Đề phòng nguy cơ đông máu liên quan COVID-19 ở người cao tuổi

Thứ Hai, 02/05/2022, 15:34 [GMT+7]

Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nhiễm COVID-19 làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông nghiêm trọng từ 3 đến 6 tháng sau khi mắc bệnh.

1

Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể về tình trạng đông máu liên quan COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với số ca mắc, ngày càng phát hiện thêm các ca bệnh bị đông máu sau mắc COVID-19, nhiều báo cáo cho thấy tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi, nhiễm COVID-19 ở mức độ nặng, chưa tiêm vaccine, thừa cân béo phì và nhiều bệnh lý nền.

COVID-19 gây ra hàng loạt các đáp ứng miễn dịch quá mức, không thích hợp, trong đó có rối loạn tăng đông máu. Các nhà khoa học đã chứng minh cơ chế gây rối loạn tăng đông máu gồm: gây viêm, tạo máu đông; tạo ra cơn bão cytokine. Máu đông có thể xuất hiện ở bất cứ mạch máu nào trong cơ thể, gây tắc mạch.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) thời gian gần đây, ghi nhận nhiều hơn số ca bệnh bị đông máu, tắc mạch máu, khi khai thác tiền sử dịch tễ hầu hết người bệnh đều mới khỏi COVID-19.

1

Bác sĩ Bùi Long - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp cho biết: "So sánh trước dịch với sau dịch thì chúng tôi thấy lượng bệnh nhân có nguy cơ tắc mạch máu nhiều hơn. Đa phần là tắc mạch ngoại biên, nhồi máu lạnh, tắc động mạch chân, tắc tĩnh mạch, một số ít bệnh nhân có thể là tai biến, tắc mạch máu não hoặc tắc mạch tim".

Người trẻ tuổi có sự đáp ứng miễn dịch nhanh hơn, vì vậy tình trạng đông máu nếu xảy ra thường ngay khi mắc COVID-19, nhưng ở người cao tuổi hay có các bệnh lý nền tim mạch, huyết áp cộng với hệ thống miễn dịch yếu, đây là cơ sở để rối loạn đông máu trầm trọng hơn nhưng lại âm thầm và xảy ra chủ yếu sau COVID-19. Vì vậy, người cao tuổi có bệnh lý nền mạn tính, sau từ 1 tuần khỏi COVID-19 thì nên đi kiểm tra sức khoẻ.

1

Bác sĩ Bùi Long cho biết thêm: "Những người đã từng mắc COVID trên nền bệnh lý mạn tính, người cao tuổi có bệnh lý về tim mạch nên làm xét nghiệm kiểm tra. Kiểm tra máu xem tình trạng đông máu, có tình trạng nhiễm trùng kèm theo hay không, đó là nguy cơ gây tắc mạch. Thứ hai là có thể kiểm tra bằng chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra hệ thống mạch máu".

Di chứng đông máu không thường gặp song rất nguy hiểm cho người bệnh, gây đột quỵ; nhồi máu cơ tim, suy tim, đột tử; suy hô hấp cấp; suy thận cấp; hoại tử chi. Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường, người dân cần đến cơ sở y tế kịp thời

Link: https://vtv.vn/suc-khoe/de-phong-nguy-co-dong-mau-lien-quan-covid-19-o-nguoi-cao-tuoi-20220502111333575.htm

 

 

Theo VTV

.