Chính phủ quy định về việc cư trú, đi lại, sản xuất, hoạt động trong khu vực biên giới.

1
Huyện Nậm Pồ tổ chức tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới

 

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền Hiến pháp, các bộ luật, luật, nghị định, các đơn vị BĐBP tuyên truyền Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới".

Trong những năm qua, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện đã phối hợp tuyên truyền được hơn 2.200 buổi với trên 54 nghìn lượt người nghe về Luật Biên giới Quốc gia, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới.v.v… Qua tuyên truyền vận động người dân đã hiểu rõ trách nhiệm và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; nâng cao ý thức cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn và luận điệu tuyên truyền với ý đồ xấu của các thế lực thù địch.
 
Với những việc làm thiết thực, cụ thể trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Nậm Pồ, đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới huyện Nậm Pồ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng hiệu quả, góp phần vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện./.
 

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.