Nhức nhối chuyện vượt biên trái phép ở Nậm Pồ

Thứ Năm, 06/08/2015, 18:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mấy năm gần đây, ở huyện Nậm Pồ đang rộ lên tình trạng người lao động trốn ra nước ngoài làm thuê bất hợp pháp. Con số hơn 700 trường hợp xuất cảnh trong 6 tháng qua đã đủ lớn để phản ánh độ nóng tình trạng vượt biên trái phép tới mức khó kiểm soát ở nơi đây. Chính yếu tố này đang tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

c
Bên trong ngôi nhà của gia đình chị Giàng Thị Mỉ, bản Nậm Tin 2, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ.

Căn nhà gỗ tối tăm, chật hẹp, khoảng hơn 10m2 là nơi trú ngụ của 9 thành viên trong gia đình chị Giàng Thị Mỉ, bản Nậm Tin 2, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ. Ở độ tuổi ngoài 30 mà anh chị đã có tới 7 người con. Không có ruộng nước, ngần ấy miệng ăn phải trông chờ vào một vạt nương nhỏ. Làm nương thì năng suất thấp, không đủ ăn, mới đây thôi, chồng của chị, anh Vàng A Hòa sinh năm 1979 đã phải mang theo đứa con gái lớn14 tuổi vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Chị Giàng Thị Mỉ chia sẻ: "Ở đây làm nương thì không đủ ăn, không tìm được việc làm để có thêm thu nhập nuôi các cháu. Trước thì chồng tôi cũng đã đi làm thuê cho các công trình nhưng người ta không trả tiền nên không đi làm nữa. Chồng và con gái tôi phải sang Trung Quốc làm thuê, kiếm tiền gửi về nuôi mấy mẹ con".

Nậm Tin là xã mới được chia tách từ xã Chà Cang và thành lập mới theo Nghị quyết 45 của Chính phủ. 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Chính vì vậy, khi nhận được lời giới thiệu sang bên kia biên giới có nhiều việc làm với mức thù lao từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày, thậm chí có công việc được trả cao hơn. Trong khi đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm nhiều người ở địa phương này đã chấp thuận vượt biên.

Tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2012, khi vài người dân vắng mặt tại địa bàn bỗng dưng trở về mang theo một khoản tiền nhất định lo toan cuộc sống và sinh hoạt. Một năm sau đó, Nậm Tin đã có khoảng gần 100 người đi làm ăn xa kiểu như thế. Đến tháng 6 năm 2015, toàn xã đã có 336 người đi khỏi địa bàn để làm ăn, 60 người đã trở về nước. Mặc dù trên thực tế chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra; đồng thời nhằm ngăn chặn tình trạng người dân vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp nhưng tình trạng này vẫn diễn ra hết sức phức tạp và khó kiểm soát. Thiếu úy Cháng A Nam, Đồn Công an Chà Cang, huyện Nậm Pồ cho biết: "Nhân dân trên địa bàn xã Nậm Tin xuất cảnh trái phép đi làm thuê ở Trung Quốc rất là nhiều. Theo số liệu thống kê của anh em cắm địa bàn thì toàn xã có 336 trường hợp xuất cảnh trái phép, trong đó có 60 người đã trở về. Trước thực trạng trên, tháng 3 vừa qua, công an và tư pháp cũng phối hợp với các phòng, ban của huyện đi tuyên truyền tại 9/9 bản của xã."

Tình trạng lao động trốn ra nước ngoài làm thuê bất hợp pháp đang diễn ra hết sức phức tạp ở huyện Nậm Pồ. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 700 trường hợp xuất cảnh trái phép, trong đó hơn 100 lao động đã trở về nước. Thống kê của lực lượng công an huyện cho thấy, số lao động trốn ra nước ngoài làm thuê chủ yếu là sang Trung Quốc. Các địa phương có người lao động bỏ trốn đi nước ngoài chủ yếu là ở các xã: Nậm Tin, Chà Cang, Pa Tần. Trong đó, Nậm Tin là địa phương có số lao động đi đông nhất, với 336 trường hợp.

Khi được hỏi thì một số lao động vượt biên trái phép ra nước ngoài làm thuê bất hợp pháp đã trở về địa phương sinh sống được biết, hầu hết người lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc chủ yếu làm những công việc lao động phổ thông như: Phụ xây, làm gạch, bốc vác, thu hái nông sản, làm nương rẫy, làm vườn. Công việc nặng nhọc, tuy nhiên ngày công được cho là khá cao. Có người được trả mức công khoảng từ 60 - 70 nhân dân tệ mỗi ngày, tương đương khoảng hơn 200 nghìn Việt Nam đồng. Song thực tế thì nhiều người sang đây đã bị bóc lột sức lao động, làm việc vất vả trong điều kiện không đảm bảo an toàn, bị chủ lao động lừa khi không trả tiền công. Vấn đề đáng nói ở đây là do không có giấy tờ hợp pháp nên không ít lao động đã bị các lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ, phạt tiền và trục xuất đuổi về nước qua đường mòn biên giới.

c
Trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng huyện Nậm Pồ đã phát hiện hơn 700 trường hợp xuất cảnh trái phép, trong đó hơn 100 lao động đã trở về nước.

 

Như vậy thì rõ ràng việc công dân Việt Nam trốn đi nước ngoài làm thuê bất hợp pháp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nó như kiểu chơi một canh bạc với cuộc đời. Ai may mắn thì được chủ mướn đối xử tử tế, còn những người không may thì bị lừa đảo và rủi ro thì luôn rình rập. Đại úy Vàng A Chính, Phó trưởng Công an huyện Nậm Pồ cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Nậm Pồ, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong công tác tuyên truyền thì cũng có tuyên truyền cá biệt và tuyên truyền tập trung. Đồng thời, Công an huyện cũng phối hợp với một số phòng, ban của huyện, UBND các xã, đặc biệt là các xã có nhiều bà con xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng về công tác xuất khẩu lao động; tuyên truyền cho bà con biết được những rủi ro khi đi làm thuê không có giấy phép, không có sự quản lý của Nhà nước để bà con nhận thức được và bỏ việc làm thuê trái pháp luật."

Không dừng lại ở đó, lợi dụng nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, kẻ xấu đã tuyên truyền trái pháp luật gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đặc biệt là việc lợi dụng để buôn bán người qua biên giới. Trong 6 tháng đầu năm nay, Công an tỉnh Điện Biên đã triệt phá thành công 6 vụ buôn bán người qua biên giới. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận đã tổ chức đưa khoảng 800 lượt người bán cho các công ty, doanh nghiệp và các động mại dâm ở nước ngoài. Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Qua thực trạng trên, chúng tôi thấy có tác động ảnh hưởng liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn: Rất khó khăn trong quản lý biên giới, các đối tượng đã lợi dụng việc này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như mua bán người, tổ chức người trốn đi nước ngoài hoặc thậm chí một số đối tượng đã tổ chức cho công dân Việt Nam trốn ở lại nước ngoài bất hợp pháp."     

Phải thừa nhận rằng, với điều kiện còn nhiều khó khăn, tư liệu sản xuất hạn chế thì nhu cầu tìm việc làm để có thu nhập đối với đồng bào dân tộc thiểu số là rất chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là hành vi vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp đang vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự và quy chế bảo vệ biên giới quốc gia. Vấn đề giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân là việc cần làm ngay và cần phải có sự khẩn trương hơn lúc nào hết. Các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đời sống và sinh hoạt cho người dân được triển khai quyết liệt, hiệu quả và thiết thực được xem như một phần trong lời giải của bài toán khó này.

Cả hai vợ chồng anh Lý A Pao ở xã Nậm Tin mới về nước cách đây ít hôm. 5 nhân khẩu của cả gia đình trông chờ vào khoảng 1.000m2 ruộng nước. Mỗi năm cho thu về khoảng chục bao thóc. Thiếu đói, vợ chồng anh Pao rồng rắn nhau sang bên kia biên giới làm thuê, bất chấp mọi hiểm nguy, rủi ro miễn sao kiếm tiền nuôi con ăn học. Thời điểm cả 2 vợ chồng đi làm thuê thì ở nhà, ba đứa con tự chăm nhau. Con trai cả của gia đình năm nay mới 13 tuổi, còn đứa nhỏ 4 tuổi. Anh Lý A Pao nói: "Vợ chồng tôi sang bên kia làm thuê được mấy tuần rồi lấy tiền về để mua gạo nuôi con, tiền công trả cũng bình thường thôi nhưng công việc năng nhọc và vất vả lắm, chủ yếu là đi chăm cây chuối và đào móng nhà."

Cho đến tận hôm nay, vợ chồng anh Pao vẫn chưa thể quên được những tháng ngày lang thang cơ cực nơi xứ người. Mong ước của vợ chồng anh là có cuộc sống no đủ, các con được học hành, không muốn các con dẫm phải bước chân của bố mẹ chúng. Nhưng khi mà chỉ với 2 bàn tay trắng thì ngay cả bản thân anh Pao cũng không biết tương lai sẽ đưa anh đi đâu, về đâu.

 

Minh Thịnh - Duy Hưng

 

.